Điện thoại Trung Quốc giá rẻ chỉ còn là hoài niệm?

Huawei, Oppo, Vivo đều sáng tạo các mẫu máy đủ sức đứng cạnh iPhone, Galaxy và cùng nhau trở thành ông lớn trên thế giới. Họ xuất xưởng tới 40% thị phần điện thoại giá trên 500 USD mà Samsung và Apple đang thống trị.

Trong những năm qua, có tới 7 thương hiệu smartphone Trung Quốc lọt vào danh sách 10 nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Thành tích này đạt được không chỉ nhờ vào long trung thành của người dùng đối với sản phẩm địa phương. Những cái tên thành công nhất đang chuyển hướng từ sản xuất điện thoại giá rẻ na ná nhau sang cạnh tranh nghiêm túc hơn trên phân khúc cao cấp.

Huawei, Oppo, Vivo tham vọng vươn tầm thế giới bằng smartphone cao cấp

Hiện Giá bán thiết bị trung bình từ 3 thương hiệu kể trên đạt hơn 300 USD, theo Jessie Ding, chuyên gia phân tích tại Thượng Hải (Trung Quốc). “Mọi người muốn nhiều điện thoại cao cấp hơn. Họ nghĩ về chất lượng và dịch vụ thay vì giá thấp”, cô nói. Đó cũng là lý do mà Xiaomi, nổi lên từ năm 2014 và 2015 nhờ thiết bị bình dân, ngày càng mờ nhạt. Giá bán thiêt bị Xiaomi trung bình khoảng 180 USD.

Khi tham vọng ngày một lớn, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc lại hưởng lợi từ giao dịch độc nhất vô nhị mà chính phủ nước này ký kết với Qualcomm năm 2015. Để dàn xếp cáo buộc phi cạnh tranh, nhà sản xuất chip của Mỹ đồng ý trả khoản phạt 975 triệu USD và giảm tiền phí bản quyền thu của các công ty Trung Quốc. Do đó, phí bản quyền chip tiêu chuẩn của Qualcomm tại đây chỉ dựa trên 65% giá bán nội địa của thiết bị chứ không phải 100%.

Erick Robinson, cố vấn bản quyền của Rouse, một công ty tại Luân Đôn (Anh), nhận định: “Trung Quốc đã tặng tất cả các nhà sản xuất thiết bị một món quà. Họ có thể cạnh tranh tốt hơn với Apple và Samsung”. Ông Robinson, cựu Giám đốc bản quyền của Qualcomm châu Á, vừa thay chiếc Galaxy Note 4 bằng một chiếc Vivo.

Năm 2017, các thương hiệu hàng đầu Trung Quốc sẽ nỗ lực để vươn ra tầm thế giới. Huawei dồn mọi nguồn lực cho bộ phận thiết kế do cựu nhà thiết kế Samsung Joonsuh Kim đứng đầu. Anh cho biết ưu tiên của nhóm – đặt tại Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Luân Đôn (Anh) và Trung Quốc – là tạo ra kiểu dáng và cảm nhận nhất quán cho thương hiệu và có suy nghĩ “tây phương”. Anh muốn có nhóm thiết kế tại Mỹ để bảo đảm thiết kế phù hợp với phong cách và thị hiếu người dùng Mỹ.

Nếu như thị trường Mỹ vẫn là thách thức khó vượt qua khi phần lớn điện thoại Trung Quốc mà người dùng Mỹ đang sử dụng đều là model giá rẻ từ ZTE, Lenovo và TCL, mục tiêu chính của họ lại là Ấn Độ. Vivo đã mở nhà máy gần Delhi và tài trợ cho giải đấu criket hàng đầu nước này. Phó Chủ tịch Oppp Allen Wu thì cho biết công ty của ông tập trung vào các “sản phẩm ngôi sao”, tạo sự khác biệt từ chất lượng. “Chúng tôi muốn nhiều khách hàng trẻ biết về Oppo hơn”. Ông cam kết Oppo sẽ tránh xa phân khúc giá rẻ của thị trường.

Du Lam (Theo Bloomberg)

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/kinh-doanh/dien-thoai-trung-quoc-gia-re-chi-con-la-hoai-niem-144833.ict