Điện hạt nhân TQ gần biên giới: Việt Nam làm thế nào?

Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về điện hạt nhân, cần phải chủ động hơn trong việc phòng tránh, thay vì thụ động như hiện nay.

Lý do Trung Quốc làm điện hạt nhân gần Việt Nam

Vừa qua, tại buổi họp báo thường kỳ Quý III/2016, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cho biết: "Viện Năng lượng nguyên tử đã có kí kết với nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) Phòng Thành.

Cách đây 1 tuần, khi tham gia Hội đồng IAEA, đoàn Việt Nam đã trao đổi với cơ quan an toàn hạt nhân của Trung Quốc về việc xây dựng thỏa thuận cảnh báo nếu có sự cố. Không chỉ Phòng Thành, các nhà máy Sương Giang, Trường Giang của Trung Quốc cũng khá gần Việt Nam".

Thế nhưng, theo ông Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân cho biết, việc kí kết hợp tác với Trung Quốc đã được thực hiện từ năm 2012 nhưng trên thực tế chưa được triển khai nhiều.

Hiện Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế để có công cụ ràng buộc như Công ước về thông báo sớm. Với Công ước này, bất kì sự cố hạt nhân nào đều được mạng lưới quốc tế thông báo.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 7/10, TS Đỗ Thị Nguyệt Minh - Trưởng bộ môn Điện hạt nhân - Trường Đại học Điện lực cho biết: "Thường thì các nhà máy ĐHN phải xây dựng gần biển hoặc nguồn sông, để có nước làm mát, ngưng tụ hơi nước. Hơn nữa, các thiết bị hạt nhân rất lớn nặng hàng trăm tấn, nên chuyên chở bằng đường biển là thuận lợi nhất.

Hàng loạt nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc gần với biên giới Việt Nam

Hoặc các nhà máy ĐHN sẽ thường nằm ở vùng hẻo lánh, nguyên nhân vì có chất phóng xạ, nên không nằm trong vùng dân cư đông đúc, ít nhất cũng trong khoảng bán kính 20km,.

Ở các nước thường các nhà máy ĐHN sẽ nằm gần khu dân cư nhưng ở cách xa bán kính hợp lý, đó là về mặt khoa học yêu cầu khi xây dựng. Nếu được xây dựng công chúng nơi đó phải đồng ý, tỉnh đó phê duyệt đặt nhà máy mới được làm, đây là vòng đảm bảo nhà máy sắp xây dựng phải an toàn.

Cho nên khi đi đến các nước, trước khi vào nhà máy ĐHN, bao giờ họ cũng dắt vào tham quan bảo tàng trước, để dân chúng sinh hoạt, đến chơi và am hiểu nhà máy về mặt tích cực cũng như hạn chế, để cùng nhà máy đảm bảo môi trường.

Để thấy yếu tố an toàn rất quan trọng, còn về mặt chuyên môn, thì phải hình thành các cơ sở phân tích, như ở Nhật Bản sau sự cố Fukushima, họ phải lấy mẫu hàng ngày, mẫu thịt, rau cỏ, đất đá, thông báo cho dân biết các chỉ số, những thiết bị phân tích đều ở mức hiện đại nhất".

Bên cạnh đó, theo bà Minh, lò phản ứng tương tự như nguồn phóng xạ khổng lồ, tai nạn không chỉ nước đấy chịu mà thế giới chịu theo, ví dụ khi xảy ra sự cố Chernobyl - Áo, năm 2011, khi bà làm việc ở Áo phải phân tích một số mẫu của nước Belarus, một số nước bên cạnh, để xem bụi phóng xạ có bay sang không, hay là nguồn nước như thế nào.

Cũng như sau sự cố Fukushima họ thấy mảnh ván bay, trôi sang tận Mỹ, cũng sợ dòng chảy mang theo phóng xạ.

Trong phóng xạ có những phân tử phân rã ngắn ngày, nhưng cũng có những phóng xạ phân rã dài ngày thì phải cảnh giác, mà việc che chắn phóng xạ không hề đơn giản.

Nên đề phòng hơn là chờ đợi cảnh báo sớm

Nói về câu chuyện Trung Quốc xây dựng nhà máy ĐHN ngay gần VN, theo bà Minh, mục đích của họ, chúng ta không nên bàn vì đó là mục tiêu quốc gia. Vấn đề cần hơn hết đó là chúng ta phải làm thế nào khi họ đặt một thùng thuốc súng cạnh mình như vậy.

"Tôi nghĩ nước nào cũng phải thực hiện tuân chỉ theo nguyên tắc chung, nhưng việc tích cực nhất là làm sao có khoảng cách an toàn cho dân. Còn nếu không thì tự chúng ta phải có phương án đề phòng.

Để làm được thì người Việt Nam phải am hiểu về nhà máy ĐHN, dù có làm hay không thì vẫn phải xây dựng đội ngũ chuyên gia về ĐHN, để biết nó nguy hiểm, hiểm họa như thế nào, phân tích ra để biết cách phòng tránh.

Mặt khác, việc cảnh báo sớm phóng xạ, có 2 điều: nếu xảy ra sự cố rồi thì cảnh báo sớm cũng không có nhiều ý nghĩa. Nếu có thì tôi nghĩ phòng hay hơn đợi cảnh báo, đừng đợi, vì sự cố xảy ra thì không thể nói được điều gì.

Cho nên, việc của chúng ta là phải nắm được nhà máy xây dựng bên cạnh mình là nhà máy công nghệ gì, ai xây dựng, độ an toàn ra sao. Để phòng tránh được thì cần phải chủ động làm gì", bà Minh nói rõ.

Theo vị chuyên gia trên, hiện nay, Trung Quốc đang chỉ xây dựng hệ thống quan trắc môi trường. Việc xây dựng là đương nhiên, nhưng cũng cần nghiên cứu kỹ về mặt khoa học.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/dien-hat-nhan-tq-gan-bien-gioi-viet-nam-lam-the-nao-3320334/