Diễn đàn 'Đạo đức Người làm báo Việt Nam': Xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, Hiến pháp và Luật Báo chí

Luật Báo chí 2016 đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của công chúng được hình thành trong bối cảnh môi trường thông tin thay đổi mạnh mẽ. Nội dung về Hội Nhà báo Việt Nam với những quy định cụ thể được đưa vào Luật này cho thấy tầm quan trọng của báo chí cũng như mối quan tâm của xã hội đối với người làm báo được nâng cao. Điều này cũng cho thấy hoạt động báo chí vẫn còn cái gì đó cần phải điều chỉnh.

Trong Luật Báo chí mới, Hội Nhà báo Việt Nam được xác định là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về Hội, và có 8 nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ “Ban hành và tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Tháng 8 năm 2005, Đại hội 8 Hội Nhà báo Việt Nam đã thông qua Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam với 9 điều, thay cho Quy ước về đạo đức nghề nghiệp được các nhà báo thực hiện từ trước đó. Theo đánh giá chung, những quy định này hiện còn nguyên giá trị, nhưng dù sao nó vẫn giống như “tuyên ngôn chính trị” về bản chất cách mạng của nền báo chí nước nhà, đòi hỏi nhà báo có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, và khá chung chung trong quy định về nghề nghiệp. Năm 2011, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các cuộc hội thảo, tiếp thu ý kiến của các nhà báo trong nước và tổ chức báo chí quốc tế, đã bổ sung phần “cụ thể hóa” 9 quy định đó, làm rõ thêm khía cạnh nghề nghiệp của đạo đức, hay nói cách khác là đề ra những quy định về điều “nên” và “không nên” trong tác nghiệp của nhà báo.

Những nội dung cụ thể hóa đó quy định khá chi tiết những hành vi được phép của nhà báo khi tác nghiệp. Chẳng hạn, đã bổ sung vào Điều 1 (Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam) một đoạn cụ thể hóa như sau: “Nhà báo phải quan tâm và bảo vệ lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, lợi ích của đa số nhân dân. Khi thông tin phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, phục vụ phát triển, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Điều 3 của Quy định năm 2005 chỉ ngắn gọn 9 chữ: “Hành nghề trung thực, chính xác và khách quan”, đã được cụ thể hóa bằng đoạn khá dài, chừng 325 chữ, quy định cụ thể về hành nghề như “… nhà báo không đưa thông tin gây hiểu lầm hoặc bị bóp méo; không đăng tin đồn khi chưa được kiểm chứng; không được viện cớ vì lợi ích chính đáng của công chúng để đưa tin giật gân, câu khách.” Trong nội dung này còn có quy định: “Các nhà báo khi viết trên mạng xã hội cần thận trọng, trước khi lập các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, nhà báo cần báo cáo người phụ trách mình”…

Những nội dung cụ thể hóa đó có thể đầy đủ đấy, nhưng lại khá dài, chưa thực sự cô đọng, phần nào vẫn mang tính định lượng. Quy định phải cô đọng, bao quát, đầy đủ và phổ cập, mang tính ràng buộc hơn, sát với tình hình (sai phạm) thực tế hiện nay.

Trong bối cảnh thay đổi lớn lao của báo chí truyền thông trong nước và quốc tế hiện nay, đạo đức của người làm báo được đặt lên hàng đầu trong sự nghiệp báo chí cách mạng nước ta. Do đó, việc xây dựng Quy định về đạo đức của người làm báo cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Báo chí năm 2016, để khắc phục những sai phạm xảy ra trong thời gian qua là hết sức cần thiết. Điều quan trọng là xây dựng các quy định để phòng ngừa, để ngăn chặn sai phạm, làm cho báo chí thật sự trong sạch, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn chung của báo chí hiện đại, thể hiện rõ bản chất cách mạng của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Trên tinh thần đó, để cùng tham khảo, tôi đề xuất một số quy định về đạo đức nghề nghiệp như sau (xin được trình bày cụ thể trong bài sau):

Thông tin trung thực, chính xác và khách quan, vì lợi ích của dân tộc, của Nhà nước và lợi ích của nhân dân.

Không bưng bít thông tin, bóp méo và xuyên tạc sự thật, diễn đạt và diễn giải sai lệch nội dung thông tin.

Không lợi dụng chức trách, nghề nghiệp vì mục đích cá nhân và nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho xã hội, tổ chức, cá nhân.

Không tiết lộ bí mật quốc gia, bí mật đời tư của cá nhân, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.

Tôn trọng và thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và chính sách thông tin của cơ quan báo chí.

Tôn trọng bản quyền, đoàn kết và hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.

Chấp hành nghiêm chính sách và pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân.

Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Hà Minh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/xay-dung-quy-dinh-dao-duc-nghe-nghiep-cho-phu-hop-voi-thuc-tien-cuoc-song-hien-phap-va-luat-bao-chi/