Điệp viên Đức 'Gã Chín Ngón' hầu tòa vì trốn thuế

Werner Mauss từng là một nhân viên tình báo xuất sắc, nhưng tay điệp viên Đức 'Gã Chín Ngón' này phải hầu tòa vì tội trốn thuế 14 triệu euro từ lối sống giàu sang, sở hữu những chiếc xe thể thao và các con ngựa đua thuần chủng.

Nếu bị tuyên đúng tội, Mauss, 77 tuổi, có thể phải ngồi tù 6 năm 3 tháng.

Thám tử tư lừng danh

Mauss có biệt danh “Gã Chín Ngón”vì mất một ngón tay ở bàn tay trái. Ông ta còn có biệt danh “Cục M” trong khi các quan chức chính phủ Đức chỉ gọi Mauss là ‘007’, vì trong ít nhất 30 năm, Mauss là phiên bản đời thật của nhân vật điện ảnh James Bond 007:

Ông ta từng xâm nhập bọn tội phạm, cài bẫy bọn buôn ma túy, thu hồi tài sản bị trộm cướp, thương lượng với bọn khủng bố, và thường xuyên đổi nhân thân khi chiếc máy bay riêng của ông ta đang bay giữa trời.

Mauss sinh năm 1940, tự phát hiện tài năng chiếm được lòng tin của người lạ khi làm người bán máy hút bụi ở từng nhà. Ngay trong độ tuổi 20, Mauss đã cùng người vợ đầu tiên mở một công ty thám tử tư, chuyên theo dõi các ông chồng ngoại tình và những tay lừa ngành bảo hiểm.

Tiếp đó, đôi vợ chồng chuyển qua theo dõi bọn tội phạm hình sự. Mauss thường giả là một con buôn quan tâm mua lại xe bị trộm, áo lông thú và đồ kim hoàn bị trộm, rồi khi bọn trộm tiết lộ chi tiết kế hoạch kế tiếp, Mauss báo cảnh sát biết.

Từ năm 1970 đến 1996, tên Mauss luôn được nhắc đến trong từng vụ hình sự lớn ở Tây Đức cũ: theo một sách biên khảo của nhà báo Stefan Aust, Mauss khoe riêng từ tháng 6.1970 đến tháng 5.1971, ông ta đã giúp bắt không dưới 162 tên buôn lậu kim cương, những tên trộm và bọn buôn lậu ma túy.

Năm 1976, chính Mauss bắt một thành viên nhóm khủng bố cánh tả Baader-Meinhof, tại một cơ quan báo chí ở Athens (Hy Lạp).

Năm 1983 chính phủ Tây Đức cũ trực tiếp giao Mauss lo thu hồi 41 thùng chất thải độc hại bị mất bí ẩn trong một lần vận chuyển. Tay thám tử chìm này lập tức phát hiện chúng được giấu ở một nông trại miền bắc Pháp.

Cuối những năm 1980 và đầu thập niên 1990, tay điệp viên tự học Mauss bắt đầu hoạt động quốc tế: thương lượng với tổ chức vũ trang Hezbollah để đòi tự do cho các nhà công nghiệp bị bắt cóc ở Lebanon.

Năm 1996, Mauss đi xuyên rừng già Nam Mỹ để giải cứu một con tin người Đức bị các tay du kích quân ELN bắt cóc. Vụ này cũng khiến chính quyền Colombia lột mặt nạ Mauss, vì họ sợ ông ta về phe với ELN để đòi tiền chuộc. Sau thời gian bị nhốt tù 9 tháng, Mauss mới được xử trắng án hồi năm 1998.

Điệp viên Mauss được vẽ phác họa năm 1985, khi chưa bị lộ

Giàu nứt đố đổ vách

Nhờ hoạt động tình báo, Mauss có lối sống sang trọng, sở hữu những chiếc đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ, áo lông thú, ngủ khách sạn hạng sang, lái các loại xe thể thao Porsche và Jaguar.

Mauss tự lái chiếc máy bay Cessna 172 đi khắp thế giới để hoạt động tình báo, cất cánh từ một điền trang rộng lớn ở tây nam Đức, mà báo Đức từng gọi là “Lâu đài Thế giới Disney”.

Ngành công tố Đức nhận định Mauss có lối sống sang giàu nhờ hai tài khoản ngân hàng UBS ở Luxembourg và quần đảo Bahamas, tất cả đều trốn thuế trên số tài sản trị giá hơn 50 triệu USD riêng từ năm 2002 đến 2012.

Khi bị lấy lời khai, một giám đốc UBS nói Mauss thường đến Luxembourg để rút tiền mặt, khoảng 300.000 euro/tháng.

Lúc cuối sự nghiệp trốn tránh đạn bắn và những màn rượt đuổi bằng xe, Mauss ‘dính lưới’ ngành thuế Đức, sau một vụ rò rỉ dữ liệu ngân hàng Thụy Sĩ hồi năm 2012.

Năm 2016, nhật báo Sddeutsche Zeitung phát hiện một trong những bí danh của Mauss và công bố vụ điều tra “Gã Chín Ngón”.

Mauss tự lái chiếc máy bay Cessna

Mauss tuyên bố không phải nộp thuế cho số tiền trong hai tài khoản ngân hàng UBS, vì nó là tiền của một quỹ tín dụng, do các cơ quan tình báo phương tây lập để “hỗ trợ hoạt động ngầm chống tội phạm và khủng bố của tôi”.

Mauss khẳng định vẫn hoạt động tình báo, dù bị lộ hồi năm 1996. Ông ta khoe đã hoạt động ở Iraq, Israel, Myanmar và Thái Lan, nhưng cũng khoe đang “chống bọn IS”.

Ông ta còn nói nhờ quỹ tín dụng, ông ta đã cứu Giáo hoàng Benedict XVI thoát âm mưu đầu độc của bọn buôn lậu ma túy Sicily và Colombia, nhờ một nguồn tin của tình báo Trung Quốc.

Mauss hứa có những nhân chứng sẽ xác nhận những lời khai, nhưng lời hứa này không bao giờ thành hiện thực: một nhân chứng là phó chỉ huy cảnh sát liên bang Đức đã chết từ 5 năm trước.

Mauss cũng không thể giải thích vì sao các cơ quan tình báo phương tây đồng ý chuyển quỹ tín dụng sang việc lập “Bảo tàng Werner Mauss” một khi ông ta qua đời.

Công tố viên tuyên bố: “Lời bào chữa của bị cáo như cát trôi qua kẽ tay của ông ta”.

Ngày 18.9 (giờ châu Âu), nhóm luật sư bào chữa cho Mauss sẽ có lần bào chữa cuối cùng, sau đó 11 ngày, chánh án Markus van den Hovel ở thành phố Bochum sẽ ra phán quyết.

Bích Ngọc (theo Guardian)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/diep-vien-duc-ga-chin-ngon-hau-toa-vi-tron-thue-71761.html