Điểm tin 29/9: Việt Nam xếp thứ 3 toàn đoàn tại kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI

(Xây dựng) - Đoàn thí sinh Việt Nam xếp thứ 3 tại kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI, sinh viên trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị đạt 2 HCV và 1 HCB ở nhóm nghề. Thị trường VLXD trước áp lực cạnh tranh. Lựa chọn đơn vị tư vấn quản lý dự án: Sở Xây dựng giúp chủ đầu tư. Hà Nội: Thiếu trường học tại các khu đô thị mới. Ô nhiễm không khí ở đô thị lớn gia tăng... Đây là những tin tức nổi bật trên Báo điện tử Xây dựng ngày 29/9.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan và Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh tặng hoa chúc mừng thành tích đoàn Việt Nam tại sân bay Nội Bài.

Trường Xây dựng Công trình Đô thị đạt nhiều giải cao tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ XI

Chiều 29/9, các thí sinh đoàn Việt Nam trở về từ Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI. Kết thúc kỳ thi, Việt Nam xếp vị trí thứ 3 toàn đoàn.

Tại kỳ thi này, trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị có 3 sinh viên tham dự với 2 nghề chính là Xây gạch và Lắp đường ống nước. Ở nội dung thi Xây gạch, 2 thí sinh Tống Thọ Hòa và Nguyễn Văn Hệ đã xuất sắc đoạt 2 Huy chương Vàng trong tổng số 10 HCV của toàn đoàn. Thí sinh Phạm Văn Thành dự thi ở môn Lắp đặt đường ống nước cũng hoàn hành tốt phần thi và đoạt Huy chương Bạc.

Thị trường VLXD trước áp lực cạnh tranh

Không thể phủ nhận các DN sản xuất VLXD đang ngày càng bị cạnh tranh gay gắt trên chính sân nhà. Khi hàng rào thuế quan bị bãi bỏ giữa các nước ASEAN, gạch ốp lát, sứ vệ sinh của Thái Lan, Indonesia đang từng bước thâm nhập vào thị trường. Thậm chí Ấn Độ đang rất thành công trong việc quảng bá văn hóa trước và hướng các sản phẩm cho người tiêu dùng trong đó có các sản phẩm VLXD.

Tuy nhiên, những nỗ lực của các Cty sản xuất vật liệu trong nước đang rút dần khoảng cách và ngày một cải tiến sản phẩm nên cũng có chỗ đứng nhất định trong thị trường. Theo báo cáo của Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm, toàn ngành có tốc độ tăng trưởng khá, cả nước đã sản xuất được 8,7 tỷ viên gạch nung, 2,64 tỷ viên gạch không nung (bao gồm cả gạch nhẹ và gạch cốt liệu), 69 triệu m2 kính, 246 triệu m2 gạch ốp lát và 6,18 triệu sản phẩm sứ vệ sinh.

Sản phẩm thép cac-bon chống ăn mòn của Việt Nam vướng điều tra tại Mỹ

Vừa qua một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Hoa Kỳ đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (corrosion-resistant carbon steel - thép mạ) nhập khẩu từ Việt Nam.

Các nguyên đơn yêu cầu DOC khởi xướng điều tra và hoãn việc thanh khoản các chuyến hàng nhập khẩu sản phẩm thép mạ từ Việt Nam và yêu cầu khoản tiền đặt cọc với các chuyến hàng này ở mức bằng với mức thuế AD và CVD đối với sản phẩm từ Trung Quốc. Theo các bên nguyên đơn, sau khi Hoa Kỳ ban hành lệnh áp thuế, lượng xuất khẩu của Trung Quốc đối với sản phẩm này sang Hoa Kỳ giảm đi rõ rệt, tuy nhiên lượng xuất khẩu sản phẩm này từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lại tăng đột biến.

Lựa chọn đơn vị tư vấn quản lý dự án: Sở Xây dựng giúp chủ đầu tư

Thực hiện Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, nhiều chủ đầu tư khá lúng túng trong việc thuê đơn vị tư vấn quản lý dự án khi mà việc thành lập các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDA ĐTXD) chuyên ngành, khu vực tại nhiều tỉnh thành chưa được thực hiện. Trong tình huống này, việc các Sở Xây dựng đưa ra danh sách các đơn vị có đủ năng lực QLDA trong tỉnh giúp chủ đầu tư là cần thiết.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, ngành nghề tư vấn QLDA là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các đơn vị này phải có Giấy chứng nhận năng lực của Sở Xây dựng. Vì vậy, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước địa phương về xây dựng, Sở Xây dựng khi thực hiện tham mưu cho chủ đầu tư có thể đưa ra danh sách các đơn vị có đủ năng lực về QLDA trên địa bàn tỉnh, để chủ đầu tư lựa chọn. Việc đấu thầu hay chỉ định thầu thế nào là theo quan điểm của chủ đầu tư. Sở Xây dựng chỉ thực hiện việc kiểm tra, giám định chất lượng an toàn của công trình xây dựng.

Hà Nội: Thiếu trường học tại các khu đô thị mới

Theo quy hoạch của TP Hà Nội, với số dân phát triển ở các KĐT đông dân cư, mỗi phường phải có từ 3 - 4 trường tiểu học, thay vì hầu hết chỉ có 1 trường như hiện nay.

Trong khi đó, theo khảo sát gần đây của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn TP có 252 KĐT, dự án được phê duyệt có quy hoạch trường học, nhưng ngành giáo dục mới chỉ tiếp nhận bàn giao 56 trường của 25 KĐT. Nhiều khu vực không có thêm trường mới trong khi dân số tăng quá nhanh, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, cần khắc phục những bất cập trong quy hoạch đô thị, nhất là tình trạng “thoải mái” cho xây dựng chung cư, tránh tình trạng hệ thống trường học công lập tại các KĐT thiếu trầm trọng như hiện nay...

Ô nhiễm không khí ở đô thị lớn gia tăng

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 công bố ngày 29/9 cho thấy, chất lượng không khí ở các đô thị lớn chưa cải thiện nhiều so với giai đoạn 2006-2010.

Theo đại diện Tổng cục môi trường, bụi và khí thải từ hoạt động giao thông đô thị vẫn là nguồn ô nhiễm chính. Ô nhiễm không khí ở thành phố có ảnh hưởng lớn tới đường hô hấp, tác nhân gây ra bệnh ung thư phổi, chóng mặt, đau đầu, các vấn đề tim mạch, rối loạn hành vi.

Không chỉ ở đô thị, chất lượng không khí ở khu sản xuất công nghiệp, làng nghề và nông thôn cũng ở mức báo động. Trong đó, bụi lơ lửng (TSP) ở khu công nghiệp vượt miền Bắc cao hơn so với miền Nam. Nguyên nhân có thể do đặc điểm loại hình sản xuất, công nghệ, nhiên liệu và vị trí.

Báo điện tử Xây dựng

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/diem-tin-299-viet-nam-xep-thu-3-toan-doan-tai-ky-thi-tay-nghe-asean-lan-thu-xi.html