Điện Biên: Thêm 2 di sản được công nhận văn hóa phi vật thể quốc gia

Tỉnh Điện Biên có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể mới là: Tết té nước (Bun huột nặm) và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 6 di sản.

Tỉnh Điện Biên có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể mới là: Tết té nước (Bun huột nặm) và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 6 di sản.

Tại Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL (ngày 11/9) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, công nhận 7 di sản mới thuộc 4 loại hình: Lễ hội truyền thống; Tri thứ dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghệ thuật trình diễn dân gian.

Trong đó, có 2 di sản thuộc tỉnh Điện Biên gồm: Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Na Sang, huyện Điện Biên thuộc loại hình Lễ hội truyền thống; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà, thuộc loại hình Tri thức dân gian.

Tết té nước thường được tổ chức vào trung tuần tháng 4 hàng năm. Lễ hội là một phong tục đẹp, có ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, tốt tươi cho khắp mọi nhà và cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc. Lễ hội đã được lưu truyền từ nhiều đời nay, không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn có giá trị rất lớn về tinh thần, giúp cho cộng đồng dân tộc Lào cùng nhau gắn kết, cùng nhau lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống tốt đẹp.

Còn đối với cộng đồng người Mông hoa ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, cho đến nay vẫn lưu giữ nét văn hóa độc đáo, quý giá, đó là kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải - một loại hình tri thức dân gian về một nghề thủ công truyền thống đã gắn bó với đồng bào từ ngàn xưa.

Đồng bào dân tộc Mông hoa quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh mời được các thần linh tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người…/.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=20&itemid=36566