Diễn giả Hồ Nhựt Quang nói về triết lý âm dương

Sáng 17-4, tại Trường THPT Lương Văn Can (quận 8, TP.HCM) đã diễn ra buổi sinh hoạt chuyên đề 'Em yêu trang sử Việt Nam', thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh và thầy cô nhà trường. Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ chủ trì buổi sinh hoạt.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang giao lưu với học sinh về triết lý âm dương

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang giao lưu với học sinh về triết lý âm dương

Mở đầu chương trình, anh Hồ Nhựt Quang đặt ra cho các em học sinh một câu hỏi về việc khi tắm thường dội nước từ đâu trước. Có bạn trả lời dội nước từ trên đầu xuống, có bạn nói dội nước từ vai. Diễn giả lý giải, sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, có phân tích kỹ triết lý âm dương, triết lý hàn - nhiệt. Theo đó, cơ thể chúng ta luôn sinh ra nhiệt để tạo áp suất đưa máu đến nuôi từng tế bào, từng cơ quan lục phủ ngũ tạng. Vì vậy, nếu chúng ta tắm xối nước không đúng cách làm thay đổi áp suất đột ngột sẽ dễ gây tình trạng đột quỵ, choáng váng, tràn dịch màng phổi (bệnh phổi nước), lâu dần dễ bị rụng tóc, yếu thị lực và thính lực.

“May mắn, tạo hóa sinh ra cơ thể ta có xung thần kinh ở tứ chi (hai tay, hai chân), có nhiệm vụ báo tín hiệu thay đổi lên não bộ để kịp thời thay đổi thích ứng. Vì vậy, khi tắm, ta nên xối nước từ hai bàn chân trước, sau đó là hai cánh tay, súc miệng rồi tắm dần toàn thân. Có như vậy, ta tránh được tình trạng "Thủy hỏa bất tương" gây tổn hại sức khỏe cơ thể” - diễn giả Hồ Nhựt Quang phân tích.

Ngoài việc không nên xối nước từ đầu xuống khi tắm, diễn giả Hồ Nhựt Quang cũng lưu ý các em học sinh tránh tắm khi quá đói hoặc mới ăn no, không tắm khi trong người có bia rượu… gây tổn hại sức khỏe.

Tiết mục Thái hậu Dương Văn Nga do chính diễn giả Hồ Nhựt Quang sáng tác được các nghệ sĩ biểu diễn minh họa trong chương trình

Cạnh đó, diễn giả Hồ Nhựt Quang còn giới thiệu đến các em học sinh một loạt lễ nghi của người xưa có từ thời Hùng Vương, tục thờ cúng ông bà, thôi nôi, tảo mộ…; triết lý sống của con người qua cây tre, cùng với đó là các tiết mục văn nghệ tái hiện lại các nhân vật lịch sử của dân tộc vô cùng sống động.

Cô Trương Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Can, cho biết thời gian trên lớp không đủ để dạy các em những điều cần biết trong cuộc sống, vì vậy trường luôn tranh thủ những buổi sinh hoạt chuyên đề để giúp các em cùng tìm hiểu những kiến thức về lịch sử văn hóa một cách trực quan sinh động hơn.

CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ được cố GS-TS Trần Văn Khê thành lập vào ngày 12-9-2014 tại Hội trường Nhà lưu niệm GS-TS Trần Văn Khê (32 Huỳnh Đình Hai - quận Bình Thạnh - TP.HCM) do diễn giả văn hóa Nam bộ Hồ Nhựt Quang làm chủ nhiệm.

Đến nay, CLB đã tổ chức nhiều hoạt động, thu hút rất nhiều nhà học giả, nghiên cứu và các bạn trẻ yêu văn hóa, nghệ thuật cổ truyền đến tham dự như: Vinh danh đàn ca tài tử cải lương cho hướng dẫn viên; vinh danh ẩm thực, trang phục, lễ giáo Nam bộ qua thơ ca; độc đáo nghệ thuật khóc cười trên sân khấu; tết xưa của Nam bộ; chuyên đề về hình ảnh người phụ nữ trong các tác phẩm sân khấu miền Nam; tinh thần tôn sư trọng đạo xưa và nay...

Mỗi câu chuyện văn hóa đều được diễn giả lồng ghép vào thực tế bằng các trích đoạn, tuồng cổ...

Diễn giả Hồ Nhựt Quang đã sáng tác hơn 30 tác phẩm cải lương như Hào khí Thủ Khoa Huân, Hận Nam Quan, Khóc Võ Tánh, Thái hậu Dương Vân Nga, Đại hiếu Thiền Sư, Tấm gương liệt phụ, Thiền sư Tuệ Tĩnh, Trần Hưng Đạo...; các bài vọng cổ: Đình Thân Nhơn quê tôi, Sông Bến Chùa quê tôi, Xuân Tiền Giang, Nghĩa Làng Sen, Nhớ ngày đầu tiên đi học, Về đây Văn Miếu Trấn Biên, Câu hò dành tặng Thầy Khê, Sông núi Phương Nam, Di mộ ân sư...

HUỲNH TRƯỜNG GIANG

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/dien-gia-ho-nhut-quang-noi-ve-triet-ly-am-duong-696457.html