Diễn viên kịch nói, NSƯT Hoàng Yến: 'Chỉ trên sân khấu tôi mới thăng hoa và dám liều'

Nhanh nhẹn, duyên dáng và rất thẳng tính, không màu mè là đặc điểm của diễn viên kịch nói, NSƯT Hoàng Yến (Nhà hát Thế giới Trẻ Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh). Chị và các đồng nghiệp vừa đi lưu diễn miền Tây tháng 7.2016 về và đang bắt tay chuẩn bị cho Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm nay.

1 người 3 vai, diễn như không!

“Cát trắng như gạo” của nhà văn Nguyễn Quang Vinh chính là vở diễn mà Hoàng Yến và các đồng nghiệp vừa đi lưu diễn ở An Giang, Đồng Tháp và đã xuất hiện tại Hà Nội năm ngoái trong Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân. Đây là một vở kịch độc đáo khi chỉ có hai diễn viên, lại một diễn viên đóng vai câm (họa sĩ Trí Đức), còn lại Yến một mình diễn 3 vai, kiêm luôn cả nhà sản xuất. Cái “điên” này của Yến đã giúp chị đoạt huy chương vàng cá nhân tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Nói về sự đón nhận của khán giả ở các vùng miền khác nhau, Yến bộc bạch: “Cát trắng như gạo” đã được diễn 8 tỉnh thành Nam Trung Bộ và 5 tỉnh thành Tây Nguyên và 13 tỉnh miền Tây. Cuối tháng 8 chúng tôi ra diễn tại Phú Quốc là kết thúc chương trình diễn vở “Cát trắng như gạo” (với gần 100 suất diễn) để dàn dựng kịch mục mới. Khán giả tiếp cận với nghệ thuật tranh cát và vở “Cát trắng như gạo” ở mọi điểm diễn đều cảm nhận giống nhau, họ mê tài vẽ tranh trên cát của Trí Đức và họ còn ngạc nhiên với diễn viên một mình đóng 3 vai. Duy nhất vào đêm mưa tại miền Tây là một sự lo lắng hồi hộp của anh em nghệ sĩ chúng tôi, mặc dù vé đã bán nhưng khán giả không đến, không biết lý do vì sao. Còn khán giả Hà Nội thì khỏi nói, trước đây tôi ở tỉnh mỗi lần được lên Hà Nội diễn tôi thấy hạnh phúc. Giờ khán giả Hà Nội lười đến rạp nhưng đã xem là xem hết mình. Vở “Âm binh” và “Cát trắng như gạo” có dịp diễn tại Hà Nội là ngày hạnh phúc của êkip.

Trong “Cát trắng như gạo” cái sáng tạo, cái hay của Yến là thể hiện 3 vai hoàn toàn khác nhau. Một sĩ quan công an trung niên sắp về hưu quyết tâm phá vụ án cuối cùng. Sáu Huệ - người đàn bà chịu nhiều bất hạnh, một mình nuôi con ròng rã suốt 20 năm (khi cha đứa bé không hề hay biết và bỏ đi vì ông bị câm, không muốn làm khổ bà). Và Linh lộc bình, con gái Mười Huệ, tính cách ngang tàng, hơi có chất giang hồ, đi lấy trộm hàng ở ghe thuyền để nuôi mẹ.

Vai diễn này đã làm tiêu hao sức lực, trí lực của chị như thế nào?

- Diễn 3 vai là một điều ngay bản thân tôi cũng bất ngờ. Khi Bộ Công an tài trợ 100% kinh phí cho vở diễn, áp lực nặng nề cho tác giả - nhà văn Nguyễn Quang Vinh là viết sao cho đúng chủ đề mà khán giả khi xem phải hài lòng. Và đạo diễn ép tôi phải là nhân tố gây bất ngờ cho vở.

Liều lắm tôi mới dám nhận. Tôi tin khả năng vào vai già, trẻ mình sẽ cố được, còn giọng miền Nam thì ôi thôi, hơn 10 năm sống trên mảnh đất này nhưng chưa một lần dám nói giọng miền Nam. Đạo diễn Nguyễn Quang Vinh yêu cầu tôi phải nói giọng Nam của một cô gái mới lớn và giọng Nam của một phụ nữ trên 40 tuổi. Vậy là bắt đầu một cuộc tổng chạy đua. Đầu tiên chồng tôi mang về một máy chạy tốt nhất thị trường để tôi ép cân, và toàn thể hệ thống loa các phòng luôn sẵn sàng mở Youtube nghe bài “Nhân quả sám pháp” và “Buông xả” vì đó là giọng đọc của cô Tú Trinh. Giọng miền Nam tôi mê nghệ sĩ Tú Trinh và Khánh Hoàng, lấy đó là đích để cố. Khi tôi đóng xong kịch cũng là lúc cả gia đình nhà tôi nghe kinh Phật riết rồi cũng nhận ra sống ở đời cần buông xả thì vô cùng thanh thản, bình yên.

Trong ba vai thì khó nhất là vai gì?

- Linh lục bình là vai trẻ con khó nhất vì Yến chưa đóng trẻ con bao giờ, vai công an xây dựng hình ảnh không đời, nên rất khó và hay thay đổi, duy có vai Sáu Huệ là Yến vào ngọt nhất, vì giống Yến: đằm thắm và nồng nàn.

Thành công, thất bại luôn chực chờ!

Hoàng Yến không mắc bệnh ảo tưởng như nhiều nghệ sĩ Việt khác. Dù rất đam mê và bản năng mãnh liệt nhưng chị không “thần thánh hóa” nghề nghiệp của mình. Những thăng trầm trong đời đã giúp chị nhận ra những giá trị giản dị mà bền vững của cuộc sống gia đình.

Mỗi lần ra sân khấu là một lần sáng tạo mới, Yến gọi cảm hứng cho mình đến như thế nào?

- Bài học khi mới vào nghề diễn viên là các đơn nguyên; hành động, tập trung chú ý, tưởng tượng… nhưng thực tế diễn viên trên sân khấu phải là cả một quá trình tích lũy. Đến tuổi này, sắp tàn rồi giờ mới cảm nhận được tự tin và chín nghề, không lo lắng khi diễn, không bị yếu tố bên ngoài chi phối, cứ đắm đuối đúng hoàn cảnh của nhân vật. Trong “Cát trắng như gạo”, tôi vào cô bé lang thang giang hồ, cứ diễn búa xua, cuối chương trình giới thiệu một diễn viên trong 3 vai, khán giả thường ngơ ngác còn khán giả Đà Nẵng thì không chịu về. Có người nói to, không phải Linh lục bình, tôi liền cất giọng “Tui là cô bé Linh lục bình nè, có tin không hả chời”. Họ cười vang và vỗ tay rần rần, mới chịu rời khỏi ghế ra về.

Xưa từng là một diễn viên “vedett” của đoàn kịch nói Nam Định, với nhiều vai diễn cá tính, nhưng rồi chị không “yên phận” lại quyết Nam tiến và thành công. Chị đã phải trả giá như thế nào?

- Giờ tôi nghĩ lại, có lẽ là định mệnh chỉ ta phải thế. Từ bỏ nơi cho ta sự nghiệp để ra đi vô định và có ngày nay, an phận bình yên là số trời. Cái ngày đầu tiên rời Đoàn kịch Nam Định vào Nam không người thân quen, không biết ra sao là ảo tưởng điên khùng khi dám ra đi, thất bại cho tôi tìm về sân khấu và 5B Võ Văn Tần là sân khấu tôi diễn vai đầu tiên. Một sân khấu không micro, được gần khán giả nhất, vai diễn trong vở kịch “Bảy sắc cầu vồng” có số phận đa đoan giải tỏa cho tôi nỗi buồn trong cuộc sống. Được diễn trên sân khấu, rồi đóng phim “Mảnh trăng côi” những năm mới vào Nam đã cho tôi một niềm tin đất lành chim đậu từ ngày đó.

3 vai diễn của Hoàng Yến trong “Cát trắng như gạo”. Ảnh: VIỆT VĂN

Thường thì khi tập chị sáng tạo quá rồi để đạo diễn kéo lại là vừa hay chị tiết chế luôn khi diễn?

- Diễn là máu thịt, tiếp xúc ngoài đời tôi chẳng giống một diễn viên hay nghệ sĩ gì cả, chỉ là một người bình thường. Vứt tôi lên sân khấu dù là tập hay là diễn là thành ngay nhân vật điên dại, khóc, cười, vui, buồn và tôi cũng chả biết sao để giải thích.

Liều trên sân khấu (khi”điên” diễn ba vai), ngoài đời Yến có liều không?

- Chỉ trên sân khấu tôi mới thăng hoa và dám liều, làm tất cả. Còn ngoài đời tôi hơi nhạt nhẽo, đơn giản, bình thường chẳng có gì ấn tượng với sở thích ăn, mặc, sống như một người nhà quê là thích nhất.

Nhìn lại hành trình nghệ thuật của mình, Yến thấy đâu là những dấu mốc trưởng thành?

- Mốc trưởng thành thì khó với nghề này, từ năm 1995 tôi thành công trong vai diễn vợ Tú Xương, giành HCV toàn quốc và nữ diễn viên xuất sắc. Nhưng khi sang vai diễn khác, diễn viên lại bắt đầu từ con số 0, lại mày mò tìm chìa khóa cho nhân vật. Thành công, thất bại lúc nào cũng chờ chực cạnh cái nghề diễn này.

Có điều kiện tiếp xúc với lớp diễn viên trẻ bây giờ ở trường ĐH Sân khấu điện ảnh, chị thấy họ mạnh gì, yếu gì?

- Các em có năng khiếu, sắc đẹp và sự tự tin, đầy nhiệt huyết khi bước chân vào trường học. Điểm yếu là các em muốn thành công nhanh quá nên chỉ được thời gian đầu vào trường là chăm chỉ sau đó hào quang Sân khấu Điện ảnh đã kéo các em xa rời chuyện học hành.

Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế cuối năm tại HN, chị sẽ tham gia vai diễn gì?

- Có nhiều dự án lắm nhưng tôi muốn một tác phẩm quy tụ toàn thể giảng viên nhà trường tham gia. Hiệu trưởng nhà trường đang tạo mọi điều kiện cho Nhà hát Thế giới trẻ và chúng tôi rất hy vọng… Một tác phẩm hay của một tác giả nổi tiếng đang được toàn thể giảng viên chúng tôi ấp ủ, nếu không có gì thay đổi tháng 9 sẽ công diễn… cho tôi được giữ bí mật để bước qua mọi khó khăn.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/dien-vien-kich-noi-nsut-hoang-yen-chi-tren-san-khau-toi-moi-thang-hoa-va-dam-lieu-582779.bld