Diễn đàn 'Đạo đức người làm báo Việt Nam': Cần đưa thêm 'công bằng' và 'tôn trọng con người' vào chuẩn mực đạo đức nhà báo

Hội Nhà báo Việt Nam đang tổ chức cho các cấp Hội và hội viên đóng góp ý kiến xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và luật pháp hiện hành. Đây là một việc làm quan trọng, nhằm tiêu chuẩn hóa và điều chỉnh hành vi của nhà báo đảm bảo phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội của nghề báo. Quy định Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam hiện có 9 điều. Chúng tôi tham gia ý kiến đề nghị sửa đổi điều 3 “Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”, thành “Hành nghề trung thực, khách quan, công bằng, tôn trọng sự thật, tôn trọng con người”.

Về tiêu chí công bằng: Công bằng là đưa tin một cách vô tư nhất có thể, không được phép thiên vị hay né tránh; tôn trọng quyền được thông tin của các đối tượng có liên quan, quyền được tiếp cận thông tin của độc giả. Đề xuất này trước hết là xuất phát từ các giá trị chung của các quy ước đạo đức báo chí. Công bằng là nguyên tắc rất quan trọng, được giới báo chí quốc tế đề cao, không hiểu vì sao lại chưa được đưa vào quy định của ta.

Trong thực tiễn, chúng ta đã không ít lần chứng kiến hoặc tác nghiệp thiếu công bằng, đưa thông tin một chiều một cách cố ý hoặc vô tình. Cố ý, tức là biết nhưng cố tình giấu thông tin đi. Ví dụ: đưa quá nhiều tin tốt, tuyên truyền quá nhiều về một doanh nghiệp, trong khi biết chắc rằng doanh nghiệp đó đang nợ đầm đìa, không thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Hoặc vì lý do cá nhân mà cố ý viết bài, đăng tải những thông tin một chiều gây hại cho cá nhân, tổ chức. Vô tình, là do năng lực, trình độ hạn chế, chúng ta thiếu khả năng nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, khả năng điều tra rõ ngọn nguồn của vấn đề, hoặc bị lợi dụng, do đó rất dễ sa vào phiến diện, một chiều. Đặc biệt, trong các lĩnh vực đòi hỏi cần phải có sự hiểu biết về chuyên môn như kinh tế, tài chính, pháp luật, môi trường, văn hóa nghệ thuật… Đưa tiêu chí công bằng vào quy định là ràng buộc trách nhiệm đối với nhà báo; bên cạnh việc đưa tin trung thực, khách quan còn phải có nghĩa vụ không phân biệt đối xử trong quá trình tác nghiệp.

Về tiêu chí tôn trọng con người: Thực chất, đây là nguyên tắc nhân văn, nhân đạo trong hoạt động báo chí, mà Điều 2 “Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân” chưa mang tải hết. Trong bài giảng về các nguyên tắc báo chí ở các giáo trình cơ sở lý luận báo chí hiện hành, nguyên tắc nhân văn, nhân đạo xếp thứ tự sau rất nhiều nguyên tắc khác, như tính khuynh hướng, tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân, tính chân thực khách quan… Nhưng ở một góc nhìn khác, nó chính là cốt lõi của một nền báo chí chân chính. Một nền báo chí chân chính là nền báo chí vì con người và tôn trọng con người. Một nhà báo có đạo đức là nhà báo biết bảo vệ những giá trị cao cả của cuộc sống, bảo vệ công lý, bảo vệ những lợi ích tối cao, sống còn của đất nước, dân tộc, đồng thời cũng biết tôn trọng các giá trị sống của từng người dân, từng cộng đồng; chiến đấu chống tham nhũng, tiêu cực, chống bất công xã hội, bảo vệ những người bị áp bức, bị chà đạp trong xã hội…

Trong thời kỳ bùng nổ các loại hình thông tin đại chúng, cùng với đó là sự sa sút của đạo đức xã hội, vấn đề “tôn trọng con người” trên báo chí bị hạ thấp một cách đáng báo động. Sức ép mưu sinh đẩy nhiều cơ quan báo chí vào cuộc đua thông tin bất chấp mọi lẽ. Từ việc rút tít giật gân câu view, bới móc đời tư, hùa theo mạng xã hội đăng tải thông tin sai lệch, “đánh hội đồng” doanh nghiệp, dàn dựng, cắt ghép thông tin sai sự thật, khai thác thông tin về những tội ác rùng rợn, những sự việc phi nhân tính một cách quá chi tiết… đều là những việc làm đi ngược lại nguyên tắc báo chí nói chung, tính nhân văn nói riêng dẫn đến những hệ lụy đáng đau lòng, làm mất niềm tin của xã hội đối với báo chí.

Ở một cấp độ cao hơn, có thể cho rằng, tính nhân văn là gốc của xu hướng báo chí giải pháp, còn gọi là báo chí tích cực, báo chí kiến tạo – một xu hướng quan trọng của đời sống báo chí hiện nay. Báo chí giải pháp không chỉ phản ánh sự việc, hiện tượng tiêu cực mà còn tham góp giải pháp hữu hiệu để khắc phục, cải tạo hiện thực đó. Báo chí giải pháp tiếp cận thông tin và các vấn đề xã hội với tâm thế tích cực, đưa ra những giải pháp tích cực để khắc phục khó khăn thách thức, vun đắp niềm tin của công chúng, góp phần xây dựng xã hội. Một xu hướng báo chí đầy ắp tính nhân văn.

Trong một nền báo chí giải pháp, nhà báo có sứ mệnh rất quan trọng. Để có thể đưa ra những giải pháp tích cực cho các sự việc, hiện tượng tiêu cực trong xã hội chứ không chỉ phản ánh các sự việc, hiện tượng đó, nhà báo ngoài tài năng và trách nhiệm còn phải có tấm lòng nhân ái, hướng thiện, trân trọng cuộc sống, trân trọng con người. Bổ sung tiêu chí tôn trọng con người trong quy định đạo đức của nhà báo sẽ luôn nhắc chúng ta về tính nhân văn trong mỗi hoạt động nghề nghiệp mà chúng ta làm, để xây dựng cuộc sống này ngày một tốt đẹp hơn.

Nguyễn Thúy Quỳnh (Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ Thái Nguyên)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/can-dua-them-cong-bang-va-ton-trong-con-nguoi-vao-chuan-muc-dao-duc-nha-bao/