Điểm chuẩn các trường sư phạm quá thấp: Vì thiếu đãi ngộ?

Năm 2017 có thể nói là một năm "bội thu" của ngành giáo dục với số điểm chuẩn của các trường ĐH tốp đầu cao ngất ngưởng, thậm chí có trường lấy điểm chuẩn tới gần 30 điểm trong tổng số 3 môn thi.

Tuy nhiên, đi ngược lại bức tranh của các trường ngành y, quân đội, công an, ngoại thương... thì điểm chuẩn của các trường khối sư phạm khiến không ít người phải e ngại về vấn đề chất lượng giáo dục.

Ngoại trừ 2 trường lớn là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP.HCM có điểm chuẩn được coi là "tạm ổn" thì các trường ĐH khối ngành sư phạm có điểm chuẩn khá thấp, thậm chí lấy dưới mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT đưa ra.

Danh sách điểm chuẩn của ĐH Sư phạm - ĐH Huế khiến không ít người bất ngờ khi điểm trúng tuyển của nhiều ngành chỉ ở mức 12,75 (dưới mức điểm sàn 15,5 của Bộ GD-ĐT). Tuy nhiên, điểm thấp là do cách tính điểm đặc thù, tổng điểm 3 môn vẫn trên điểm sàn.

ĐH Hồng Đức (tỉnh Thanh Hoá) 10/10 ngành sư phạm hệ đại học lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5. ĐH Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) 8/10 ngành đào tạo sư phạm có mức trúng tuyển bằng điểm sàn. ĐH Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) cũng lấy chuẩn đầu vào cả 4 ngành sư phạm hệ đại học (mầm non, tiểu học, Toán, Sinh) là 15,5 điểm.

Thống kê điểm chuẩn trúng tuyển của các trường sư phạm tại các địa phương cho thấy, đa phần các trường đều lấy điểm chuẩn bằng hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ sư phạm mầm non. ĐH Tây Nguyên, ĐH An Giang điểm trúng tuyển ngành sư phạm cũng rất thấp. Đầu vào sư phạm thấp khiến nhiều người lo lắng chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai.

Đưa ra ý kiến của mình, PGS.TS Văn Như Cương cho biết, khối ngành sư phạm với sự phát triển xã hội sẽ không còn được chú trọng vì chế độ đãi ngộ chưa thực sự phù hợp. Các học sinh sau khi học xong cần có sự đảm bảo về chất lượng đầu ra cũng như vấn đề việc làm, chưa kể đến việc có thể bỏ biên chế khiến các thí sinh không còn quá mặn mà với khối ngành sư phạm nữa.

"Ngành sư phạm sau khi ra trường, các sinh viên phải vất vả đi xin việc, thậm chí có nhiều sinh viên được cử đi vùng xa để dạy học, khó khăn, vất vả, chế độ đãi ngộ không cao nên hầu như không có thí sinh nào mặn mà", ông Cương nói.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng ngành sư phạm muốn thu hút người tài phải thay đổi chế độ đãi ngộ cho các giáo viên vì so với mặt bằng xã hội, lương giáo viên hiện nay rất thấp, không đảm bảo cuộc sống cho chính họ. Không ít giáo viên phải “chân ngoài dài hơn chân trong” để làm thêm kiếm sống. Điều đó khiến ngành sư phạm kém hấp dẫn với những học sinh xuất sắc từ THPT.

"Muốn thu hút người tài cần phải làm cuộc cách mạng tuyển sinh từ đào tạo cho tới sử dụng, chọn lọc và đãi ngộ. Nếu đáp ứng đủ các tiêu chí đó, ngành sư phạm sẽ có những thí sinh tài giỏi thi tuyển vào vì ngành này là một ngành "nhạy cảm". Nó sẽ là nơi hướng dẫn, dạy dỗ các thế hệ mầm non sau này cho tương lai của đất nước. Khi các thế hệ mầm non phát triển, có đủ những kiến thức cũng như trình độ, ý thức họ sẽ biết cách xây dựng đất nước, tránh việc "chảy máu chất xám" ra nước ngoài cũng như việc từ chối về tham gia xây dựng, phát triển đất nước ở ngành sư phạm", tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho hay.

Khi được hỏi về việc ngành sư phạm có điểm chuẩn thấp hơn nhiều so với các năm trước, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng thừa nhận những ưu đãi để thu hút thí sinh giỏi vào ngành sư phạm như miễn học phí, phụ cấp thâm niên nghề... "chưa đủ mạnh để cạnh tranh với ngành khác". Ngoài ra, tâm lý xã hội, xu hướng ngành nghề, nhu cầu nhân lực các ngành... cũng tác động khiến học sinh chưa thực sự hứng thú với nghề giáo để đăng ký học và các trường địa phương buộc phải lấy mức chuẩn bằng điểm sàn.

Ngành sư phạm chính là một trong những ngành cốt lõi của sự phát triển xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước, ý thức của các thế hệ tương lai. Do đó, việc nâng cao chất lượng thí sinh là điều hết sức cần thiết cho ngành giáo dục nước nhà.

“Xã hội cần đánh giá mức độ đóng góp của ngành sư phạm để có sự phát triển vượt bậc, thu hút người tài, tâm huyết đi theo nghề để đào tạo một thế hệ tương lai có ý thức, có nhận thức đầy đủ hơn, đáp ứng nhu cầu và sự phát triển xã hội. Ngành sư phạm chưa thật sự hút thí sinh thì điều đầu tiên chúng ta phải nghĩ đến là chế độ đãi ngộ chưa phù hợp chắc chắn sẽ khó thu hút người tài", PGS.TS Văn Như Cương khẳng định.

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/diem-chuan-cac-truong-su-pham-qua-thap-vi-thieu-dai-ngo-68903.html