Dịch bệnh vây người dân

GD&TĐ - Những ngày qua, thông tin về dịch bệnh liên tục được cập nhật cho thấy người dân từ Bắc vào Nam đang sống trong vòng vây của nhiều loại bệnh.

Trẻ nhỏ thì đối mặt với quai bị, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Người lớn cũng lo ngại nhiều bệnh, đặc biệt là Zika tấn công. Thông tin dịch bệnh là vậy, khuyến cáo phòng chống cũng liên tục được đưa ra nhưng mỗi người một kiểu, kẻ sốt sắng, người bình chân như vại.

Lo cho trẻ nhỏ, người già

TPHCM hiện là trung tâm của nhiều dịch bệnh. Theo tin từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, ổ dịch quai bị vừa tấn công vào trường học khiến hơn 10 học sinh mắc bệnh.

Chùm ca bệnh trên xuất hiện tại cơ sở 2 của Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3) khiến 13 trẻ mắc. Để tránh nguy cơ bệnh lây lan, nhà trường đã thông báo cho ngành Y tế địa phương thực hiện các biện pháp dự phòng, ngăn chặn nguy cơ phát tán bệnh sang các lớp học khác và cộng đồng.

Bên cạnh chùm ca bệnh quai bị, chỉ trong thời gian ngắn, ngành Y tế địa phương liên tục phát hiện trường hợp mắc Zika. 36 trường hợp là con số được cập nhật gần đây nhưng theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, số thực mắc ngoài cộng đồng có thể cao hơn nhiều.

Sự xuất hiện của virus trên tại 6 tỉnh, thành trong cả nước cho thấy Zika trở thành bệnh lưu hành và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn. TPHCM hiện là điểm nóng về dịch Zika khi có số bệnh nhân cao nhất cả nước.

Nguyên nhân là do nơi đây có mật độ dân số đông, nhưng vấn đề vệ sinh môi trường, nhà ở, ý thức phòng bệnh chưa cao, nên dễ xảy ra dịch.

Ngoài ra, TPHCM cũng đang trong mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết, nên dịch bệnh do virus Zika càng đáng lo ngại hơn, vì tác nhân truyền bệnh của hai bệnh này đều là muỗi vằn.

Tại Hà Nội, qua giám sát phát hiện 55 trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh nhưng mẫu bệnh phẩm cho kết quả âm tính. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, trước sự gia tăng của dịch bệnh do virus Zika, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức hoạt động bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm virus Zika nhằm chủ động giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho rằng, bệnh dịch mùa nào cũng có, ai cũng có thể mắc nhưng trong bối cảnh hiện tại lo nhất vẫn là trẻ nhỏ, bà bầu.

Trẻ nhỏ do sức đề kháng kém lại sinh hoạt trong môi trường tập trung nên chỉ cần một em bị bệnh có thể lây cho nhiều em khác. Còn với bà bầu, dù mắc bệnh cũ như quai bị, sốt xuất huyết hay bệnh mới như Zika đều tiềm ẩn nguy cơ gây sảy thai, dị tật thai nhi… nên cần chuẩn bị sức khỏe, tiêm phòng và cân nhắc khi lựa chọn thời điểm mang bầu…

Bệnh dịch liệu có chừa mình

Chỉ trong thời gian ngắn, số người mắc Zika tăng vọt, trong đó có 4 phụ nữ mang thai. Hiện 3 người đang được theo dõi sức khỏe và một người đã bỏ thai. Thông tin trên thực sự là cú sốc với nhiều người bởi những nguy cơ virus trên mang lại cho người mẹ và thai nhi đã được ghi nhận.

Zika hiện có mặt tại 11/24 quận/huyện của TPHCM. Địa phương này đã 2 lần công bố dịch cấp xã, phường, thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch.

Tuy nhiên, nhận định về công việc này, đại diện UBND thành phố thừa nhận, các quận/huyện vẫn phòng chống dịch trên văn bản. Công tác kiểm tra tại xã, phường chưa có chuyển biến cho dù thành phố yêu cầu phải tổng hợp, báo cáo số liệu hàng ngày.

Chính quyền thì vậy, người dân cũng chẳng khá hơn. Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, công tác phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Do vẫn còn nhiều hộ gia đình thờ ơ, chưa quan tâm đến công tác dọn dẹp, vệ sinh, diệt muỗi, loăng quăng. Giám sát tại các xã vùng ven, nhà nào cũng có lu, vại chứa đầy loăng quăng trong khi người dân thờ ơ, còn địa phương cũng thiếu nhắc nhở.

Còn ở các khu đông dân, mật độ muỗi nhiều, dù ngành đã chủ động phun thuốc nhưng phần lớn người dân là công nhân, thường xuyên tăng ca về muộn nên chỉ phun hóa chất ở bên ngoài, còn muốn phun trong nhà phải chờ… chủ nhà đến tận đêm khuya.

Dịch bệnh rõ ràng đã hiện hữu nhưng cách ứng phó với dịch của người dân lẫn chính quyền địa phương vẫn theo kiểu… chắc nó sẽ chừa mình.

Vì lối suy nghĩ trên nên nhiều người khi có thành viên trong nhà mắc bệnh mới ân hận thì đã muộn. Hay như các cặp vợ chồng mới cưới, nếu để ý một chút trong việc quyết định thời điểm mang thai đã không bắt cả nhà sống trong cảnh như ngồi trên đống lửa suốt 9 tháng 10 ngày với bà bầu.

Theo khuyến cáo, những phụ nữ chậm kinh 7 đến 10 ngày nên chủ động đi khám thai và siêu âm thai ngay để bác sĩ đánh giá sức khỏe, xác định thai và được tư vấn hẹn lịch khám chi tiết. Phụ nữ có thai nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai (12 tuần, 22 tuần và 32 tuần).

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/dich-benh-vay-nguoi-dan-2531720-b.html