'Điểm mặt' hạn chế của công tác phòng chống tham nhũng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội sáng nay (28/10), Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết: Công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã có sự chuyển biến rõ nét, tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

‘Điểm mặt’ những hạn chế, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết:

Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho", là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng....Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Bên cạnh đó là bệnh thành tích, né tránh trách nhiệm, bao che sai phạm trong nội bộ còn xảy ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Chính phủ cũng thừa nhận công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa thật sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức về công tác PCTN chưa đồng đều, thiếu tự giác trong chấp hành các quy định về PCTN. Tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ còn khá phổ biến…;

Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cũng được coi là một trong những nguyên nhân khiến công tác PCTN bị hạn chế.

"Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính chưa được cải thiện. Ở một số nơi, một số lĩnh vực mặc dù đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhưng vẫn còn tình trạng phát sinh “thủ tục con”, vi phạm thời hạn giải quyết, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp" - Chính phủ nhận định.

Yêu cầu về công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được Luật PCTN quy định nhưng cụ thể hóa trong pháp luật chuyên ngành trên từng lĩnh vực còn hạn chế; việc tổ chức thực thi trong một số lĩnh vực vẫn chưa bảo đảm yêu cầu, chưa đồng bộ. Trong một số cơ quan, đơn vị, các quy định về dân chủ, giám sát chưa được quan tâm đúng mức, có nơi thậm chí bị cản trở, vô hiệu hóa, dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, sai phạm nghiêm trọng nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý.

Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít

Liên quan đến vấn đề người đứng đầu, báo cáo của Chính phủ cho biết: Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều nơi, nhiều cấp còn yếu, Việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm;... cũng là nguyên nhân khiến công tác PCTN chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác PCTN, ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này, Chính phủ đưa ra 3 kiến nghị:

Thứ nhất: Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cùng với việc xem xét, thông qua Luật PCTN mới, chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng ngay từ khâu hoạch định chính sách, thể chế.

Thứ 2: Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; chỉ đạo bổ sung các quy định của pháp luật về vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra đảng các cấp trong công tác PCTN.

Thứ 3: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí, truyền thông và nhân dân tiếp tục thường xuyên phối hợp chặt chẽ cùng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng để thực hiện tốt công tác PCTN; kiên quyết, kiên trì thực hiện bằng được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh và phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ của Nhân dân./.

Nhật Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/tong-thanh-tra-chinh-phu-diem-mat-han-che-cua-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-302187.html