Điểm sáng về hoạt động thư viện ở cơ sở

Suốt nhiều năm nay, thư viện sách nhà Văn hóa thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) luôn tấp nập người đến tìm đọc. Độc giả đến đây gồm đủ mọi lứa tuổi, cả người già và trẻ nhỏ, ai cũng muốn tìm cho mình một kho tàng kiến thức mới.

Ông Lương Văn Tăng (77 tuổi) - Chủ nhiệm thư viện sách nhà văn hóa thôn Bình Vọng cho biết: “Năm 1999, Hội Người cao tuổi thôn Bình Vọng có ý tưởng xây dựng một thư viện dành riêng cho người cao tuổi. Sau này, khi bắt tay thực hiện ý tưởng, chúng tôi đã thay đổi mục tiêu. Chúng tôi muốn lập một thư viện sách dành cho tất cả mọi người”.

Thôn Bình Vọng đã trở thành một điểm sáng về hoạt động thư viện ở cơ sở

Thôn Bình Vọng đã trở thành một điểm sáng về hoạt động thư viện ở cơ sở

Không lâu sau, một gian trong đình làng đã trở thành phòng đọc sách. Ngay tháng đầu tiên, thư viện đã có hơn 500 cuốn sách do người dân mang tới. Theo lời ông Tăng, thời gian đầu, công việc tìm kiếm nguồn sách cho thư viện tương đối khó khăn. Để khắc phục, bản thân ông Tăng và nhiều thành viên trong hội đã tích cực đi khắp nơi vận động, tìm kiếm nguồn sách.

Và rồi, những nỗ lực ấy bước đầu đã thu được kết quả khi năm 2006, dự án Leaf của cộng đồng người Việt Nam sống tại Hoa Kỳ đã biết đến và ủng hộ gần 1.300 bản sách và 3 đầu báo tiếng Việt. Năm 2009, sau khi dự án Leaf kết thúc, thư viện thôn Bình Vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của dự án Ford và thư viện Quốc gia. Thông qua sự hỗ trợ của nhiều cá nhân, tổ chức, giai đoạn này thư viện được đầu tư khoảng 524 bản sách.

Thời điểm hiện tại, nhiều lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành cũng hỗ trợ cung cấp sách, báo chuyên ngành cho thư viện. “Tính đến nay, thư viện Bình Vọng đã có hơn 10.000 đầu sách. Trong đó, có nhiều đầu sách quý, chưa kể các đầu báo, tạp chí. Tuy nhiên, để thu hút được người đọc, thư viện phải có nhiều đầu sách và nhiều loại sách quý nhưng khó khăn lớn nhất là kinh phí để mua sách. Bởi vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh vận động bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ sách cho thư viện. Những đầu sách mới và quý sẽ là nơi khơi nguồn trí tuệ, là nơi giải trí cho dân làng sau buổi lao động” – ông Tăng chia sẻ.

Hiện thư viện thôn Bình Vọng được đặt tại tầng 1 của nhà văn hóa, diện tích rộng khoảng 50m2. Mặc dù là thư viện cấp cơ sở nhưng thư viện Bình Vọng lại hoạt động khá chuyên nghiệp. Thư viện gồm hai phòng là phòng đọc và phòng quản lý sách. Để tiện lợi cho người dân tra cứu, phòng quản lý sách được chia thành các lĩnh vực: Sách thiếu nhi, truyện tranh, sách văn học - nghệ thuật, sách khoa học - kỹ thuật, sách chính trị - xã hội… Những cuốn sách cũ được phân loại, giữ nếp phẳng phiu cho thấy sự nâng niu, chu đáo của đội ngũ cán bộ quản lý, thủ thư của thư viện. Phòng đọc có một bàn dài phục vụ người dân ngồi đọc báo, tạp chí.

Được biết, hiện mỗi tháng thư viện đón khoảng 1.300 lượt bạn đọc, trong đó 40% là người cao tuổi, 50% là thanh, thiếu niên. Để thuận lợi cho công tác quản lý và hướng dẫn người đọc có nhu cầu tìm sách, thư viện đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên trên 120 người. Phát hành trên 500 thẻ bạn đọc. Với lịch phân công cụ thể, hiện mỗi ngày thư viện đều có khoảng 20 người túc trực, hoạt động.

Trong khi văn hóa đọc đang ở mức đáng báo động thì việc nhân rộng và phát triển mô hình thư viện cơ sở như ở thôn Bình Vọng là hết sức cần thiết. Nhận xét về thư viện thôn Bình Vọng, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa - Phó Chủ tịch xã Văn Bình cho biết: Với cách làm bài bản nên thư viện thôn Bình Vọng đã trở thành một điểm sáng về hoạt động thư viện ở cơ sở. Trong hoạt động, thư viện được nhiều người đến từ khắp nơi trên cả nước đến tham quan, học hỏi.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/diem-sang-ve-hoat-dong-thu-vien-o-co-so-60457.html