Điểm sáng của nông nghiệp Thủ đô

Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Đây là một điểm sáng trong bối cảnh thị trường biến động, ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, nguồn lực đầu tư còn hạn chế… đã ảnh hưởng xấu tới sản xuất. Dù vậy, vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng để nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng bền vững đang đặt ra nhiều yêu cầu phải giải quyết.

Chăm sóc đàn lợn giống tại HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam

Năng suất tăng

Theo Sở NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2017, sản xuất cây trồng, chăn nuôi trên địa bàn thành phố ổn định. Tuy nhiên, do nhà nước thu hồi đất cho các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây hàng năm sang cây lâu năm và chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản nên diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm nay giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Về năng suất, lúa ước đạt 61,2 tạ/ha, tăng 0,4%; ngô 49,3 tạ/ha, tăng 0,2%; khoai lang 106,2 tạ/ha, tăng 6,2%... Trong chăn nuôi, có 15 xã chăn nuôi bò sữa; 19 xã chăn nuôi bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn; 29 xã chăn nuôi gia cầm; có 3.851 trang trại chăn nuôi...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhận định: Mặc dù kết quả đạt được tích cực nhưng quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế; năng suất, chất lượng sản phẩm thấp. Nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, việc thu hút từ xã hội hóa chưa được nhiều. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn mờ nhạt… Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, giá cả xuống thấp kỷ lục đã ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của nông dân.

Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng. Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết: Trong 6 tháng qua, các đơn vị của Sở xử lý hàng chục cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, đã tiêu hủy 1.040kg nầm lợn; 360kg rau, củ; 700kg giò giăm bông không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Ngoài ra, Hà Nội đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thế nhưng số lượng còn ít, việc triển khai gặp khó khăn. Hiện, các địa phương đang gặp khó trong quản lý an toàn thực phẩm, mới chỉ thực hiện khâu tuyên truyền, nhắc nhở... Các việc quan trọng như bố trí nhân lực, kiểm tra, kiểm soát, xác định lỗi vi phạm, xử lý vi phạm còn hời hợt; mức phạt chưa đủ sức răn đe... Để giúp nông dân hiệu quả, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho rằng, các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố hỗ trợ xây dựng thương hiệu; kết nối tham gia hội chợ trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo cơ hội ký kết hợp đồng tiêu thụ...

Phát triển theo quy hoạch

Nhằm tháo gỡ khó khăn để ngành Nông nghiệp thành phố đạt mục tiêu giá trị tăng từ 3,5 đến 4%; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 239 triệu đồng/ha/năm, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát quy hoạch, các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp đã được phê duyệt. Trong đó, tập trung đẩy mạnh nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập trên một héc ta canh tác; bảo đảm diện tích gieo trồng và cơ cấu các giống có năng suất, chất lượng cao. Để tránh tình trạng "được mùa mất giá" đối với chăn nuôi như trong thời gian vừa qua, thành phố chủ trương không mở rộng quy mô đàn lợn, đàn gia cầm; tập trung xây dựng cơ sở giống có năng suất, chất lượng như: Gà Mía, bò BBB; xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Mặt khác, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt việc xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hạn chế cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư; truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...

Với mục tiêu kiểm soát chất lượng nông sản, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm; thực hiện có hiệu quả các nội dung dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020”; dự án nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng chuẩn quốc tế trên địa bàn Hà Nội năm 2017; phát triển mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn... Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đê điều thủy lợi, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, sớm đưa công trình vào phục vụ sản xuất, nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng trong trồng trọt, chăn nuôi vì nền nông nghiệp tăng trưởng bền vững.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/873247/diem-sang-cua-nong-nghiep-thu-do