Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay sốt xuất huyết (SXH) đang là điểm nóng của dịch bệnh. Cả nước hiện có 15 trường hợp tử vong trong số hơn 50.000 ca mắc. Số ca mắc tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, miền Trung, Hà Nội. Đáng lưu ý số ca mắc SXH của miền Bắc đang tăng nhanh và diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều, sản sinh ra ổ muỗi gây bệnh SXH.

Bùng phát sốt xuất huyết trên cả nước

Đánh giá tình hình SXH trên cả nước, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, số ca mắc tính đến tuần thứ 27 của năm 2017 là hơn 50.000 ca với 15 ca tử vong. Số ca mắc gia tăng cục bộ ở một số tỉnh, thành phố, như ở phía Bắc có Hà Nội (gần 4.000 ca), Nghệ An, Nam Định; phía Nam có Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bến Tre, An Giang... Dự báo 5 tháng cuối năm 2017, SXH sẽ tăng cao do khu vực miền Trung có muỗi Aedes lưu hành quanh năm, 4 type vi-rút xuất hiện ở nhiều tỉnh; điều kiện thời tiết thay đổi thất thường với hiện tượng El Nino, nắng nóng xen kẽ các đợt mưa là điều kiện cho muỗi sinh sản. Cùng với đó, người dân chưa chủ động phối hợp xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun thuốc diệt muỗi.

Mới đây, tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống SXH năm 2017 do Cục Y tế dự phòng tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh SXH có nguy cơ bùng phát vào mùa mưa của năm 2017. Do đó, Thứ trưởng đã yêu cầu ngành y tế TP Hồ Chí Minh cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, đánh giá sát tình hình dịch SXH hiện tại và dự báo trong thời gian tới. Các cơ sở y tế tuyến cuối của thành phố và y tế cơ sở cần có kế hoạch ứng phó với dịch SXH và các bệnh truyền nhiễm khác. Đặc biệt là các cơ sở điều trị cần áp dụng tốt phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành trong điều trị SXH, tránh tình trạng người bệnh phải chuyển tuyến vì bệnh nặng và khó có thể xử lý kịp.

Đoàn công tác của Bộ Y tế giám sát bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung Kiên.

Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong thời gian này, bệnh nhân nhập viện với số lượng lớn, có gia đình 3, 4 người cùng nhập viện vì SXH. Hiện nay, Khoa Truyền nhiễm đang tập trung 2/3 số giường bệnh của khoa dành cho bệnh nhân mắc SXH, nhưng các bệnh nhân vẫn phải nằm ghép 3 bệnh nhân/giường. Đáng lo ngại hơn, theo thông tin của PGS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mùa dịch năm nay tử vong vì SXH do biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là một vấn đề rất lớn và bất thường. Mọi năm, chỉ có 1-2 ca tử vong liên quan đến xuất huyết não thì năm nay đã có 5 bệnh nhân tử vong do biến chứng này.

Cần quyết liệt, chủ động phòng tránh

Hiện nay, SXH chưa có vắc-xin phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hơn nữa, sự phát triển du lịch và tăng cường giao lưu đi lại với các quốc gia có dịch, các tỉnh, thành phố trong cả nước là rất lớn nên nguy cơ lây lan dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017 nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống.

PGS, TS Trần Đắc Phu cho rằng, công tác phòng, chống dịch SXH cơ bản nhất vẫn là dựa vào cộng đồng. Để phòng tránh bệnh SXH hiệu quả, biện pháp chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh. Người dân cần thực hiện theo nguyên tắc "không lăng quăng, bọ gậy, không muỗi, sẽ không có SXH". Bởi vậy cần dọn vệ sinh sạch sẽ quanh nhà, không để nước tù đọng trong các bể chứa, lu, chai lọ. Tránh muỗi đốt, từng cá nhân, hộ gia đình cần ngủ màn (kể cả ban ngày), mặc quần áo dài tay, không cho trẻ em chơi chỗ tối, dọn dẹp những chỗ muỗi thích đậu, nghỉ như dây treo, quần áo, chỗ tối, đuổi muỗi (đốt nhang muỗi, xịt muỗi), dùng kem thoa chống muỗi. Khi cắm trại, sinh hoạt ngoài trời hoặc vào mùa dịch cần mang theo các chai xịt chống, xua đuổi muỗi. Không nên tự ý mua hoặc thuê người phun hóa chất diệt muỗi. Phun hóa chất nào, nồng độ bao nhiêu để có tác dụng diệt muỗi nhưng không làm tăng khả năng kháng thuốc của muỗi phải do cơ quan y tế dự phòng địa phương quyết định.

PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết, thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng để dập dịch SXH ở các cụm dân cư không gây độc đối với sức khỏe con người. Đó là nhóm Pyrethrine, thuốc thuộc thế hệ mới nhất, đã qua thử nghiệm ở cả 3 miền của Việt Nam cho kết quả an toàn. Hiện các nước trên thế giới cũng đang sử dụng loại thuốc này. Phun thuốc phòng, chống dịch SXH là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương, nhưng có hiệu quả tối đa. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không khí, vì thế không nên lo ngại thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe. Sau khi phun, người dân chỉ cần chờ cho thuốc khô khoảng 30 phút rồi vào nhà là an toàn. Với một số người mắc bệnh đường hô hấp hoặc trẻ nhỏ dễ bị kích ứng (có thể bị ho) thì nên đi ra khỏi nhà 2-3 giờ đồng hồ, sau đó vào nhà..

THU HƯƠNG - TRUNG KIÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/dich-sot-xuat-huyet-dien-bien-phuc-tap-513079