Điểm tin 22/11: Phát triển vật liệu không nung, vướng ở giá hay chính sách?

(Xây dựng) - "Nhà danh nhân" trước nguy cơ bị sập; TP HCM đưa vào sử dụng nhà máy nước 1.200 tỷ đồng;Cháy lớn ở nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả; Thu hồi dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế;Phát triển vật liệu không nung, vướng ở giá hay chính sách?... Đây là một số nội dung nổi bật trên Báo điện tử Xây dựng ngày 22/11.

Giá sản phẩm cao là một trong những yếu tố khiến gạch không nung không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại khác.

"Nhà danh nhân" trước nguy cơ bị sập

Ngôi biệt thự tại số 65 Nguyễn Thái Học (Hà Nội) từ lâu đã được người dân Thủ đô gọi tên “Nhà danh nhân” bởi đây là nơi sinh sống của rất nhiều gia đình văn nghệ sĩ Việt Nam. Đây cũng là công trình mang đặc trưng tiêu biểu của phong cách kiến trúc Đông Dương.

Nhiều năm qua, các hộ dân trong ngôi nhà sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng vì tình trạng xuống cấp rất nghiêm trọng của ngôi nhà này, nhất là sau vụ hỏa hoạn ngày 23/10 và những vụ sập nhà cổ diễn ra thời gian gần đây, mối lo lại càng tăng lên.

Sau sự cố, trưa ngày 23/10/2016, các đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội và các cấp chính quyền quận Ba Đình đã khẩn trương vào cuộc để xác định rõ nguyên nhân gây cháy; đồng thời yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ thực trạng quản lý, sử dụng của ngôi nhà này.Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân sinh sống trong ngôi nhà, từ đó đến nay họ vẫn chưa phương án sửa chữa, di dời các hộ dân khỏi ngôi nhà như thế nào.

TP HCM đưa vào sử dụng nhà máy nước 1.200 tỷ đồng

Ngày 22/11, sau hai năm xây dựng, nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) được khánh thành và đưa vào vận hành với công suất 300.000m3/ngày. Đây là dự án cấp nước quy mô lớn ở TP HCM do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) hợp tác cùng hai doanh nghiệp khác, với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Nhà máy Tân Hiệp 2 đi vào hoạt động sẽ tăng công suất cấp nước thành phố đạt 2,1 triệu m3/ngày, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, đảm bảo chỉ tiêu 100% hộ dân được sử dụng nước sạch của HĐND thành phố.

Cháy lớn ở nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả

Sáng 22/11, ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ phòng chứa ắc quy phụ trợ cấp điện một chiều cho Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Ông Vũ Quyết Tiến, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả cho biết, sự cố không gây thiệt hại về người.

Nguyên nhân ban đầu được xác định cháy đường cáp ngầm, lửa bắt nguồn từ phòng chứa ắc quy phía sau nhà máy.Hàng chục lính cứu hỏa và nhiều xe chuyên dụng được điều động. Phương án cứu hỏa triển khai nhanh chóng nên ngăn lửa lan rộng sang khu vực khác.

Thu hồi dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế

UBND tỉnh TT-Huế vừa ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoạt động dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế do Cty CP Xây dựng và Phát triển Công nghệ Việt Nam (Vinconstec) làm chủ đầu tư; giao Sở KH&ĐT phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết các các thủ tục liên quan đến dự án theo quy định pháp luật.

Dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế kết hợp với khu đô thị cao cấp Cồn Sơn, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang được UBND tỉnh Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Vinconstec làm chủ đầu tư vào năm 2008. Dự án được xây dựng trên diện tích 72ha, với khu biệt thự, nghỉ dưỡng, khu dịch vụ, vui chơi giải trí, cụm công trình khách sạn và căn hộ cao cấp, các trục đường giao thông; khu tái định cư, công viên cây xanh… với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Quá trình triển khai dự án chủ đầu tư đã gặp một số vướng mắc nên đã có đơn trình Sở KH&ĐT xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần 1 vào ngày 29/6/2012.

Phát triển vật liệu không nung, vướng ở giá hay chính sách?

Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi chính sách về vật liệu xây không nung (VLXKN) đã được đưa ra nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng VLXKN tại Việt Nam. Bên cạnh đó, giá sản phẩm còn cao cũng là một trong những yếu tố khiến gạch không nung không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại khác.

Theo báo cáo, hiện nay đã có 5 Luật, 8 Nghị định, 3 Quyết định, 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 12 Thông tư đang hiện hành, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN trong xây dựng. TS Trần Bá Việt - Phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng thì cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong việc phát triển VLXKN chính là vướng mắc về kinh tế, chứ không phải chính sách. Theo ông Việt, khi nhà sản xuất làm việc với nhà thầu, câu đầu tiên được hỏi là “giá bao nhiêu”? Ông Việt cho rằng, nếu gạch không nung có giá thấp hơn hoặc bằng với gạch nung thì còn có thể cạnh tranh, chứ giá cao hơn thì rất khó cạnh tranh, chưa kể gạch không nung còn mang tiếng là hay bị nứt nữa.

Phát triển năng lượng tái tạo: Thiếu cơ chế

Đối với những dự án phát triển điện năng lượng tái tạo trong nước, việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án rất hạn chế, khó khăn, ngay cả khi đã có sự quyết tâm của lãnh đạo cấp tỉnh và dự án đã nằm trong Quy hoạch điện VII.

Đối với điện rác thải, mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định 31 năm 2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng rác thải rắn nhưng lại chưa ban hành Quy hoạch điện rác thải rắn, nên gây không ít khó khăn cho các chủ đầu tư. Hay nói cách khác, nếu chưa có cơ chế đấu nối nguồn điện với lưới điện quốc gia, thì các chủ đầu tư có muốn triển khai dự án cũng không thể thực hiện được.

Theo ý kiến của một chuyên gia của ngành Xây dựng, về nguyên tắc, chỉ nên xây dựng một cơ chế chung cho tất cả các loại năng lượng tái tạo, nhưng chúng ta lại chẻ ra từng mảng, từng lĩnh vực một nên rất vướng về quy định giữa các ngành với nhau.

Báo điện tử Xây dựng

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/diem-tin-2211-phat-trien-vat-lieu-khong-nung-vuong-o-gia-hay-chinh-sach.html