Diễn đàn cấp cao Việt Nam: Ra khơi thuận buồm xuôi gió

Diễn đàn cấp cao Việt Nam 2016 thảo luận các cơ hội, thách thức và định hướng phát triển của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đối thoại và trực tiếp giải đáp những câu hỏi của các học giả, lãnh đạo doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Hải Minh

Tiếp nối thành công của 3 hội nghị kinh tế đối ngoại Việt Nam vào năm 2008, 2009 và 2012, Tạp chí Nhà Kinh tế (The Economist) của Vương quốc Anh phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị kinh tế đối ngoại với tên gọi “Diễn đàn cấp cao Việt Nam 2016: Ra khơi thuận buồm xuôi gió” vào ngày 2-3/11 tại TPHCM.

Sáng 3/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với tư cách là diễn giả chính của hội nghị, đã có buổi đối thoại và trực tiếp giải đáp những câu hỏi của các học giả, lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong hai ngày, Diễn đàn cấp cao Việt Nam 2016 đã thảo luận các cơ hội, thách thức và định hướng phát triển của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, như: Định vị Việt Nam trong kinh tế toàn cầu, triển vọng và các cơ hội của Hiệp định TPP; triển vọng ngành chế tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự chuyển dịch các lợi thế cạnh tranh từ lao động chi phí thấp sang các ngành sử dụng công nghệ tiên tiến và hàm ý chính sách cho Việt Nam;

Thảo luận về phát triển nông nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là chính sách đối với các nông sản Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như gạo, cà phê, thủy sản…; định vị Việt Nam trong xu thế phát triển khoa học công nghệ của khu vực, các giải pháp tháo gỡ rào cản phát triển công nghệ ở Việt Nam; thảo luận phương thức, biện pháp giúp Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa trên cơ sở bài học kinh nghiệm của các nước trong khu vực; chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ triển vọng, cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam, cũng như tư vấn chính sách cho Chính phủ.

Cơ hội nổi bật được nhấn mạnh là khả năng tận dụng các mạng lưới liên kết kinh tế khu vực mà Việt Nam hiện đang là điểm giao thoa quan trọng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định TPP và Hiệp định Thương mại tự (FTA) với EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu... Đây là một lợi thế rất lớn của Việt Nam mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang rất quan tâm và kỳ vọng nhằm tranh thủ tối đa lợi ích của các liên kết kinh tế này mang lại.

Song bên cạnh đó, các thách thức về biến đối khí hậu, môi trường và bẫy thu nhập trung bình lại đưa ra nhiều bài toán khó để duy trì tăng trưởng. Tuy nhiên, triển vọng cho Việt Nam là tích cực khi ta còn nhiều dư địa cho phát triển kinh tế bằng cách đầu tư cho chất lượng nhân lực, phát triển khu vực tư nhân, triển khai hiệu quả tái cơ cấu kinh tế và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước…

Hội nghị kinh tế đối ngoại năm 2016 thu hút sự tham dự của 250 đại biểu là doanh nghiệp, học giả và nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hội nghị đã tạo cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người, môi trường đầu tư và tiềm năng, triển vọng phát triển của Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, truyền tải thông điệp của Đảng và Nhà nước Việt Nam về cải cách kinh tế đến cộng đồng doanh giới quốc tế và tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận và quảng bá, mở rộng quan hệ đối tác với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

H.A

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/dien-dan-cap-cao-viet-nam-ra-khoi-thuan-buom-xuoi-gio/290728.vgp