'Điệp khúc được mùa-mất giá': Nghịch lý của nông sản Việt Nam

Tình trạng 'được mùa mất giá' lặp đi lặp lại trong những năm qua đang là bài toán khó giải trong ngành nông nghiệp Việt Nam khiến nhiều người nông dân Việt vẫn mãi nhọc nhằn.

Thu hoạch dưa hấu tại Hậu Giang. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Thu hoạch dưa hấu tại Hậu Giang. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Tình trạng được mùa-mất giá của nhiều mặt hàng nông sản liên tục diễn ra trong thời gian qua gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp nói chung và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm nghìn người nông dân.

Mặc dù, nước ta có thế mạnh để phát triển các nông sản đặc sản tuy nhiên với nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thiếu sự liên kết khiến cho nhiều loại nông sản chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất khẩu cũng như trên thị trường “sân nhà.”

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, nhiều loại nông sản Việt lao đao vì tình trạng được mùa nhưng rớt giá như dưa hấu đổ bỏ, cà chua chín thối ruộng, cà rốt giá rẻ như bèo…

Cộng đồng xã hội đã chung tay tổ chức cứu hộ thu mua nông sản giúp bà con nông dân, song liệu rằng cộng đồng xã hội có thể kiên nhẫn để giải cứu hết nông sản này đến nông sản khác hay không và cần phải làm gì để nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững. Đây là bài toán lớn cần được giải đáp.

Bài 1: Được mùa-mất giá: "Điệp khúc" buồn của ngành nông nghiệp

Mặt hàng rau củ quả chiếm hơn 16,25% so với giá trị sản xuất của ngành trồng trọt (năm 2016) và ước tính có khoảng 700.000-800 .000 hộ nông dân tham gia sản xuất lĩnh vực này. Do đó, những biến động liên quan đến lĩnh vực này có ảnh hưởng khá nặng nề cho người sản xuất cũng như sự phát triển kinh tế.

Đặc biệt, tình trạng “được mùa mất giá” lặp đi lặp lại trong những năm qua đang là bài toán khó giải trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Lời giải không chỉ là nỗi lo của những người nông dân "một nắng hai sương", nguồn thu nhập chính trông vào mấy sào ruộng mà còn làm "đau đầu" doanh nghiệp và các Bộ, ngành.

Tiềm năng lớn, rủi ro cao

Theo số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), xuất khẩu rau quả cả nước năm 2016 đạt 2,458 tỷ USD, chiếm 7,6% so với tổng giá trị của toàn ngành nông nghiệp và chiếm 16,25% so với giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Tính đến hết quý 1 năm 2017, cả nước đã xuất được 664 triệu USD các mặt hàng rau quả và tiếp tục tăng trưởng 23,1% so với cùng kỳ quý 1 năm 2016.

Năm 2016, ngành rau quả được xem là điểm sáng ấn tượng trên bức tranh xuất khẩu nông sản, tiếp tục lọt top ngành hàng đóng góp “tỷ đô” vào kim ngạch xuất khẩu và liên tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta liên tục tăng trưởng cao: từ 151,5 triệu USD năm 2003 lên đạt mốc 1,07 tỷ USD năm 2013, năm 2016 đạt 2,458 tỷ USD, bình quân tăng 1,25 lần/năm, trong đó ước tính các sản phẩm cây ăn quả chiếm hơn 80% tổng giá trị xuất khẩu.

Thống kê của Cục Trồng trọt cũng nêu rõ, thu nhập của người dân từ việc trồng cây ăn quả tập trung mang lại giá trị kinh tế rất cao như: thu nhập của người trồng cam ở Cao Phong Hòa Bình là từ 300-500triệu đồng/ha/năm. Hay như Huyện Lục Ngạn, Bắc Giang có 26.000ha đất trồng cây ăn quả, năm 2016 đã thu về trên 3.000 tỷ đồng từ các sản phẩm trái cây…

Các loại quả được xuất khẩu năm 2016 chủ yếu gồm xuất khẩu thanh long đạt giá trị khoảng 800 triệu USD, chuối đạt giá trị khoảng 45 triệu USD, chôm chôm, nhãn, vải khoảng 52 triệu USD, xoài có giá trị 35 triệu USD, ...

Thu hoạch thanh long tại Long An. (Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN)

Xuất khẩu rau củ quả năm 2016 có 10 thị trường lớn nhất, trên 20 triệu USD: Bên cạnh Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất (chiếm 70,8% thị phần), nhiều loại rau quả nước ta đã được xuất khẩu vào các thị trường khó tính (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật), tiếp đến là Hà Lan, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Singapore và Australia.

Đại diện Cục Trồng trọt cũng cho biết, sản phẩm rau củ quả là ngành hàng có nhiều tiềm năng phát triển song mức độ rủi ro cũng khá lớn vì hầu hết đây là các sản phẩm tươi sống và nước ta vẫn yếu trong trong khâu bảo quản chế biến và phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường.

Vị đại diện này cho biết, thị trường xuất khẩu có những lúc, có những thời điểm do chúng ta không nắm bắt được nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu mà một số loại cây ăn quả, đã sản xuất cung vượt quá cầu dẫn đến thua lỗ nặng nề. Đơn cử như bài học về thanh long, chuối, dưa hấu đã phải đổ bỏ, hoặc cả vùng sản xuất cam sành Hà Giang, Tuyên Quang lao đao trong những năm trước đây (giai đoạn 2009-2013).

Theo đại diện Cục Trồng trọt xuất khẩu cao su giai đoạn hoàng kim (năm 2011) khi giá cao su tăng cao, thì lượng cao su xuất khẩu cả năm 2011 chỉ 846.000 tấn song kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD. Đến năm 2015 giá cao su giảm xuống đáy thì chúng ta xuất khẩu cao su đến 1,13 triệu tấn nhưng giá trị chỉ đạt 1,5 tỷ USD, như vậy chúng ta mất 1,8 tỷ USD chỉ riêng với cao su.

Điệp khúc buồn

Đáng chú ý, những ngày gần đây, dưa hấu Quảng Ngãi đang bước vào vụ thu hoạch nhưng những ruộng dưa hấu lại tiếp tục rơi vào thảm cảnh vắng bóng người mua. Thậm chí giá dưa hấu tại ruộng chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg nhưng người dân vẫn đang mong ngóng người mua hòng gỡ đồng vốn.

Những hộ trồng dưa tại xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đang rối ruột vì dưa hấu chín rộ từng ngày, trong khi bóng dáng thương lái không thấy đâu. Nông dân với hàng trăm hécta dưa hấu của các tỉnh miền Trung Quảng Ngãi, Quảng Nam đang thấp thỏm liệu dưa hấu năm nay có “rơi vào vết xe đổ” những năm trước phải đổ bỏ cho gia súc ăn hay không?

Theo đại diện của xã Tịnh Hiệp, dù chỉ mới đầu vụ thu hoạch, thế nhưng dưa hấu loại nông sản vốn mang lại nguồn lợi nhuận khá cho hàng chục nghìn hộ dân Quảng Ngãi không chỉ giá thấp, mà còn tiêu thụ chậm. Cá biệt có nhiều hộ trồng dưa hấu đến lúc thu hoạch để bán nhưng không có người mua.

Riêng xã Tịnh Hiệp, vụ năm nay diện tích dưa trồng của người dân trong toàn xã khoảng 50ha, nhiều hơn so với năm ngoái. Năng suất dưa thu hoạch bình quân từ 2,5-3 tấn/sào. Tuy giá tại ruộng tại thời điểm này chỉ 1.000 đồng/kg thế nhưng rất ít thương lái đến hỏi mua. Và hiện khoảng 10ha dưa của người dân Tịnh Hiệp đã đến lúc thu hoạch thế nhưng vẫn chưa tìm được người mua.

Tình trạng được mùa, mất giá không còn quá xa lạ, vì thời điểm này năm ngoái, nhiều nông dân Gia Lai (Kontum, Tây Nguyên) rớt nước mắt đổ dưa hấu cho trâu, bò ăn bởi giá dưa rẻ như bèo chỉ từ 300 - 1.700 đồng/kg.

Trước đó, thời điểm tháng 3-4/2015, cộng đồng xã hội cũng rộ lên phong trào giải cứu dưa hấu cho bà con miền Trung các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vì giá “rớt thảm” chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg.

Hay đối với mặt hàng cà chua, thời điểm giữa tháng Ba năm nay, nông dân Hưng Yên cũng đứng ngồi không yên khi cánh đồng cà chua chín đỏ ruộng mà không có người thu hái. Giá cà chua chạm đáy 1.000 đồng/kg, nhiều người bỏ ruộng, không chăm bẵm, không thu hoạch vì mức giá quá rẻ, thậm chí còn phá ruộng cà chua để tính trồng cây khác.

Một bài học tương tự cũng xảy ra đối với sản phẩm này vào cuối năm 2014, nông dân trồng cà chua ở Lâm Đồng cũng khổn khổ kêu cứu cộng đồng xã hội giải cứu cà chua đến vụ, rộ mùa lại bị ép giá, không biết bán cho ai…

Bế tắc lời giải

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 3/2017, thị trường trái cây trong nước có nhiều biến động. Tại Tiền Giang, nông dân trồng vú sữa lao đao vì giá nhiều loại giảm hơn một nửa so với năm trước.

Bên cạnh đó, tại Sóc Trăng giá dưa hấu trong tháng bất ngờ giảm mạnh với giá từ trên 4.000 – 4.300 đồng/kg do mùa thu hoạch và thương lái bỏ cọc khiến nguồn cung tăng mạnh.

Sau nhiều tháng sụt giảm, giá chuối ở Đồng Nai trong tháng 3/2017 đã bắt đầu nhích lên, tạo nguồn thu, giúp nông dân phần nào thoát cảnh thua lỗ. Hiện giá chuối chín cây được thương lái thu mua với mức 3.000 - 3.500 đồng/kg. Còn loại đẹp để xuất khẩu có giá bán 6.500 đồng/kg, đây là mức giá đã nhỉnh hơn so với tháng 2 khoảng 1.500 - 4.000 đồng/kg.

Đoàn viên thanh niên cùng doanh nghiệp tiêu thụ chuối cho nông dân Tây Ninh. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Điểm lại một số mặt hàng nông sản trong những năm vừa qua liên tục rơi vào tình trạng được mùa, mất giá thấy nhiều tên những sản phẩm quá quen như thanh long, dưa hấu, cà chua, chuối, chôm chôm, vải, vú sữa, gừng…

Đặc biệt là mặt hàng dưa dấu, trong những năm gần đây, hầu như năm nào dưa hấu cũng rơi vào “cảnh lỗ” này vì cứ đến mùa, dưa hấu lại bị ép giá, thậm chí người dân còn đổ dưa hấu cho gia súc ăn vì không biết bán cho ai.

Ngay đối với cả mặt hàng thanh long-sản phẩm được chú trọng phát triển phục vụ mục đích xuất khẩu với nhiều chính sách đầu tư quy mô cũng không thoát khỏi quy luật luẩn quẩn của câu chuyện “được mùa, mất giá” thậm chí bị thương lái ép giá trong nhiều năm nay.

Hai vụ liên tiếp của năm 2015, 2016 thanh long ở Bình Thuận được mùa với năng suất cao, tuy nhiên, do việc phụ thuộc vào thương lái phía Trung Quốc nên dẫn đến việc bị ép giá xuống thậm chí chỉ còn 500-2.000 đồng/kg…

Nhiều người cho rằng được mùa, mất giá là một nghịch lý, tuy nhiên, từ trước đến nay, tình trạng này đang diễn ra như một thuận lý, một quy luật tất yếu của thị trường. Song đáng lo ngại nhất, khi vấn đề này cứ lặp đi lặp lại từ mùa vụ này sang mùa vụ khác, từ năm này, sang năm khác mà vẫn chưa có một lời giải./.

Bài 2: Được mùa-mất giá: Hậu quả tất yếu của nền sản xuất manh mún

Thanh Tâm (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/diep-khuc-duoc-muamat-gia-nghich-ly-cua-nong-san-viet-nam/440718.vnp