Điểm mặt các sản phẩm đoạt giải Sáng chế TP HCM năm 2015-2016

Theo Ban tổ chức cuộc thi thì các sản phẩm đoạt giải năm nay đều vượt trội về mặt hữu ích và sự sáng tạo. 10 giải thưởng đã được trao, gồm hai giải nhất, ba giải nhì, một giải ba và bốn giải khuyến khích.

Bác sĩ (BS) Phạm Thị Kim Loan đã giành được giải Nhất cuộc thi với sản phẩm “Bộ bàn ghế dùng để phòng ngừa và điều trị các bệnh cột sống”. Sáng chế này thể hiện rõ nét vai trò của sáng chế độc quyền trong hoạt động sáng tạo và kinh doanh. Bộ bàn ghế này có điểm vượt trội là hạn chế các nguy cơ về bệnh cột sống do các tư thế sai của con người trong quá trình lao động và sinh hoạt hằng ngày.

BS Phạm Thị Kim Loan và sản phẩm bộ bàn ghế. Ảnh: BT

Bộ bàn ghế còn giúp chỉnh lý cột sống lưng cho những người đã có các bệnh lý phát sinh từ các tổn thương ở cột sống lưng. Sản phẩm cũng đã bước đầu được cung cấp ra thị trường nước ngoài và với thị trường tiềm năng rất lớn của Bằng độc quyền, chủ sở hữu sáng chế có thể chủ động cân bằng giữa tốc độ phát triển kinh doanh với hoạt động liên tục cải tiến nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm mà không e ngại bị các đối thủ cạnh tranh lấn chiếm thị phần. Sáng chế này cũng đã nhận bằng độc quyền tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đang dùng thử sản phẩm đoạt giải nhất. Ảnh: BT

Một giải Nhất khác thuộc về TS. DS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm, tác giả đồng thời là chủ sở hữu của hai sáng chế: “Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn alcaloid có hoạt tính sinh học điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung” và “Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn chứa flavonoid có hoạt tính sinh học hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung”.

Bắt đầu từ Bằng bảo hộ Giống cây trồng số 2015 cho giống cây trinh nữ hoàng cung được chọn tạo chuyên biệt để tạo nguồn nguyên liệu, tác giả đã có Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 483. Sau đó, tác giả đã tiến hành chuyển giao công nghệ để đưa vào thị trường thuốc Crila điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung, được phân phối rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2005.

Gian hàng thuốc điều trị ung thư từ cây trinh nữ hoàng cung Ảnh: BT

Hai giải Nhì của cuộc thi được trao cho ông Đồng Xuân Dũng, tác giả Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích “Miệng cống thoát nước có lưới chắn rác cố định và miện thu nước được chế tạo liền khối” và ông Trần Chí với sản phẩm “Cơ cấu lắp mặt tản gió dùng cho quạt điện dạng hộp”. Theo đó, sản phẩm của ông Đồng Xuân Dũng có các ưu điểm: lưới ngăn rác có ngàm trượt và không thể tháo rời nên giảm mất mát, tăng chiều sâu miệng thu để hạn chế rác nhỏ đi xuống bên dưới.

Sản phẩm còn tăng dung tích thùng chứa để hạn chế rác lớn lọt vào hệ thống đường ống bên dưới gây ách tắc dòng chảy, đúc liền khối để bảo đảm khả năng chịu tải trọng cao của các loại xe trên mặt đường. Qua đó, giúp dễ thu gom rác và giảm nhẹ công lao động, ngăn mùi rất tốt so với các loại miệng cống đã biết và hạn chế được chuột, côn trùng đi từ hệ thống ống cống lên mặt đường, gọn nhẹ và tiện thi công lắp đặt mà không ảnh hưởng đến kiến trúc xung quanh vì có thể dễ dàng kéo dài ống nối vào hệ thống cống khi cần lắp đặt tại những nơi có cột điện, trụ điện thoại, cây xanh… trên lề đường.

Sản phẩm Miệng cống thoát nước Ảnh: BT

Quạt điện có cơ cấu lắp mặt tản gió của ông Trần Chí thì có điểm vượt trội là mặt tản gió của các loại quạt là một vành tròn có thể quay quanh trục trên đó có các cánh hướng kính được đặt nghiêng đi một góc so với phương trục. Luồng gió được thổi thẳng ra từ quạt sẽ vừa đẩy mặt tản gió quay tròn, vừa được chuyển thành luồng gió xiên đi theo hướng nghiêng của các cánh hướng kính để mở rộng không gian cấp gió, đồng thời, luồng gió xiên cũng quay tuần hoàn theo mặt tản gió. Nhờ vậy, mặt tản gió có thể dùng thay thế cho bộ tuốc-năng (giúp quạt quay qua quay lại), giúp thu gọn kích thước choán chỗ của quạt và giảm công bảo trì, thay thế các chi tiết.

Ông Trần Chí đang giải thích cơ chế hoạt động của quạt máy Ảnh: BT

Giải Nhì còn lại được trao cho ông Nguyễn Hùng Quân với sản phẩm “Bộ đa phân luồng dữ liệu nhận trong vi mạch điều khiển bus mạng khu vực” do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là chủ sở hữu. Sáng chế đề xuất cấu trúc bộ đa phân luồng dữ liệu cho một vi mạch điều khiển bus mạng khu vực theo ba tiêu chí: kết hợp nhiều bộ cho phép và FIFO một cách linh hoạt; lưu trữ được nhiều thông điệp; phân loại thô dữ liệu nhận được trước khi dữ liệu này được xử lý tiếp bằng cách lưu các dữ liệu có mục đích sử dụng khác nhau trong các vùng bộ nhớ khác nhau. Bộ đa phân luồng đã được tích hợp trong sản phẩm chip vi điều khiển 32 bit VN1632LP, chuyển giao công nghệ cho Ban Cơ yếu Chính phủ, sử dụng trong các khóa đào tạo về thiết kế vi mạch.

Khách tham quan tại gian hàng của ông Nguyễn Hùng Quân Ảnh: BT

Giải Ba của Giải thưởng Sáng chế được trao cho ông Nguyễn Tuấn Anh, với sản phẩm “Ghế đa năng” có chân ghế có thể thay đổi độ cao và mặt ghế có thể thay đổi độ cao theo chân ghế. Giải Khuyến khích của cuộc thi lần lượt được trao cho ông Trần Trung Nghĩa với Bằng độc quyền sáng chế “Gạch ống xi-măng cốt liệu”; ông Ngô Đắc Thuần và ông Nguyễn Long Uy Bảo với sản phẩm “Hệ thống cảnh báo việc đặt chân và xử lý tình trạng đạp nhầm chân ga của người lái xe ô tô tự động”.

Ông Nguyễn Đình Phương – tác giả kiêm chủ sỡ hữu Bằng độc quyền giải pháp hữu ích “Bẫy bắt chuột tự động” và ông Nguyễn Phi Bằng – người tạo ra sáng chế “Cơ cấu cất xe tiết kiệm không gian” cũng đoạt hai giải Khuyến khích còn lại của cuộc thi.

Sản phẩm Cơ cấu cất xe tiết kiệm không gian Ảnh: BT

Bích Trâm – Tam Liên

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/diem-mat-cac-san-pham-doat-giai-sang-che-tp-hcm-nam-2015-2016-c7a448006.html