Diễn viên Trần Bảo Sơn: Thiếu ý thức bảo vệ môi trường, cần xử phạt

Mặc dù rất bận rộn cho các dự án điện ảnh, diễn viên, nhà sản xuất Trần Bảo Sơn vẫn quyết định nhận vai trò làm đại sứ thiện chí cho chiến dịch chống buôn bán sừng tê giác giai đoạn hai. Anh đã có những chia sẻ với phóng viên chuyên đề Tinh Hoa Việt về quyết định này, cũng như những quan điểm của mình về ý thức bảo vệ môi trường của người Việt Nam.

Diễn viên Trần Bảo Sơn.

Việc thay đổi hành vi của một con người là rất khó. Anh nghĩ sao khi ra đường, đập vào mắt mình là hành động một người nào đó vứt rác bừa bãi, hay ở khu dân cư cũng vậy, quét rác từ trong nhà mình rồi hất hết ra đầu ngõ?

- Sơn nghĩ rằng xã hội Việt Nam chúng ta đang trong đà rất phát triển, vấn đề này không thể ngày một ngày hai có thể thay đổi được. Bởi vì phải có sự thay đổi tổng thể.

Thứ nhất, mình phải tự giác trước rồi những người khác mới tự giác. Mình phải tạo điều kiện cho môi trường đó sạch đẹp đã, thì tự nhiên những người sau khi nhìn thấy mình đã có ý thức, họ muốn vứt rác ở khu đó cũng sẽ cảm thấy rất ngại.

Trong xã hội có người thế này người thế khác, Sơn không nghĩ tất cả đều có ý thức, nhưng theo Sơn nghĩ điều quan trọng là phải có những biện pháp đủ mạnh để răn đe những hành vi hủy hoại môi trường. Bởi vì, thử nghĩ xem, khi đang đến một khu nào rất đẹp nhưng lại bắt gặp một người đứng… tiểu ở lề đường thì thật sự là hành động khó có thể chấp nhận. Thế cho nên phải có chế tài xử phạt, chẳng hạn như phạt tiền.

Có nhiều người đem so sánh ý thức bảo vệ môi trường của người Việt nam chúng ta với ý thức bảo vệ môi trường của người nước ngoài, cá nhân anh đánh giá như thế nào? Có phải ý thức của người Việt Nam kém hơn so với người nước ngoài không?

- Sơn nghĩ có những lí do để vấn đề thay đổi hành vi bảo vệ môi trường chưa được thực hiện tốt, đó là vì tác động của xung quanh môi trường sống, và thứ hai là ý thức của mỗi người. Khi mà chúng ta có những cách để người nào làm thì người đó sẽ bị phạt tiền hay một cách nào đó tương tự, thì sẽ dần dần giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, Sơn cũng nghĩ là phải cần thời gian lâu lắm, nghĩa là phải có cách thức để làm cho họ thành được cái “nếp”. Ví dụ nguyên cả khu đó sạch sẽ hết, mà tự dưng có một mình mình làm thì sẽ thành “lạ”.

Có trường hợp cụ thể, vừa qua tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) có ông Tây đã tự tay đi dọn rác ở ven một cái hồ khi thấy môi trường ở đây quá ô nhiễm. Khi đọc được được phần tin tức này thì cảm nghĩ của anh như thế nào, có cảm thấy đã đến lúc rất bức thiết để người Việt chúng ta cần phải thay đổi hành vi của mình không?

- Sơn có đọc câu chuyện này. Và Sơn nghĩ, đầu tiên với những khu vực ô nhiễm như vậy, điều quan trọng bây giờ không phải là lên án nhau, truy trách nhiệm nữa, mà với những trường hợp như vậy Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người dân giải quyết thực trạng ô nhiễm này. Nghĩa là vừa cần sự hỗ trợ của Chính phủ, vừa cần ý thức của người dân thay đổi, hai thứ này đi chung với nhau… thì dần dần mới đi sâu được.

Khi Nhà nước quyết định khu vực đó phải được cải tạo như thế nào, thì người dân mới đi theo. Bởi vì nếu khu đó không được cải tạo, và không có luật lệ của những người ở đó như vứt rác ra sẽ thế nào, thì trường hợp đó sẽ rất khó cải thiện.

Bên cạnh đó, chúng ta phải làm sao đưa đến được người dân những tiêu chí, cách làm như thế nào để bảo vệ môi trường sống ngay chính nơi mình ở. Thì như vậy, người dân sẽ làm theo, và từ từ sẽ cải thiện tốt hơn.

Là người của công chúng, tham gia những dự án bảo vệ môi trường, cũng như nhìn thấy những hành động thiếu ý thức diễn ra hàng ngày, anh có lời khuyên như thế nào đối với giới trẻ hiện nay, nhất là đối với thế hệ tương lai tiếp sau về ý thức bảo vệ môi trường?

- Sơn có suy nghĩ rằng, nếu chúng ta có những tiêu chí hay để hỗ trợ cho người dân thì tình trạng sẽ được cải thiện tốt hơn. Ví dụ có một khu vực nào đó rất bẩn, ô nhiễm thì sẽ sớm có chương trình hỗ trợ để dọn sạch. Không phải cứ xả rác để đến lúc ô nhiễm rồi khắc phục, nhưng tình trạng đã xảy ra thì có lẽ phương án này là tốt nhất. Bởi vì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người để tình trạng đó không xảy ra.

Tất cả chúng ta đều phải theo hết chứ không phải là người lớn nói riêng hay người trẻ. Tất cả chúng ta phải có ý thức riêng của mình để bảo vệ môi trường xung quanh. Và sẽ có nhiều chính sách để mà hỗ trợ cho người dân, cũng như có nhiều luật lệ để xử phạt những người không chấp hành. Đơn giản nhất là hành động xe cộ chạy lên lề đường, vứt rác bừa bãi ra đường, ra hồ… thì phải phạt. Từ đó tự dưng sẽ giảm dần người chạy lên lề đường hay vứt rác. Bởi vì cứ có một người chạy được lên lề đường rồi thì sẽ lại có người khác chạy theo.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Thu Trang (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/dien-vien-tran-bao-son-thieu-y-thuc-bao-ve-moi-truong-can-xu-phat/111998