Điểm sáng trong dạy và học môn Lịch sử

Nhiều năm gần đây, trong các kỳ thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) luôn đứng trong tốp đầu của cả nước về số lượng và chất lượng giải, nhất là môn Lịch sử. Để có được thành tích đó, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư cho bộ môn của ngành giáo dục Vĩnh Phúc, còn có sự nỗ lực của các em học sinh và sự chỉ đạo, định hướng sát sao của thầy, cô giáo trong nhà trường.

Kỳ thi chọn HSG quốc gia năm 2016 - 2017, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc có 10 học sinh tham dự môn Lịch sử và đều đoạt giải; trong đó, có một giải nhất, sáu giải nhì, một giải ba và hai giải khuyến khích. Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn, đặc biệt với môn “khó nhằn” như Lịch sử.

Chia sẻ về việc thành lập đội tuyển, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, thầy giáo Lê Đăng Thành, Tổ trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cho biết: Việc tuyển chọn các em có năng lực vào đội tuyển thi HSG quốc gia môn Lịch sử hiện nay gặp nhiều khó khăn, do chất lượng "đầu vào" của nhà trường còn thấp, mỗi năm học nhà trường tuyển từ 15 đến 20 em học sinh chuyên Lịch sử nhưng số hồ sơ đăng ký chỉ có khoảng 40 học sinh, cơ hội lựa chọn những em có tố chất tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cũng bị hạn chế. Hơn nữa, Lịch sử hiện nay là một môn học khó, phần lớn học sinh và các bậc phụ huynh coi đây là một môn học phụ. Ngoài ra, do cơ hội tìm việc làm liên quan đến môn học này hạn chế, khiến một bộ phận học sinh e ngại khi theo đuổi niềm đam mê học Lịch sử.

Để học sinh yêu môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc thực hiện triệt để việc “phát triển theo năng lực” tập trung khai thác thế mạnh của học sinh, cho các em tự tìm hiểu, khám phá; đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo sự hứng thú, say mê, yêu thích đối với môn học. Từ đó, lựa chọn những em có năng khiếu vào đội tuyển để tiếp tục bồi dưỡng, thầy, cô giáo chỉ là người hướng dẫn, học sinh phải chủ động tiếp nhận, lĩnh hội kiến thức. Bên cạnh đó, trong các giờ học môn Lịch sử, nhà trường áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy chiếu để bài giảng trở nên sinh động, tránh sự khô cứng, nặng nề. Nhằm tạo sự hứng thú cho các em học sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức cho các em đi thực tế, tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn…

Em Trần Tiến Anh, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, đoạt giải nhì HSG quốc gia năm học 2016 - 2017 nói: “Học Lịch sử là học làm người, học kỹ năng sống, chính vì thế em rất yêu thích môn học này. Để có thành tích trong kỳ thi vừa qua, ngoài kiến thức trên lớp chúng em còn được các thầy, cô giáo chuẩn bị tài liệu tham khảo trong các cuốn sách giáo trình về lịch sử, đây là cách giúp chúng em nâng cao kiến thức, có được kết quả thi cao nhất”.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hải, người có nhiều thành tích hướng dẫn, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cho biết: Để tạo niềm yêu thích cho các em học sinh, trước hết mỗi thầy, cô giáo phải truyền đam mê cho học trò, bằng chính năng lực chuyên môn của mình. Từ đó, giúp các em tự tìm hiểu, khai thác và chiếm lĩnh tri thức lịch sử quý báu. Trong mỗi tiết học giáo viên đều cố gắng đơn giản hóa các khái niệm, đồng thời, giúp các em tự ghi nhớ và liên hệ so sánh, đánh giá tiếp cận các sự việc một cách dễ dàng, không khô cứng. Với các buổi bồi dưỡng học sinh giỏi, Tổ bộ môn Lịch sử sẽ phân công thầy, cô giáo phụ trách các mảng riêng biệt, giúp học sinh có những hiểu biết chuyên sâu. Muốn có bài giảng tốt, trước mỗi giờ lên lớp, giáo viên phải chuẩn bị giáo án cẩn thận, có phương pháp dạy phù hợp cho mỗi học sinh, thầy, cô giáo là người dẫn dắt, cùng tham gia tiết học, hạn chế việc đọc chép.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Vĩnh Phúc Trần Dũng Long cho biết: Những năm qua, ngành giáo dục Vĩnh Phúc luôn xác định tầm quan trọng đặc biệt của môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ đó có những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn này. Vĩnh Phúc đã quan tâm, đầu tư dạy và học với các biện pháp như: Chú trọng xây dựng mạng lưới các trường THCS trọng điểm tại địa phương để phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn cho THPT chuyên của tỉnh; chỉ đạo Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc xây dựng kế hoạch ôn tập đội tuyển ngay từ đầu năm học; tuyển chọn học sinh thành lập đội tuyển, nội dung kiến thức và thời gian ôn tập. Sở GD và ĐT ưu tiên đầu tư kinh phí bồi dưỡng đội tuyển; cử các giáo viên có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm hướng dẫn học sinh ôn tập; mời các giảng viên thuộc các trường đại học chuyên ngành tham gia bồi dưỡng cho đội tuyển; thực hiện tốt các chế độ động viên khen thưởng các học sinh, giáo viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi HSG quốc gia… Nhờ đó, kết quả số lượng và chất lượng giải thi HSG THPT quốc gia của tỉnh luôn đứng trong tốp đầu của cả nước.

Theo số liệu thống kê khảo sát kiến thức theo đề chung của Sở GD và ĐT tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức vào tháng 3-2017, có 58% số thí sinh lớp 12 chọn thi theo tổ hợp các môn Khoa học xã hội (trong đó có môn Lịch sử). So với năm học 2015 - 2016, tỷ lệ học sinh dự thi môn Lịch sử tăng 51%. Điểm trung bình môn Lịch sử qua khảo sát khối THPT là 5,27 điểm.

Theo số liệu thống kê khảo sát kiến thức theo đề chung của Sở GD và ĐT tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức vào tháng 3-2017, có 58% số thí sinh lớp 12 chọn thi theo tổ hợp các môn Khoa học xã hội (trong đó có môn Lịch sử). So với năm học 2015 - 2016, tỷ lệ học sinh dự thi môn Lịch sử tăng 51%. Điểm trung bình môn Lịch sử qua khảo sát khối THPT là 5,27 điểm.

TIẾN ĐỨC và KIM HIỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/33287102-diem-sang-trong-day-va-hoc-mon-lich-su.html