Điểm tin tình hình Biển Đông 24 giờ qua

(GDVN) - Hoạt động của quân đội Trung Quốc trên các đảo chiếm giữ trái phép của Việt Nam; Truyền thông Mỹ ủng hộ việc phe phán Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông; Học giả Trung Quốc lên án Thời báo Hoàn cầu "làm loạn đất nước thêm"...

1. Sau khi thành lập trái phép cái gọi là "thành phố Tam Sa" và "khu phòng thủ Tam Sa", lực lượng biên phòng Trung Quốc đồn trú trái phép trên đảo Phú Lâm - Hoàng Sa đã bắt đầu "huấn luyện chi đội biên phòng Tam Sa" để hỗ trợ lực lượng ngư dân bị Trung Quốc đưa ra đảo. Ngày 16/8, Tiêu Kiệt - Thị trưởng của cái gọi là "thành phố Tam Sa" tới Bắc Kinh gặp Cục trưởng Cục Hải dương Trung Quốc để bàn nhau cách thức tăng cường các hoạt động (phi pháp) trên Biển Đông mà phía Trung Quốc gọi bằng cái tên "ngư trường Tam Sa". (Xem trọn bộ ảnh hoạt động của cái gọi là "thành phố Tam Sa).

Lực lượng biên phòng Trung Quốc đồn trú trái phép trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa huấn luyện "chi đội biên phòng Tam Sa" để hỗ trợ ngư dân sinh sống trái phép trên đảo trong các hoạt động nghề cá

2. Đá Gạc Ma là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa. Đá này đánh dầu đầu mút phía tây nam của cụm, nằm cách đá Cô Lin hơn 3 km về phía đông nam thuộc chủ quyền Việt Nam, nằm trong huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa bị quân Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đoạt năm 1988. (Xem trọn bộ ảnh hoạt động của quân Trung Quốc trên Đá Gạc Ma, Trường Sa).

Công trình nhà nổi quân Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Gạc Ma âm mưu chiếm đóng lâu dài, độc chiếm Biển Đông

3. Trong phiên điều trần về khoản ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao Philippines 2013, một số Thượng nghị sĩ Philippines "truy" Ngoại trưởng nước này về vấn đề Biển Đông và những ảnh hưởng của nó tới quan hệ Manila - Bắc Kinh. Thượng viện Philippines yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này trả lời, hoạt động hạn chế nhập khẩu chuối từ Philippines và hạn chế khách du lịch sang Philippines của Bắc Kinh có phải hành động chống lại Manila hay không? Manila còn ý định vay tiền Trung Quốc nữa không? Khoản nợ 200 triệu USD của dự án đường sắt thất bại Manila có định trả Bắc Kinh hay không?...

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cực chẳng đã phải "né" các câu hỏi trực diện và nhạy cảm của các Thượng nghị sỹ về quan hệ Philippines - Trung Quốc quanh vấn đề Biển Đông

4. Hải quân Ấn Độ đang tập trung xây dựng các căn cứ quân sự để có một “điểm tựa chiến lược” và “cứ điểm tiến công” có thể tiến nhanh tới biển Đông... (Xem chi tiết tin này trên Giáo dục Việt Nam)

Cụm căn cứ quân sự của Quân đội Ấn Độ ở quần đảo Andaman-Nicobar, kề sát eo biển Malacca, nơi có tuyến đường biển nối liền với biển Đông.

5. Dù Trung Quốc có tìm cách 'chia để trị', Việt Nam vẫn có sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên ASEAN, và chính Trung Quốc sẽ phải tăng hợp tác ngoại giao nếu không muốn bị cô lập, chuyên gia về Biển Đông Carl Thayer nhận định. (Theo VnExpress)

Carl Thayer là chuyên gia nổi tiếng và có nhiều bình luận về vấn đề tranh chấp Biển Đông trong nhiều năm qua. Ông hiện là giáo sư khoa học xã hội và nhân văn, Học viện Quốc phòng Australia.

6. Học giả Lý Lệnh Hoa, cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc đã phản bác một bài viết trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng “những khu vực thuộc đường chín đoạn là của Trung Quốc, hải quân Trung Quốc phụ trách”. Theo ông, tác giả bài viết đã thể hiện thái độ vô trách nhiệm, lý luận vô lối và gây hại nghiêm trọng cho việc giải quyết vấn đề trên biển Đông. Ông Lý cho biết việc đăng tải các bài viết dạng này chẳng giải quyết được gì mà chỉ “làm loạn đất nước thêm”. (Theo Tuổi trẻ)

Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa

7. Nói về tính cách con người Trung Quốc và những vấn đề về biển Đông, nguyên Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Dương Danh Dy cho rằng phần lớn người dân Trung Quốc không chỉ bị nhồi nhét, tuyên truyền những luận điệu sai trái về vấn đề biển Đông mà còn hình thành một tinh thần Đại Hán rất cực đoan. (Theo Nông Nghiệp Việt Nam)

Ông Dương Doanh Duy

8. Sau khi bị Mỹ vạch trần chính sách “chia để trị” mà Trung Quốc đang áp dụng với ASEAN ở Biển Đông, Bắc Kinh đã vô cùng tức tối, lên tiếng phản pháo mạnh mẽ Washington. Tuy nhiên, giới truyền thông Mỹ tin rằng Mỹ đã đúng khi “vạch mặt” Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. (Theo VnMedia)

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/quoc-te/diem-tin-tinh-hinh-bien-dong-24-gio-qua/211469.gd