Điểm sáng về vệ sinh an toàn thực phẩm 2016

Năm 2016, công tác vệ sinh ATTP tiếp tục được Bộ NN-PTNT chọn làm trọng tâm hành động. Nhiều điểm nóng về vệ sinh ATTP đã có những chuyển biến rõ nét.

Chặn đứng chất cấm

Trước vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có dấu hiệu bùng phát trở lại, năm 2015, Bộ NN-PTNT đã quyết liệt vào cuộc, đề ra nhiều giải pháp mạnh tay để chấn chỉnh tình trạng này. Cùng với việc phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an lập các chuyên án điều tra, triệt phá các đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm có quy mô lớn, công tác thanh tra, kiểm tra đã được Bộ NN-PTNT chuyển từ định kỳ sang thanh tra đột xuất.

Cục BVTV tổ chức tiêu hủy thuốc BVTV nhập lậu (Ảnh: PV)

Bộ NN-PTNT cũng đã phối hợp với các Bộ liên quan như Y tế, Công thương, nhằm rà soát, quản lí chặt việc đưa các loại hóa chất, kháng sinh trái quy định sang lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, đã kịp thời đưa vào danh mục hóa chất cấm trong chăn nuôi để có cơ sở pháp lí ngăn chặn xử lí vi phạm, tiêu biểu là chất vàng-ô.

Hiện Bộ NN-PTNT đã ký kết quy chế hợp tác trong công tác, trong đó đặc biệt chú trọng vào quản lí các hóa chất liên quan tới nông nghiệp với Bộ Công thương, sắp tới sẽ ký quy chế phối hợp trong quản lí hóa chất, kháng sinh với Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế).

Mới đây, Bộ Y tế đã đưa chất Salbutamol vào diện kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn hành vi tuồn chất cấm này từ y tế sang chăn nuôi. Trước tình trạng bùng phát sử dụng chất Cysteamine trong chăn nuôi thời gian gần đây, hiện Bộ NN-PTNT đã lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học để đưa chất này vào danh mục cấm, dự kiến vào cuối năm 2016.

Nối tiếp những kết quả của năm 2015, năm 2016, bên cạnh việc tiếp tục duy trì kiểm soát, ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi, Bộ NN-PTNT mở rộng ra kiểm soát đối với hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Sau gần 2 năm đấu tranh mạnh mẽ, có thể nói hiện tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã cơ bản được chặn đứng.

Theo kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 11 tháng đầu năm 2016 cho thấy: tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chất cấm Salbutamol chỉ còn 1,27% (so với hồi quý III/2015 có tỷ lệ mẫu thức ăn dương tính với Salbutamol là 5%, nước tiểu tới 16,5% và trên 4% mẫu thịt).

Đặc biệt trong 4 tháng liên tiếp gần đây (từ tháng 8/2016 đến tháng 11/2016), kết quả giám sát trên cả nước đã không còn phát hiện mẫu thịt nào dương tính với Salbutamol. Nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của người chăn nuôi, năm 2016, Bộ NN-PTNT phối hợp với chính quyền các địa phương cả nước đã phát động phong trào ký kết giao ước “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi” với trên 332 nghìn cơ sở chăn nuôi, giết mổ ký cam kết.

Trên 400 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn đã được xây dựng trong năm 2016 (Ảnh: PV)

Đối với việc quản lí kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, mặc dù đây là lĩnh vực mới, phức tạp, tuy nhiên chỉ sau một năm vào cuộc, đã bắt đầu tạo được những chuyển biến tích cực.

Kết quả kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở SX-KD nông lâm thủy sản 11 tháng đầu năm 2016 cho thấy: Tỉ lệ cơ sở được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện ATTP (xếp loại A) đã tăng lên gần 91%, tăng hơn 11% so với năm 2015, vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2016 (tăng 10% so với năm 2015). Tỉ lệ cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra và nâng lên hạng A, B là trên 57 %, tăng tới 112% so với năm 2015 và vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu đến cuối năm 2016 chỉ là tăng 10% so với năm 2015).

Theo đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi rà soát, điều chỉnh theo hướng từng bước cắt giảm dần số lượng các loại kháng sinh kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi. Trong chiến dịch kiểm soát kháng sinh trên thủy sản nuôi, Cục Thú y phối hợp với các cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc đối với nhiều lô hàng nguyên liệu kháng sinh do các đơn vị NK về cho lĩnh vực Y tế nhưng buôn bán, tiêu thụ sai mục đích quy định, qua đó phối hợp với cơ quan Bộ Y tế có biện pháp xử lí, quản lí chặt.

Theo Cục Thú y, đơn vị này cũng đang quyết liệt rà soát, loại bỏ dần số lượng thuốc thú y để thuận lợi cho công tác quản lí, đã cắt giảm khoảng 11% tên thuốc thú y, và sẽ rà soát cắt giảm khoảng 500 tên sản phẩm/năm kể từ năm 2017.

Ngăn thuốc BVTV nhập lậu

Cùng với hóa chất, kháng sinh trong nông nghiệp, ngăn chặn thuốc BVTV nhập lậu, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV cũng là một trong các nội dung trọng tâm trong năm hành động về vệ sinh ATTP 2016. Đây là một trong những vấn đề mà dư luận xã hội hết sức quan tâm lo lắng.

Tuy nhiên qua một năm ra quân, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) tổ chức thanh tra, điều tra truy quét, nhất là ở các tỉnh ven biên giới Trung Quốc, kết quả cho thấy tình hình nhập lậu, buôn bán thuốc BVTV nhập lậu là không quá nghiêm trọng.

Nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được chặn đứng (Ảnh: PV)

Cụ thể, theo Cục BVTV, cơ quan này phối hợp với C49 và các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ phát hiện, bắt giữ được khoảng 7 tấn thuốc BVTV nhập lậu. Qua điều tra của C49 cho thấy hầu hết các vụ buôn lậu thuốc BVTV bị phát hiện là nhỏ lẻ, một số do người dân trực tiếp mua bán tại các chợ biên giới. Hiện Cục BVTV đã tiêu hủy 5 tấn thuốc BVTV nhập lậu bị bắt giữ và sẽ tiêu hủy tiếp khoảng 2,3 tấn nữa từ nay tới cuối năm 2016.

Vấn đề hướng dẫn sử dụng, thực hiện đúng quy định về cách li đối với thuốc BVTV xem ra đang là nguyên nhân căn cơ của tình trạng dư lượng thuốc BVTV trên rau, củ quả hiện nay. Tuy nhiên trong năm 2016, kết quả kiểm tra, giám sát dư lượng thuốc BVTV trên rau, củ, quả cho thấy đang có những chuyển biến tích cực.

Cụ thể trong 11 tháng đầu năm 2016, tỉ lệ số mẫu rau, củ, quả có dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn tối đa cho phép chỉ còn khoảng 3%, giảm mạnh so với tỉ lệ 8% của năm 2015. Đối với sản phẩm rau củ quả nhập khẩu, Cục BVTV đã triển khai giám sát chặt chẽ, theo đó hàng tháng đã xác định phân nhóm sản phẩm có nguy cơ cao để lấy mẫu phân tích giám sát dư lượng thuốc BVTV…

Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm về ATTP bước đầu thu được những kết quả tích cực.

Triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn” do Bộ NN-PTNT triển khai, đến cuối tháng 11/2016, cả nước đã có 47 tỉnh xây dựng thành công 414 chuỗi cung ứng, trong đó có 129 chuỗi đã được giám sát, cấp giấy xác nhận Sản phẩm an toàn.

Bộ NN-PTNT phối hợp với TP Hà Nội và TP.HCM, tiếp tục triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Hà Nội đã xây dựng được 60 chuỗi liên kết ATTP (27 chuỗi về động vật, 33 chuỗi về trồng trọt), trong đó có 7 chuỗi rau, thịt với 6 cơ sở gồm 11 điểm bày bán được xác nhận sản phẩm an toàn.

Tại TP.HCM, đã cấp được 97 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn cho 45 cơ sở với tổng sản lượng sản phẩm gần 35 nghìn tấn/năm gồm nhiều chủng loại như trứng gà, thịt lợn, thịt gà, rau quả, thủy sản, trà, nước mắm… Đà Nẵng cũng đang đề nghị Bộ NN-PTNT bắt tay triển khai các chuỗi ATTP tương tự như cách làm của Hà Nội và TP.HCM.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/diem-sang-ve-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-2016-post181408.html