Điểm nhấn công nghệ tuần: Nhà mạng cam kết 'tiêu diệt' tin nhắn rác

Nhà mạng cam kết với Bộ TT&TT tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác, lừa đảo qua internet banking, iPhone 7 phát nổ ... là điểm nhấn công nghệ tuần qua.

5 nhà mạng cam kết chặn tin nhắn rác

Chiều 11/5, 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động gồm VinaPhone, Viettel, MobiFone, Vietnamobile và GTel đã thống nhất ký cam kết với Bộ TT&TT về việc phối hợp tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, vấn nạn SIM rác và tin nhắn rác không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Đây là vấn đề rất nóng, luôn được Chính phủ,Quốc hội chỉ đạo, Bộ TT&TT rất quyết tâm và cũng đã triển khai rất quyết liệt, từ khuôn khổ pháp lý đến các biện pháp thực thi.

“Các nhà mạng nhận thức được trách nhiệm của mình nên cũng đã vào cuộc rất mạnh mẽ. Cụ thể, từ tháng 10/2016 cho đến nay, các nhà mạng đã liên tục triển khai thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Tính đến nay, đã thu hồi được hơn 20 triệu SIM kích hoạt sẵn và là một trong những nguồn gốc phát tán tin nhắn rác”, Thứ trưởng nói.

Để bản cam kết đạt được kết quả như mong muốn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm yêu cầu các nhà mạng phải tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ và cụ thể hóa các nội dung cam kết thành các kế hoạch cụ thể, các nỗ lực thực thi có hiệu quả trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ TT&TT tiếp công dân định kỳ hàng tháng

Ngày 5/5/2017, Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch Bộ trưởng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mục đích của Kế hoạch là nhằm lắng nghe, tiếp nhận các thông tin, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, góp ý của công dân về các hành vi vi phạm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ TT&TT để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; đồng thời giải thích, hướng dẫn cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ khi đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Kế hoạch, Bộ trưởng tiếp công dân định kỳ mỗi tháng một ngày (thời gian: trong giờ hành chính vào ngày Thứ sáu của tuần thứ 3 hàng tháng).

Nếu ngày tiếp công dân định kỳ hàng tháng trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì việc tiếp công dân chuyển sang ngày làm việc kế tiếp. Trường hợp Bộ trưởng đi vắng sẽ ủy quyền cho một đồng chí Thứ trưởng tiếp công dân thay Bộ trưởng.

Địa điểm tiếp công dân là tại Phòng Tiếp công dân trong Trụ sở cơ quan Bộ, 18 Nguyễn Du, phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Cảnh báo lừa đảo qua internet banking

Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đưa ra cảnh báo về hiện tượng lừa đảo phổ biến tại Việt Nam được ghi nhận trong thời gian gần đây.

Vietcombank cho biết, đối tượng lừa đảo thường tạo Facebook giả mạo của những người thân, bạn bè của khách hàng và nhờ khách hàng nhận hộ tiền gửi qua các hình thức chuyển tiền từ nước ngoài.

Đối tượng lừa đảo sẽ cung cấp cho khách hàng đường link vào trang giả mạo các trang web chuyển tiền quốc tế. Nếu khách hàng nhập Tên truy cập (User name) và Mật khẩu (Password) trên đường link giả mạo này thì đã vô tình cung cấp thông tin để đối tượng lừa đảo ngay lập tức khởi tạo giao dịch chuyển tiền trên trang web của các ngân hàng.

Để hoàn tất giao dịch internet banking, các ngân hàng thường yêu cầu nhập mật khẩu 1 lần (one-time-password, viết tắt là OTP). Khi khách hàng nhận được tin nhắn từ ngân hàng báo mã OTP (giao dịch do đối tượng lừa đảo khởi tạo) và nhập tiếp vào màn hình theo yêu cầu trên đường link giả mạo thì đã giúp đối tượng lừa đảo hoàn tất giao dịch gian lận trong khi vẫn nghĩ rằng mình đang thực hiện giao dịch nhận tiền từ nước ngoài.

Ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không mở tài khoản và đăng ký dịch vụ Ngân hàng điện tử cho người khác sử dụng.

Đồng thời không tiết lộ tên đăng nhập (username), mật khẩu truy cập, mã PIN của bất kỳ dịch vụ Ngân hàng điện tử, mã OTP, mã kích hoạt dịch vụ cho bất cứ ai qua bất kỳ kênh nào như điện thoại, email, mạng xã hội, ứng dụng, website, đường link lạ…

iPhone 7 phát nổ trên tay người dùng

Lee Hayes, 42 tuổi, là cư dân của Southport, Merseyside (Anh). Ông người đã sở hữu chiếc iPhone 7 phát nổ và cho biết ông chỉ mới dùng thiết bị 3 ngày sau khi mua.

Ông nói: "Nó nằm trên băng ghế ở nhà bếp khi tôi nghe tiếng chuông. Ngay khi tôi chạm vào màn hình để trả lời cuộc gọi, nó phát nổ.

Những mảnh thủy tinh nhỏ đã găm vào bàn tay tôi và bạn gái tôi đã phải băng bó nó trong nhiều ngày. Đó là một ca chấn thương khó chịu – tay phải của tôi chảy máu rất nhiều – nhưng nó còn có thể tệ hơn. Tôi có thể bị mất bàn tay của mình".

Lee Hayes đã nhận được chiếc iPhone 7 thay thế từ nhà phân phối O2 sau khi vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, Lee Hayes mong đợi một khoản bồi thường cho tất cả các thiệt hại mà ông đã phải chịu.

Hiện ông đang xem xét để tiến hành một số hành động pháp lý để đưa vụ việc ra tòa. Apple như thông lệ đã từ chối đưa ra bình luận về vụ việc này.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/diem-nhan-cong-nghe-tuan-nha-mang-cam-ket-tieu-diet-tin-nhan-rac-287905.html