Dịch HIV/AIDS có xu hướng giảm nhưng thiếu bền vững

Sau việc thực hiện hàng loạt giải pháp mạnh nhiều năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS của nước ta đã đạt mục tiêu ba giảm: giảm số người nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người chết vì AIDS. Mặc dù dịch có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, cho nên rất cần những biện pháp can thiệp mạnh mang tính bền vững.

Giảm đáng kể tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Theo số liệu thống kê của Cục phòng, chống HIV/AIDS, năm 2016, cả nước phát hiện mới khoảng 10 nghìn người nhiễm HIV, 6.500 người chuyển sang AIDS và có khoảng 2.000 người tử vong do AIDS. PGS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát số liệu thống kê, có một số trường hợp bị trùng lặp, hoặc không đúng tên, địa chỉ, cho nên đã đề xuất loại khỏi danh sách người nhiễm HIV, hoặc các trường hợp báo cáo còn sống, nhưng khi xác minh thì đã tử vong. Theo báo cáo, kể từ đầu vụ dịch đến nay, trên cả nước có 215.621 người nhiễm HIV còn sống, 88.868 người ở giai đoạn AIDS và 89.412 người nhiễm HIV đã tử vong. Kết quả phân tích số trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV cho thấy nữ giới chiếm 30,2%, nhiễm qua đường tình dục chiếm 56%, nhiễm qua đường máu 34%, nhiễm do mẹ truyền sang con chiếm 2%, tỷ lệ nhiễm HIV ở nam giới tăng cao chiếm 69,8%. Về tình hình dịch HIV/AIDS; số người xét nghiệm phát hiện HIV mới tiếp tục giảm, tuy nhiên mức độ giảm không đáng kể so với cùng kỳ 2015, số tử vong ở mức 2.000 trường hợp mỗi năm và sẽ có xu hướng tăng lên ở các tỉnh dịch đã lâu năm, hơn nữa mức độ bao phủ về điều trị còn hạn chế. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều kết quả nổi bật. Các hoạt động tiếp cận cộng đồng, tiếp cận thông qua đồng đẳng, truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp bơm kim tiêm sạch, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao-su đã phát huy tác dụng. Đến cuối tháng 8-2016, Chương trình điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại 62 tỉnh, thành phố với 265 cơ sở và điều trị cho 50 nghìn người bệnh.

Các chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV được triển khai tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã kết hợp cấp phát thuốc ARV với các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào gia đình và cộng đồng. Tính đến 30-6-2016, trên toàn quốc có khoảng hơn 110 nghìn người bệnh đang điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) tại 407 cơ sở điều trị, tăng gần bốn nghìn người so với cuối năm 2015. Tỷ lệ người bệnh đang điều trị ARV đạt 48% tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống được báo cáo. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thúc đẩy mạnh trong nhiều năm trở lại đây, với các hoạt động từ truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đến cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ tuyến trung ương đến tuyến cơ sở... đã làm giảm đáng kể tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, có địa phương tỷ lệ này giảm xuống dưới 5%...

Tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV còn cao

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa bảo đảm tính bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh, hiệu quả. Đáng chú ý, trong số những người nhiễm HIV có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế. Bơm kim tiêm, bao cao-su mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu và nay tiếp tục giảm do nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm. Điều trị Methadone mới chỉ đạt 57% chỉ tiêu Chính phủ giao. Điều trị ARV mới đáp ứng được 49% số người nhiễm HIV được phát hiện. Dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận. Nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách cho các chương trình phòng, chống HIV/AIDS liên tục bị cắt giảm, dẫn tới, các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, huy động và kết nối, chuyển gửi điều trị ARV hầu như không được triển khai tại cộng đồng. Việc này đòi hỏi phải nhanh chóng chuyển người bệnh sang hệ thống điều trị thanh toán qua Bảo hiểm y tế (BHYT). Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS còn cao, gây cản trở cho những người có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này, bao gồm cả việc mua và sử dụng thẻ BHYT...

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, để giữ vững và bảo đảm những thành quả mà công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được, trước tiên chúng ta cần nhanh chóng chuyển đổi hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang hình thức lồng ghép, phân cấp và dựa vào ngân sách trong nước bao gồm ngân sách trung ương, địa phương và BHYT. Dồn tổng lực để đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, gồm cả việc ban hành văn bản mới, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản đã ban hành kể cả Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Kiện toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS từ trung tâm phòng, chống HIV/AIDS đến các phòng khám và điều trị HIV/AIDS. Lồng ghép các dịch vụ và phân cấp về tuyến cơ sở, cộng đồng các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị Methadone, điều trị ARV. Mở rộng các dịch vụ can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm phát hiện HIV và điều trị cũng như giám sát dịch, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV của các tầng lớp nhân dân, nhất là của những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Đó là những giải pháp chính, nhằm bảo đảm duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS được bền vững.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/32350302-dich-hiv-aids-co-xu-huong-giam-nhung-thieu-ben-vung.html