Dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta: Thiếu và yếu

Với tốc độ già hóa đứng trong tốp 5 trên thế giới và hệ thống chăm sóc, an sinh xã hội, các loại hình dịch vụ chuyên môn chăm sóc người cao tuổi ở nước ta còn rất yếu và thiếu.

Với tốc độ già hóa đứng trong tốp 5 trên thế giới và hệ thống chăm sóc, an sinh xã hội, các loại hình dịch vụ chuyên môn chăm sóc người cao tuổi ở nước ta còn rất yếu và thiếu. Đây là những thách thức lớn cho việc chăm sóc và đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay.

Thực tế phần lớn các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, viện dưỡng lão… hiện nay chủ yếu còn mang tính trợ cấp trong khi lại thiếu các chính sách để hỗ trợ phát triển các cơ sở tư nhân tiếp nhận, nuôi dưỡng người cao tuổi. Tại không ít các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, viện dưỡng lão, người cao tuổi coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình, ở đó họ không phải phiền đến con cháu chăm lo, lại có điều kiện sinh hoạt, giao lưu, trò chuyện, bầu bạn với những người bạn già cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, để vào được những trung tâm chăm sóc tốt với mức chi phí trung bình hiện còn cao thì không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để đưa bố, mẹ, ông bà vào các trung tâm để được chăm sóc. Thống kê cả nước có khoảng 400 cơ sở bảo trợ công lập nhưng mới chỉ tiếp nhận khoảng 40 nghìn người cao tuổi. Con số này còn quá ít so với nhu cầu của xã hội, trong khi các doanh nghiệp tư nhân lại không mấy mặn mà đầu tư vào loại hình dịch vụ này. Không ít các đơn vị, doanh nghiệp muốn đầu tư vào các Trung tâm chăm sóc người cao tuổi mong Nhà nước có các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thuận lợi đầu tư vào các loại hình này bởi mức giá thuê đất và mặt bằng khá cao...

Việc thành lập các trung tâm chăm sóc người cao tuổi đang là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, việc thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn. Theo ông Đàm Hữu Đắc - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, thách thức của quá trình già hóa dân số hiện nay đã gây nên sự quá tải đối với các cơ sở hạ tầng, cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đa phần các cơ sở bảo trợ chăm sóc người cao tuổi hiện nay của Nhà nước nên còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp. Trung ương hội cũng đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước sớm ban hành chính sách ưu tiên thuế, đất đai, nguồn vốn… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi hiện nay.

Theo các chuyên gia xã hội học, xu hướng người cao tuổi vào các trung tâm để được chăm sóc ở các đô thị hiện đại là nhu cầu tất yếu, chúng ta nên dần chấp nhận loại hình dịch vụ chăm sóc và nuôi dưỡng người già. Bởi các trung tâm có điều kiện chăm sóc tốt hơn vì được chuyên môn hóa cao trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và chữa bệnh cho người cao tuổi, trong khi tại các gia đình không làm được. Hơn nữa, các trung tâm thật sự tạo ra môi trường cho những người già sinh hoạt chung với nhau, cùng nhau chia sẻ tâm tư, tình cảm trong khi con cháu quá bận bịu làm ăn.

Vấn đề đặt ra là hầu hết mô hình dưỡng lão ở Việt Nam đều được Nhà nước bảo trợ và được phân bổ theo địa giới hành chính, mỗi tỉnh từ 1 - 3 trung tâm, thực tế này vẫn quá ít so với nhu cầu. Vì vậy, việc khuyến khích nhân rộng mô hình nhà dưỡng lão tư nhân hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của xã hội để đối tượng người cao tuổi được chăm sóc và thụ hưởng lúc tuổi già.

Mạnh Kiên

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dich-vu-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-o-nuoc-ta-thieu-va-yeu-n123349.html