Diễn đàn: Câu chuyện nhân tài

Đà Nẵng mới đây tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả Chương trình thu hút và đào tạo nguồn nhân lực. Đây là một chương trình tốn kém rất nhiều kinh phí và có nhiều tham vọng của Đà Nẵng nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ trong các cơ quan công quyền của thành phố.

Các chương trình này của thành phố cũng đã tồn tại hơn 10 năm, đạt một số kết quả và cũng bộc lộ nhiều bất cập. Lục lọi các báo thì thấy đưa tin: Nhiều nhân tài Đà Nẵng chờ nhảy việc; Nhân tài phá cam kết, Đà Nẵng sẽ kiện và thu tiền về; Đà Nẵng: 7 nhân tài thua kiện kháng cáo; Đà Nẵng kiện nhân tài: rục rịch “đổi hướng” thu hút nhân tài; Đà Nẵng tính “chuyển nhượng” nhân tài cho tư nhân; Đà Nẵng lên ý tưởng đấu giá nhân tài...

Cái tôi thấy lạ ở đây là đại diện các cơ quan công quyền cũng như báo chí gọi những đối tượng tham gia chương trình này là nhân tài. Và như thế thì thành phố này có quá nhiều nhân tài thu hút về cũng như đào tạo trong thời gian qua.

Một em học sinh nhận được kinh phí của thành phố học đại học 4 năm ở nước ngoài về và người ta gọi em này là nhân tài. Một thạc sỹ hoặc tiến sỹ ở đâu đó về thành phố theo chương trình thì cũng được gọi là nhân tài.

Lâu nay, tôi cứ hiểu sai về từ này. Cứ nghĩ nhân tài là người có năng lực đặc biệt xuất sắc, phát hiện những vấn đề mà người khác không thấy, làm công việc gì đó với tinh thần sáng tạo cao mà người khác trong điều kiện tương tự không làm được.

Lâu nay, tôi cứ nghĩ những người như Trần Đại Nghĩa chế tạo súng ống trong thời chống Pháp, như Ngô Bảo Châu với Giải thưởng toán học Fields, như Trương Gia Bình và Mai Kiều Liên trong kinh doanh hoặc như ông Putin làm chính trị ở nước Nga… mới gọi là nhân tài.

Tôi nghĩ, có thể người ta sử dụng từ “nhân tài’ một cách dễ dãi quá, không biết đúng không?

Một tổng kết đáng chú ý của các chương trình này là gần 20% nhân tài diện thu hút và 64% học viên đề án đào tạo ở nước ngoài về cho rằng công việc bố trí không phù hợp. Có nghĩa rằng, những người này học một đường nhưng về làm một nẻo.

Con số trên không biết có chính xác không chứ tôi thấy, ở cơ quan cũ, 10 người được đào tạo về làm việc thì thấy cả 10 người không sử dụng kiến thức gì đã học ở đại học hoặc thạc sỹ vào chuyên môn ở cơ quan, về cơ quan mọi thứ phải học lại hết mới làm được.

Tôi có nêu vấn đề này thì có người nói, học là học các kỹ năng, học các phương pháp làm việc chứ những kiến thức học được trong trường thì không quan trọng.

Có học viên hỏi ông trưởng ban tổ chức, người chỉ đạo chương trình: Em học những kiến thức ở nước ngoài về nhưng công việc bố trí thì chẳng thấy có liên quan gì cả? Ổng trả lời: Thì trước đây tôi có học tổ chức đâu mà bây giờ tôi làm trưởng ban tổ chức. Hết hỏi.

Tôi không hiểu lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhiều, nhưng tôi tự nghĩ: Nếu kiến thức chuyên môn của chương trình đại học, thạc sỹ mà không có ý nghĩa gì thì người ta đào tạo và truyền đạt kiến thức này làm gì.

Một chuyện khác được bàn nhiều là người ta nói 12,5% học viên được đào tạo về, sau một thời gian làm việc lại không muốn tiếp tục làm ở các cơ quan hành chính này nữa. Theo tôi thì con số này lớn hơn nhiều, phải đến 70 hoặc 80% vì đây là tỷ lệ số học viên không đước bố trí đúng chuyên môn.

Thật ra, không phải là bố trí không đúng nhưng các em học những ngành mà các cơ quan hành chính lại không có nhu cầu. Phần lớn những ngành học này là để phục vụ các doanh nghiệp hoặc các tổ chức khác bên ngoài. Cơ quan Nhà nước thì chỉ cần một số lĩnh vực thôi nhưng các em thì thích gì học nấy mới sinh ra chuyện.

Do đó, mới có tình trạng như báo chí đã nêu là các em vi phạm hợp đồng, các em chờ nhảy việc hoặc một số các em tìm cách bỏ trốn ở nước ngoài. Và thành phố lại bận rộn với việc kiện các em ra tòa để truy thu tiền học phí.

Hội thảo vừa rồi, có vị quan chức đề xuất ”chuyển nhượng” nhân tài cho tư nhân. Giống như chuyển nhượng cầu thủ bóng đá, bóng chuyển… để các em có điều kiện phát huy tài năng và thành phố có thể thu hồi vốn.

Tôi thì có suy nghĩ đơn giản hơn: Nếu các em không phát huy được sở học của mình trong cơ quan Nhà nước thì các em nào muốn cứ cho các em được tự do chuyển ra doanh nghiệp mà làm. Nợ nần của các em thì ghi vào sổ. Hàng tháng, các em có thu nhập cao thì trả dần cho thành phố trong nhiều năm cho nó xong. Kiểu như ở các nước, sinh viên vay tiền Nhà nước đi học và trả chậm trong 10 hoặc 15 năm.

Nếu trả 1 lần thì gia đình các em không kham nổi. Bán nhà bán cửa trả nợ chính quyền thì cũng tội. Ở lại làm việc thì các em không tạo ra hiệu quả, cứ làm lằng nhằng cho đến hết thời gian nghĩa vụ rồi ra đi thì cơ quan chính quyền cũng không được gì. Quan trọng nữa là kiến thức của các em mai một dần.

Các em ra đi thì được nhiều thứ: Các em được sử dụng kiến thức mình học để đóng góp cho sự phát triển, doanh nghiệp thì có cơ hội sử dụng người được đào tạo bài bản để làm giàu cho doanh nghiệp, Nhà nước thì thu thuế doanh nghiệp nhiều hơn để nuôi bộ máy, cơ quan Nhà nước thì được giảm biên chế còn quá đông và giảm chi tiêu ngân sách, anh em trong cùng cơ quan đi lại khỏi đụng đầu nhau, aanh em còn lại thì có tăng thu nhập từ kinh phí Nhà nước, từ các quỹ đời sống và anh em ở lại có cơ hội thăng tiến nhiều hơn.

Còn mấy em học giỏi muốn tiếp tục học tiến sỹ với học bổng tìm được thì cứ để các em làm. Lá rụng về cội, chứ mất đi đâu. Không chừng lại có thêm nhiều Ngô Bảo Châu nữa. Mấy em này cũng trả nợ dần như những em đang ở trong nước.

Nhìn chung thì chỉ thấy toàn lợi ích mà sao không làm cho nó tiện? Cứ gây khó cho nhau làm gì? Phải tính cái lợi ích cho toàn xã hội, chẳng bên nào mất cái gì cả mà chỉ được thôi.

Tất nhiên cái status này xuất hiện thì sẽ có người phản ứng: Phải theo nguyên tắc này nọ, phải thực hiện cam kết này nọ, phải trừng trị thích đáng những kẻ vi phạm hợp đồng.... chứ không được dễ dãi với bọn chúng.

Chương trình đào tạo nước ngoài chắc phải nên thôi. Bây giờ nhiều gia đình đưa con em đi đào tạo ở nước ngoài nhiều. Chính quyền tha hồ mà chọn lựa nếu có nhu cầu, không mắc chi bỏ quá nhiều kinh phí đi đào tạo làm gì trong khi đất nước còn quá nhiều khó khăn, chương trình lại phải gặp những rắc rối như đã nêu trên.

Mời bà con phản biện!

Trương Hào (Đà Nẵng)

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Trương Hào

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/dien-dan-cau-chuyen-nhan-tai-599526.bld