Dịch nhiều, sáng tác thiếu “muối”

Văn xuôi trội hơn thơ!

QĐND - Nếu như các hoạt động văn học có nhiều phần rầm rộ thì cũng như mấy năm trước, chuyển biến trong sáng tác lại không hô ứng được với tình hình ấy. Thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết đều không có được nhiều tác phẩm có chất lượng cao, một số vở kịch được công diễn cũng không gây được tiếng vang đáng kể.

Về thơ, không có nhiều tập thơ xuất bản trong năm thu hút được sự chú ý, như cách mà thơ đã bị lạm phát từ nhiều năm. Bên cạnh thơ của các tác giả trẻ như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Thúy Quỳnh, Vi Thùy Linh,… thơ của lứa các tác giả trưởng thành trước đó, từ trong đời sống văn học hậu chiến, cũng không có được nhiều hiệu ứng. Có thể kể ra trên bề mặt trầm lắng ấy một vài thi phẩm có nhiều suy tư như Màu tự do của đất (Nxb Hội Nhà văn) của Trần Quang Quý, Trăng và thơ đọc chậm (Nxb Văn học) của Nguyễn Việt Chiến…

Khởi sắc một chút so với thơ, truyện ngắn của những cây bút đã thành danh ít nhiều gây được sự chú ý. Có thể kể đến Thành phố đi vắng (Nxb Trẻ) của Nguyễn Thị Thu Huệ, Nhiệt đới gió mùa (Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn) của Lê Minh Khuê, Nhật ký nhân viên văn phòng (Nxb Trẻ) của Phong Điệp… Trên báo chí, cuộc thi truyện ngắn 2011-2012 của Tuần báo Văn nghệ cũng bước vào chặng nước rút, tuy chưa có những tác phẩm thực sự xuất sắc, nhưng theo đánh giá của ban tổ chức và một số bạn đọc quan tâm, cái nền của cuộc thi truyện ngắn lần này không hề thua sút so với những cuộc thi trước và vẫn hứa hẹn có thể tìm thấy những truyện ngắn dự thi xuất sắc vào giai đoạn cuối của cuộc thi. Cùng với truyện ngắn, các thể ký cũng có được những bước tiến đáng kể, chủ yếu do cộng sinh với đời sống báo chí ngày càng sôi động và đa dạng.

Ở thể loại tiểu thuyết-máy cái của nền văn học, không có nhiều tác phẩm có thể so sánh với thành công của ngay tiểu thuyết một vài năm trước. Sau những thành công ở truyện ngắn và tạp văn, Nguyễn Ngọc Tư thử sức ở thể loại tiểu thuyết Sông (Nxb Trẻ) đã thực sự chứng tỏ được tay nghề của nhà văn này khi vươn tới thể hiện đời sống ở những chiều kích rộng lớn. Tuy chưa phải là tác phẩm xuất sắc như một số truyện ngắn làm nên tên tuổi cô trước kia, nhưng tiểu thuyết này hứa hẹn những bước đi vững chãi về phía sau. Các tiểu thuyết Dấu về gió xóa của Hồ Anh Thái, Trò chơi hủy diệt cảm xúc của Y Ban, cũng là những tiểu thuyết gây được dư luận, nhất là tiểu thuyết mới nhất của Hồ Anh Thái, quyển tiếp sau SBC là săn bắt chuột-một tiểu thuyết giành được giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Hà Nội 2012.

Bùng nổ dịch thuật

Cho đến nay, câu chuyện văn học dịch ở Việt Nam hầu như mới chỉ được quy vào việc dịch các tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt. Một khoảng trống thực sự đáng kể là lý thuyết và phê bình dịch. Những bản dịch về nghiên cứu dịch thuật thì còn hạn chế hơn nhiều và trực tiếp nghiên cứu dịch thuật như Dịch thuật và Tự do của Hồ Đắc Túc (Nxb Hồng Đức, 2012) thì còn hiếm hơn nữa. Đó là lý do để văn học dịch ở Việt Nam chỉ tồn tại ở một bình diện của nó: Dịch văn học, chứ chưa có nghiên cứu văn học dịch như một tư duy cùng dịch văn học.

Dịch văn học năm 2012 xuất hiện trong bối cảnh ấy. Một sự nở rộ đáng kể của văn học dịch ở cả xu hướng văn học tinh hoa và xu hướng văn học thông tục và trong sự quan tâm cũng ngày càng nhiều các dịch giả và người đọc chuyên và không chuyên. Không phải ngẫu nhiên, văn học dịch được để ý. Việc dịch tác phẩm của tác giả kinh điển Milan Kundera và một tác giả nổi tiếng Michel Houellebecq của dịch giả Cao Việt Dũng, theo đó, rơi vào “tầm ngắm” của dư luận. Thứ nhất, tâm thế coi trọng văn học kinh điển đã hợp thức hóa cho việc người đọc quan tâm đến chất lượng các cuốn sách của Cao Việt Dũng dịch. Thứ hai, uy tín mà Cao Việt Dũng tạo dựng (và cùng với đó là Nhã Nam, công ty mà dịch giả là thành viên), lựa chọn chiến lược dịch văn học cũng như các tuyên bố, tranh luận, trao đổi của Cao Việt Dũng và Nhã Nam trong quá khứ đã được lựa chọn làm tiền giả định cho chất lượng sách dịch của họ. Thứ ba, việc phê bình xảy ra dồn dập trước thềm Hội chợ sách tại Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5 (tháng 3-2012), kéo theo việc phê bình bản dịch Lolita của dịch giả Dương Tường ngay sau đó, cho thấy dấu vết của một cuộc cạnh tranh thương trường.

Văn học dịch ở Việt Nam trong năm 2012 có thể nói là bùng nổ. Sách dịch gần như chiếm trọn thị phần xuất bản văn học với số lượng lên tới hàng ngàn đầu sách. Hầu hết là sách giải trí, từ thị trường văn học best-seller Âu Mỹ, đặc biệt là thị trường văn học ngôn tình Trung Quốc.

Trong sự tràn ngập của văn học ngôn tình Trung Quốc, phải rất chú ý mới thấy được một số dịch phẩm xuất hiện từ khu vực văn học tinh hoa của nền văn học này. Có thể kể đến hai tác giả được giới thiệu trong chủ trương của Công ty Phương Đông là Mạch Gia với hai tiểu thuyết: Lắng nghe trong gió (Sơn Lê dịch, NXB Phụ nữ), Phong thanh (Xuân Tuấn & nhóm CTM dịch, Nxb Phụ nữ) và Nghiêm Ca Linh với tiểu thuyết Kim Lăng thập tam hoa (Lê Thanh Dũng dịch, Nxb Phụ nữ). Chuyển dịch tinh hoa văn học châu Á nở rộ trong Tủ sách “Tinh hoa văn học” do Công ty Phương Nam chủ trương. Tủ sách này, sau chưa đầy hai năm hoạt động, với trên dưới 20 đầu sách, đều dưới dạng bỏ túi, đã để lại dấu ấn đáng kể, nhất là văn học Nhật: Tà dương của Dazai Osamu (Hoàng Long dịch, Nxb Hội Nhà văn), Gối đầu lên cỏ của Natsume Soseki (Lâm Anh dịch, Nxb Hội Nhà văn). Cùng với 1Q84, cuốn tiểu thuyết được chờ đợi đã trở nên thân thuộc với bạn đọc Việt Nam Haruki Murakami (2 tập, Lục Hương dịch, Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn), văn học Nhật đã dần được giới thiệu đa dạng hơn ở Việt Nam.

Trước áp lực của kinh tế thị trường, khi sách vở trở thành một hàng hóa, chiến lược kinh doanh của các công ty sách chịu sự chi phối đáng kể của thị trường thế giới, nhất là khi công nghệ thông tin ngày càng hiện đại và phổ biến rộng khắp. Những tác phẩm và tác giả được dán nhãn mác best-seller trên The New York Times trở thành một tham chiếu đáng kể. Song hình như cũng có nhiều hơn những quan tâm tới văn hóa Mỹ, mà cụ thể ở đây là các tác giả cự phách của nền văn học hiện đại. Sau hai năm giới thiệu Ryszard Kapuscinski, tác giả viết ký hàng đầu của Ba Lan, đến lượt Paul Theroux của nền văn học Mỹ được Nhã Nam chuyển dịch: Phương Đông lướt ngoài cửa sổ (Trần Xuân Thủy dịch, Nxb Thế giới). Bên cạnh đó là các tác phẩm của các tác giả tên tuổi khác: Em ơi làm ơn im đi được không của Raymond Carver (Lâm Vũ Thao dịch, Nxb Văn học). Công ty Bách Việt tiếp tục giới thiệu Michael Cunningham với Thời khắc (Lê Đình Chi dịch, Nxb Văn học)...

Với nền văn học châu Âu truyền thống, cùng với đó là những tham vọng vươn tới các nền văn học Đông và Nam Âu, văn học dịch 2012 cũng có được những dịch phẩm đáng kể. Với Tủ sách “Cánh cửa mở rộng”, là Chết ở Venice của Thomas Mann (Nguyễn Hồng Vân dịch) và Zazie trong tàu điện ngầm của Raymond Queneau (Cẩm Thơ dịch). Tủ sách “Tinh hoa văn học” giới thiệu Con cú mù của Sadegh Hedayat (Hà Vũ Trọng dịch, Nxb Hội Nhà văn) từ nền văn học Anh. Công ty Nhã Nam tiếp tục giới thiệu tác giả người Hun-ga-ri Márai Sándor với tác phẩm Lời bộc bạch của một thị dân (Giáp Văn Chung dịch, Nxb. Văn học); đồng thời với việc chuyển dịch Hiệp sĩ không hiện hữu (Vũ Ngọc Thăng dịch, Nxb Văn học), đã hoàn tất bộ ba tiểu thuyết Tổ tiên của chúng ta của nhà văn hàng đầu I-ta-li-a Italo Cavilno.

Như vậy là, từ phê bình dịch đến dịch văn học, văn học dịch năm 2012 đã hiện diện không chỉ số lượng đáng kể. Dịch văn học và văn học dịch ở Việt Nam đang dần không thể trở thành mảnh đất bình yên như trước nữa.

Thạc sĩ ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

Sôi động và... sóng gió

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/6/33/33/225589/Default.aspx