Diễn đàn Quốc tế các nhà năng lượng và công nghiệp trẻ 'Phor-saj'

Mới đây, tại Nga, diễn ra Diễn đàn Quốc tế các kỹ sư và nhà công nghiệp trẻ của ngành năng lượng mang tên “Phor-saj”.

Đây là sân chơi dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp hoặc đang học tập, nghiên cứu các lĩnh vực về năng lượng nói chung và năng lượng hạt nhân nói riêng để chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thu thêm kiến thức mới và đặc biệt là bảo vệ những dự án của mình.

Hơn 600 đại biểu đến từ nhiều quốc gia tham dự Diễn đàn các kỹ sư và nhà công nghiệp trẻ của ngành năng lượng "Phorsaj - 2016"

Tổ chức lần đầu vào năm 2011, Diễn đàn Quốc tế các kỹ sư và nhà công nghiệp trẻ của ngành năng lượng do Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga “Rosatom” và Hiệp hội Quốc tế về đào tạo đại học “MAKO” tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Khoa học Nga. Tại diễn đàn năm nay có 11 đề tài lớn mà hơn 600 đại biểu đến từ nhiều quốc gia cùng tập trung thảo luận và đưa ra những dự án của mình để thuyết minh và bảo vệ.

Trong 5 ngày diễn ra Diễn đàn, cùng với những cuộc hội thảo lớn, nhỏ được tổ chức xung quanh những chủ đề liên quan đến vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng, rồi nguồn năng lượng nguyên tử v.v… các đại biểu đông hàng trăm người đã tích cực tham gia các hoạt động hội trại, giao lưu bằng các hình thức thể thao, văn nghệ rất sinh động.

Ngày cuối cùng diễn ra sôi nổi với các mảng đề tài lớn mà các đại biểu được chia thành các đội để tham gia bảo vệ một dự án mà nhóm mình đưa ra trong quá trình tham gia Diễn đàn. Đề tài của các dự án xoay quanh 5 hướng cơ bản thuộc hoạt động của các trung tâm nghiên cứu và công nghệ hạt nhân.

Trong nhóm đề tài “Nguồn dự trữ cán bộ của Rosatom”, những kết quả xử lý các trường hợp trong suốt thời gian Diễn đàn đã được tổng kết. Các đội đạt số điểm tối đa đã được nhận phần thưởng. Vòng chung kết bảo vệ dự án cũng diễn ra tại nhóm của Hiệp hội Quốc tế về hợp tác đào tạo với các chủ đề như “Năng lượng an toàn”, “Công nghệ an toàn”, “Các nhà lãnh đạo tương lai của tập đoàn Rosset”, “Hợp tác toàn cầu” …

Trong khi đó, những trại viên thuộc mảng đề tài “Lãnh đạo đổi mới” đã trình bày các dự án của mình liên quan đến việc quyết định về đổi mới khoa học - công nghệ…

Một nhóm các kỹ sư trẻ chuẩn bị tham gia bảo vệ một dự án của mình tại Diễn đàn "Phorsaj - 2016"

Sau ngót một tuần tham gia Diễn đàn và hội trại, các trại viên là những kỹ sư, cán bộ ngành năng lượng còn trẻ tuổi, đã biết cách tổ chức nhóm làm việc, thiết lập lộ trình cho nhóm và xác định được hướng phát triển đề tài. Các chuyên gia tham gia ban giám khảo, trong đó có ông Xergey Obozov, Giám đốc phát triển Nguồn Nhân lực của “Roatom”, đánh giá rất cao về chất lượng của các dự án và cho rằng, có những dự án hoàn toàn có thể triển khai trên thực tế.

Ban Giám khảo gồm các nhà lãnh đạo các trường đại học hàng đầu của Nga, đại diện của Quỹ “Skolkovo”, các kỹ sư hàng đầu của “Rosatom” cùng nhiều chuyên gia lớn… Họ đã nêu các câu hỏi cho các ý tưởng đổi mới và đưa ra đánh giá cuối cùng của mình. Những người tham dự cuộc thi đã nhận được ý kiến đánh giá chung là được đào tạo tốt và rất có chuyên môn. Kết quả cuộc thi sẽ được đưa ra sau 2 tuần nữa và những bài thi đạt kết quả cao sẽ được nhận những phần thưởng giá trị băng tiền.

Các cán bộ Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận lần đầu tiên tham gia Diễn đàn "Phorsaj - 2016"

Đại diện cho các kỹ sư năng lượng trẻ của Việt Nam tham gia Diễn đàn “Phor-saj 2016” có 3 cựu sinh viên của trường Đại học Năng lượng Moskva (MEI), hiện đang công tác tại Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đó là em Nguyễn Phạm Hưng, quê ở Hà Tĩnh, sinh năm 1987, vừa tốt nghiệp năm 2014; Trần Thị Phương Nam, sinh năm 1989, quê Đắc Lắc, mới tốt nghiệp năm 2015; Nguyễn Văn Quang, quê Nam Định, cũng tốt nghiệp trường MEI năm 2014.

Các em rất thích thú và ấn tượng khi lần đầu tiên tham gia một Diễn đàn thú vị và bổ ích như thế này. Em Nguyễn Văn Quang nói: "Tôi cảm thấy rất thích thú khi tham dự hội trại này. Rất thú vị vì vừa tham gia các hội thảo, vừa tham gia các hoạt động thể dục thể thao, vừa tham gia sinh hoạt tập thể với các bạn nước ngoài, có điều kiện tiếp xúc, giao lưu… Tôi cảm thấy gần gũi hơn rất nhiều đối với các bạn đến từ các nước trên thế giới".

Trần Thị Phương Nam cũng chia sẻ niềm vui của mình về những điều bổ ích của Hội trại: "Lần đầu tiên tham dự, em thấy các tổ chức rất hay, mới mẻ và có nhiều điều bổ ích. Ở đây, em có thể học tập và cũng rất vui. Tham dự Hội trại, em đã có thêm những người bạn mới từ Nam Phi, Đức, Phần Lan… Những người bạn Nga, là những người tổ chức… họ đã giúp đỡ bọn em rất nhiều, rất chu đáo khi chúng em ở đây. Tham gia hội trại em học được cách để có thể làm được một dự án từ khâu đầu tiên cho đến khi hoàn thành. Rồi còn có các chuyên gia giảng về kiến thức về những dự án, kiến thức về thay đổi và những cái đó sẽ giúp ích chúng em tham gia công tác tại Ban quản lý Điện Hạt nhân Ninh Thuận".

Nguyễn Phạm Hưng, thì nhân dịp này, đánh giá về sự đào tạo của Đại học Năng lượng Moskva đối với các sinh viên ngành năng lượng nói chung và năng lượng hạt nhân nói riêng rằng: "Trong thời gian 7 năm học trường MEI, chúng em được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về năng lượng hạt nhân, về vật lý hạt nhân. Sau khi tốt nghiệp về nước chúng em có thể mang những kiến thức của mình ra làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân. Các bạn sinh viên Nga rất thân thiện, luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng em khi gặp bất cứ vấn đề gì. Còn các giáo sư trường MEI rất uyên bác, có kiến thức sâu rộng và lúc nào cũng sẵn sàng giải thích giúp đỡ cho các sinh viên nước ngoài, đặc biệt là các sinh viên Việt Nam do EVN cử đi".

Rất quan tâm đến một hoạt động bổ ích này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga, đại diện Bộ Năng lượng và Công nghiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử “Rosatom” và nhiều vị lãnh đạo cấp cao, các chuyên gia của các công ty, tập đoàn lớn cũng như đại diện các hội doanh nghiệp đã dành thời gian tham gia dự Diễn đàn và chia sẻ nhiều thông tin bổ ích cho các bạn trẻ ngành năng lượng đến từ khắp nơi trên thế giới./.

Điệp Anh-VOV-Moscow

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/dien-dan-quoc-te-cac-nha-nang-luong-va-cong-nghiep-tre-phorsaj-534137.vov