Diễn đàn kinh tế 2017

Với chủ đề “Cơ hội cho các nhà đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020”, Diễn đàn kinh tế 2017 do Báo Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội ngày 02/12.

Quang cảnh Diễn đàn: Ảnh: TQ

Diễn đàn đã tập trung trao đổi hai nội dung chính: Thực trạng tái cơ cấu nền kinh tế hiện tại, mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 và Cách thức đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN.

Trong phiên thảo luận thứ nhất về thực trạng tái cơ cấu nền kinh tế hiện tại và mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, các diễn giả tập trung giải đáp các vấn đề đề án tái cơ cấu mới, triển vọng kinh tế trong 5 năm tới, phân bố các nguồn lực giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân (DNTN).

Phiên thảo luận thứ hai, các diễn giả cùng nhau trao đổi về cách thức đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Trong đó tập trung thảo luận về thực trạng, mục tiêu tái cơ cấu DNNN, cách thúc đẩy cổ phần hóa cũng như giải đáp các vướng mắc về định giá tài sản DNNN, lựa chọn, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược…

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TQ

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu kinh tế và đã được sự thống nhất cao từ Quốc hội, Chính phủ trong việc thay đổi mô hình kinh tế, trong đó xác định nền kinh tế tư nhân là quan trọng. Kinh tế tư nhân là động lực chính, mục tiêu chính của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, phân bổ lại nguồn lực để phát triển một cách hiệu quả, đồng thời tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao sức mạnh nội địa của chúng ta.

Trả lời câu hỏi, đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn trước đây thì đâu là điểm mới, đâu là điểm kỳ vọng trong lần này? Là người giám sát việc thực thi thì đề án tái cơ cấu lần này có những thách thức gì? Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tái cơ cấu hay cơ cấu lại là vấn đề đã trao đổi từ Nghị quyết Trung ương 3, khóa XI năm 2002 nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn còn nhiều băn khoăn.

Ông Nguyễn Đức Kiên trả lời các câu hỏi tại Diễn đàn. Ảnh: TQ

“Cái mới nhất trong đề án này là chúng ta đã hoàn thiện lại hệ thống luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật quản lý vốn và tài sản Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2015. Như vậy, tất cả những ngành nghề Nhà nước làm bây giờ được quy lại trong Luật Đầu tư chỉ còn 4 ngành nghề kinh doanh chỉ Nhà nước độc quyền, còn lại chúng ta hoàn toàn được phép kinh doanh” - ông Kiên nói.

Đâu là rào cản, là khó khăn mà các DN phải đối mặt trong đó có vấn đề cơ chế của chính chúng ta. Và đứng ở góc độ của Chính phủ, góc độ của DN chúng ta phải làm thế nào?

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, nếu nhìn nhận lại sức khỏe của DNTN thì có nhiều điều đáng ngại. Nền kinh tế Việt Nam đang tạo ra 14 động cơ, trong đó có 3 động cơ là DNTN đang trục trặc, chỉ có DN vốn nước ngoài (FDI) là mạnh. Thời gian tới DN FDI có duy trì được tốt hay không thì còn phải chờ bởi hiện nay DN FDI đầu tư nhiều vào Việt Nam vì chi phí rẻ. Tuy nhiên trong thời gian tới chi phí nguyên liệu cũng như nhân công của Việt Nam không còn rẻ nữa, và đặc biệt TPP không còn tương lai liệu nguồn vốn FDI còn động lực tạo hấp dẫn với kinh tế Việt Nam nữa hay không?

Lý giải thêm về điều này, ông Tuấn cho biết, bức tranh kinh tế DNTN của Việt Nam vẫn đáng ngại bởi quy mô của DNTN Việt Nam đang ngày càng nhỏ đi, DN kém hiệu quả đi. Hiện 58% DNTN chính thức không có thu nhập để nộp thuế, tức khoảng 42% DN đang có lãi để nộp thuế. Nếu duy trì như này thì rất ngại.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2011 đến tháng 9/2016 đã có 426 DN triển khai xong cổ phần lần đầu, trong đó chỉ có 254 DN bán được hết số cổ phần chiếm 60%, 172 DN chiếm 40% chưa bán hết cổ phần, điều đó thể hiện sự hấp thụ từ bên ngoài còn chưa được cao.

Bộ Tài chính mới đây cũng báo cáo cụ thể những DN lớn còn có vốn của Nhà nước cao sau khi cổ phần như: Lilama có 98% là vốn của Nhà nước, Tổng Công ty (TCT) Hàng không Việt Nam 95,5%, TCT xăng dầu 94,99%, TCT thép 93,6%, Cảng Kàng không 92%…

Như vậy, những con số vốn Nhà nước sau cổ phần hóa vẫn còn khá lớn. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này? ông Hùng đặt câu hỏi.

Các đại biểu đặt câu hỏi tại Diễn đàn. Ảnh: TQ

Theo ông Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ những thảo luận của Diễn đàn hôm nay, Chính phủ nên cân nhắc thêm quan điểm nhìn theo thị trường.

“Trước nay, chúng ta có những cách xử lý như buông nhỏ và giữ lớn nay chúng ta đã thay đổi cổ phần hết, Nhà nước không giữ cổ phần. Chúng ta cũng đang thay đổi “buông xấu, giữ tốt” với điển hình như bia hay Vinamilk đang đặt ra. Thời gian tới chúng ta cũng cần đặt ra quan điểm rõ hơn, Nhà nước chọn cái nào được giá thì bán. Những DN còn yếu chưa được giá thì cần khắc phục để nâng giá trị DN lên rồi mới bán” - ông Hùng nói.

Về kỹ thuật trong định giá và bán, ông Hùng cho rằng cần tạo được sự yên tâm và hấp dẫn nhà đầu tư. Trong đó, các phương pháp định giá cần mở rộng, cách thức làm cần đạt được chuẩn mực quốc tế, tư vấn phải gắn với hiệu quả khi mà cổ phần hóa và bán vốn Nhà nước, đó là những điều cần thay đổi.

Trần Quý

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/dien-dan-kinh-te-2017_t114c1068n112748