Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 3: Bắt đầu cuộc sống kép

Sau hai năm du học tại Mỹ, Phạm Xuân Ẩn trở lại Sài Gòn để hoạt động tình báo. Trong vỏ bọc là một phóng viên nổi tiếng của Reuters và Time, đã cung cấp nhiều báo cáo tình báo chiến lược quan trọng cho cấp trên.

Trở lại Sài Gòn vào cuối tháng 9.1959, sau hai năm sống ở Mỹ, nỗi sợ lớn nhất của Ẩn là vừa ra khỏi máy bay đã bị bắt đưa đi và rồi vĩnh viễn biến mất. Ẩn sắp xếp để cả gia đình ra đón ông tại phi trường, bởi ông tính toán rằng trong trường hợp mình bị bắt, nếu có nhân chứng thì sẽ tốt hơn.

Phóng viên Phạm Xuân Ẩn (thứ hai từ trái) cùng các đồng nghiệp phương Tây - Ảnh: Từ sách Điệp viên hoàn hảo

Rất nhiều đồng đội của ông đã bị bắt giam. Ẩn không biết là liệu những người kia có khai ra tên ông hay không. Đáng lo nhất là việc cấp trên trực tiếp của ông là Mười Hương đã bị bắt vào năm 1958 và đang ở trong nhà lao Chín Hầm. Mười Hương là người sáng lập mạng lưới tình báo chiến lược ở miền Nam. Ông chính là người đã chiêu mộ ông Ẩn vào mạng lưới này và sau đó điều Ẩn sang Mỹ.

Giữa lúc người nhà chạy tới chạy lui, Ẩn nhìn quanh để xem có cảnh sát hay không, nhưng không thấy ai tiến tới bắt ông cả. Bởi không nắm bắt được tình hình nên Ẩn ở nhà suốt một tháng, sợ rằng nếu ra ngoài một mình, ông có thể bị bắt. Ông gửi một lời nhắn tới bác sĩ Trần Kim Tuyến, người đã giúp ông làm thủ tục thị thực hai năm về trước và là đồng minh thân cận của Ngô Đình Nhu, em trai ông Diệm: “Tôi vừa kết thúc khóa học ở Mỹ trở về và đang cần việc làm. Ông có gì cho tôi làm không?”. Theo tính toán của Ẩn, nếu ông là mục tiêu bắt giữ, bác sĩ Tuyến sẽ không bao giờ bố trí việc làm cho ông bởi Tuyến chính là người nắm giữ nhiều thông tin về mạng lưới Việt Cộng.

Thân hình nhỏ bé với cân nặng chưa đầy 45 kg, Tuyến “luôn có vẻ điềm tĩnh và e dè của một nhà nho”, như miêu tả của William Colby. Tuy nhiên, dưới bề mặt trầm lặng ấy, Tuyến là một người chống Cộng hăng hái, một nhà hoạch định và là kẻ bày mưu đảo chính bậc thầy.

Bác sĩ Tuyến thấy rằng chiêu mộ một người học hành ở Mỹ như Ẩn cho chính quyền Diệm là rất đáng giá. Ông ta liền bố trí cho Ẩn một chân nhân viên trong văn phòng tổng thống, vị trí mà Ẩn có thể tiếp cận các hồ sơ của quân đội, quốc hội và hầu như của mọi tổ chức tại miền Nam Việt Nam. Nhưng chẳng bao lâu sau, Tuyến tìm ra một cách sử dụng tốt hơn đối với nhân vật thân tín mới của ông ta. Tuyến liền cho Ẩn tới gặp Nguyễn Thái, Tổng giám đốc Việt Tấn xã, cơ quan báo chí chính thức của chính quyền. Trong số hàng ngàn bản tin được các hãng thông tấn quốc tế lớn cung cấp mỗi ngày, Việt Tấn xã chọn những thứ phù hợp để dịch sang tiếng Việt và đăng tải, coi như là quan điểm chính thức của chính quyền Diệm.

Tương tự Ẩn, Thái học ở Mỹ, và tại đây ông đã lần đầu tiên gặp Ngô Đình Diệm vào tháng 6.1952 tại một hội nghị dành cho sinh viên Công giáo. Thái là Chủ tịch Hội Sinh viên Công giáo tại Mỹ và sau cuộc gặp, Diệm thường xuyên gửi thư cho Thái để phân tích tình hình chính trị tại Việt Nam cũng như đánh giá cơ hội nắm quyền của chính mình. Sau đó Thái tới thăm Diệm tại tu viện Marknoll ở Lakewood, New Jersey, và sắp xếp để Diệm có một buổi thỉnh giảng tại Chương trình Đông Nam Á thuộc Đại học Cornell. Khi Diệm trở về Sài Gòn vào năm 1954, ông đánh một bức điện tới Đại học bang Michigan mời Thái về Việt Nam để giúp xây dựng một miền Nam độc lập. Thái nhanh chóng trở thành chủ bút và tổng biên tập của tờ Thời báo Việt Nam, và vào tháng 5.1957, Diệm bổ nhiệm ông làm Tổng giám đốc Việt Tấn xã.

Ở vị trí này, Thái nắm được nhiều bí mật của chính quyền Diệm. “Gần như mỗi ngày, tổng thống đều trực tiếp yêu cầu tôi theo sát các thông tin đặc biệt và sau đó “chế biến” theo cách này hoặc cách khác vì những lý do chính trị đặc biệt. Thông tin là quyền lực, và nó phải được sử dụng để phục vụ những người độc quyền về thông tin”. Một trong những người tìm cách kiểm soát thông tin là bác sĩ Tuyến.

Trần Kim Tuyến muốn Ẩn làm việc cho Việt Tấn xã để ông ta có thể kiểm soát Nguyễn Thái, nhưng Nguyễn Thái cũng muốn Ẩn làm việc cho mình: “Ông ấy là nhân viên đầu tiên của Việt Tấn xã được đào tạo báo chí tại Mỹ và thông thạo tiếng Anh. Bên cạnh đó, tôi cần một phóng viên có thể phụ trách mảng tin tức văn phòng tổng thống và đây là một nhiệm vụ rất nhạy cảm. Tôi cũng nhận thấy Ẩn rất thạo tin và có quan hệ rộng”, ông Thái kể. “Dường như ông ta quen tất cả các nhân vật quan trọng tại Nam Việt Nam, nhưng chẳng bao giờ khoe khoang về điều đó...”.

Thời gian làm việc cho Việt Tấn xã, Ẩn đã thể hiện một “phong cách chuyên nghiệp” mà theo ông đã trở thành đặc điểm xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp của ông. Bác sĩ Tuyến có kế hoạch sử dụng Việt Tấn xã làm vỏ bọc cho các điệp viên của ông ta xuất ngoại. Ông ta chỉ đạo cho Thái huấn luyện những điệp viên này một vài kỹ năng báo chí trước khi cử họ đi New Delhi, Jakarta và Cairo để làm gián điệp. Thái phản đối kịch liệt nhưng Tuyến bảo rằng đây là mệnh lệnh của Nhu nên Thái chẳng còn lựa chọn nào khác. Thái quyết định cử Ẩn phụ trách công tác đào tạo cho điệp viên của Tuyến...

Khi thấy mấy nhân viên của Tuyến học tập không nghiêm túc, Ẩn đã tới gặp trực tiếp Tuyến: “Ông xem đấy. Tôi sẽ không huấn luyện họ nữa trừ khi ông chỉ cho họ thấy tầm quan trọng của việc tạo ra vỏ bọc, bởi vì họ sẽ bị bắt ngay nếu không học nghề này cho đàng hoàng”, sau này Ẩn nhớ lại. “Họ cần phải chú ý chi tiết, biết cách thức nộp một bài viết, phỏng vấn và phát triển nguồn tin. Nếu họ không học nghề này, họ sẽ bị bắt và lúc đó thì ông cũng mệt đấy”. Những điệp viên kia lập tức quay trở lại Việt Tấn xã theo mệnh lệnh của Tuyến là phải tham gia chương trình huấn luyện báo chí một cách nghiêm túc. Thế là Phạm Xuân Ẩn, bản thân vốn là điệp viên Cộng sản, giờ lại đang huấn luyện cách thức tạo vỏ bọc cho các điệp viên chống Cộng của bác sĩ Tuyến. Tại Việt Nam, đây là chuyện vô tiền khoáng hậu.

Như Thái dự đoán, Ẩn không ở lại Việt Tấn xã lâu, mà chuyển tới hãng tin Anh Reuters, cộng tác với phóng viên người Úc Peter Smark, người có văn phòng làm việc đặt ngay trong khu tổng hành dinh của Việt Tấn xã.

Larry Berman
Người dịch: Đỗ Hùng

LOẠT KÝ SỰ NHIỀU KỲ "GIẢI MÃ" PHẠM XUÂN ẨN
CỦA NHÀ BÁO HOÀNG HẢI VÂN

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130905/diep-vien-hoan-hao-x6-ky-3-bat-dau-cuoc-song-kep.aspx