Địa đạo Củ Chi – Nơi trí tuệ và lòng yêu nước phát huy sức mạnh

Cách trung tâm TP HCM 70 km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ tư lệnh Sài Gòn - Gia Định vừa là thế trận biến hóa, góp phần làm nên chiến thắng dân tộc.

Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm…

Những sự tích có thật từ địa đạo đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. Chỉ cần chui xuống một đoạn đường hầm, bạn sẽ hiểu vì sao nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có bậc nhất thế giới.

Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân đông hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Trong cuộc đọ sức này, quân và dân Củ Chi đã dùng trí tuệ và lòng dũng cảm giành chiến thắng oanh liệt. Để đào được hệ thống địa đạo Củ Chi hoàn chỉnh là công sức hơn 20 năm của nhiều thế hệ nhân dân tham gia chiến đấu.

Mỗi tổ đào hầm có từ 3 đến 4 người. Một người đào và một người kéo đất từ trong hầm ra và đem đi đổ. Hệ thống này được xây dựng từ cuối những năm 1940 và được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam sử dụng trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Địa đạo đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá từ các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ. Địa đạo thể hiện sự kiên cường, trí thông minh, niềm tự hào của người dân Củ Chi.

: Phòng họp bên trong địa đạo.

Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa mở rất nhiều cuộc ném bom, càn quét quy mô lớn, kéo dài nhiều năm nhưng đều gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ vùng căn cứ hiểm yếu này. Lính Mỹ sau đó cũng phải khiếp sợ bởi Củ Chi trở thành vùng đất chết cho lính thủy đánh bộ Mỹ và các thiết đoàn Sài Gòn.

Trước sức tấn công ác liệt của Mỹ - ngụy bằng cuộc chiến tranh hủy diệt dã man, Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Huyện ủy Củ Chi đã lãnh đạo nhân dân và lực lượng võ trang quyết tâm bám trụ chiến đấu, tiêu diệt quân địch bảo vệ quê hương, bảo vệ vùng căn cứ cách mạng mang tính chiến lược quan trọng, là hướng tiếp cận và tiến công hiểm yếu đối với thủ đô ngụy Sài Gòn.

Từ đây, phong trào đào địa đạo cũng ngày càng phát triển rầm rộ, mạnh mẽ khắp nơi, trẻ già, trai gái nô nức tham gia kiến tạo đường hầm đánh giặc. Sức mạnh ý chí của con người đã chiến thắng khó khăn. Chỉ bằng phương tiện dụng cụ hết sức thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất bằng tre, quân và dân Củ Chi đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm km đường ngầm dọc ngang trong lòng đất, nối liền các xã ấp với nhau như một “làng ngầm” kỳ diệu.

Chỉ riêng việc chuyển tải hàng vạn mét khối đất đem đi phi tang ở một nơi khác để giữ bí mật địa đạo, đã là chuyện vô cùng gian khổ, công phu. Có người hỏi khối lượng đất lớn đó giấu vào đâu cho hết? Xin thưa, có nhiều cách: đổ xuống vô số những hố bom ngập nước, đắp thành ụ mối, đổ ra đồng ruộng cày bừa, trồng hoa màu lên trên…chỉ một thời gian là mất dấu vết. Các gia đình ở khu vực “vành đai”, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất, vừa đánh giặc giữ làng. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi địa đạo là một pháo đài đánh giặc.

Du khách nước ngoài hào hứng và kinh ngạc trước sự sáng tạo của quân dân ta

Giữa các tầng hầm, đường lên xuống được bố trí bằng các nắp hầm bí mật, cửa hầm địa đạo được thiết kế kiểu nhỏ và hẹp chỉ phù hợp với người Việt Nam. Lính Mỹ có vóc dáng cao to xuống thường gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống này có đầy đủ các phòng chức năng từ phòng chỉ huy, phòng nghỉ ngơi, kho vũ khí, bệnh xá... Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng, từ đường xương sống tỏa ra nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Tầng 1 cách mặt đất 3 m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng 2 cách mặt đất 5 m, có thể chống được bom cỡ nhỏ, còn tầng dưới cùng cách mặt đất 8-10 m hết sức an toàn, các loại bom lớn cũng không thể với tới. Các đường hầm ngầm sâu dưới đất có chiều cao chỉ đủ cho một người đi lom khom. Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa liên tục tấn công vào hệ thống địa đạo bằng đủ phương tiện: bom, bơm nước vào địa đạo, hơi ngạt... nhưng do hệ thống được thiết kế có thể cô lập từng phần nên bị hư hại không nhiều.

Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Dọc theo đó, cứ khoảng 10 - 15 m đều có khoét những lỗ thông hơi và thông gió bí mật lên trên mặt đất, trông giống như ụ mối đùn. Một phần những cửa thông gió bí mật được các chiến sĩ sử dụng như hỏa điểm bí mật để tấn công. Nhiều trường hợp lính Mỹ phát hiện ra địa đạo nhờ sử dụng chó săn. Các chiến sĩ du kích Củ Chi thông minh và khéo léo đối phó lại bằng cách sử dụng quần áo, xà phòng Mỹ hay hạt tiêu xay nhỏ đặt ở cửa hầm và cửa thông gió để vô hiệu hóa khứu giác của chó. Một sáng kiến của quân dân Củ Chi trong việc giấu khói của bếp Hoàng Cầm là làm hệ thống nhiều ống thông khói giúp tỏa ra lượng khói rất ít và lẫn vào bụi cây, lá rừng.

Vào thời kỳ đánh phá ác liệt, mọi hoạt động của lực lượng chiến đấu và sinh hoạt của nhân dân đều “âm” xuống lòng đất. Trong điều kiện gian khổ vẫn cố gắng tạo ra cuộc sống bình thường, mặc cho trên mặt đất không ngớt bom đạn cày xới, lửa khói mịt mù…nhưng thực tế ở trong địa đạo hết sức gian khổ, là chuyện vạn bất đắc dĩ. Do cần bảo tồn lực lượng để chiến đấu lâu dài, đành phải chấp nhận mọi sự khắc nghiệt vượt quá sự chịu đựng của con người.

Bởi trong lòng đất đen tối, chật hẹp đi lại rất khó khăn, phần lớn đi khom hoặc bò. Đường hầm có nơi ẩm ướt và ngột ngạt do thiếu dưỡng khí, ánh sáng (ánh sáng chủ yếu là đèn cầy hoặc đèn pin). Mỗi khi có người ngất xỉu, phải đưa ra cửa hầm để hô hấp nhân tạo mới tỉnh lại. Vào mùa mưa, lòng đất phát sinh nhiều thứ côn trùng độc hại, nhiều nơi có cả rắn rết… Đối với phụ nữ, sinh hoạt càng khó khăn hơn. Có chị sinh con và nuôi con trong hầm địa đạo phải chịu biết bao cực khổ. Đã thế, hàng trăm người lên xuống hằng ngày qua miệng hầm mà vẫn giữ bí mật cho địa đạo là chuyện hết sức phức tạp.

Một cọng cỏ bị gãy, bị dính đất, một chiếc lá bị rách khác thường cũng phải sửa sang lại nếu không muốn bị địch phát hiện, tấn công. Trải qua muôn vàn đắng cay gian khổ, cũng như phải đối phó với những thủ đoạn của quân thù nghĩ ra để đối phó với địa đạo, quân và dân Củ Chi ngày càng đồng lòng, dốc sức đánh tan quân thù.

Với giá trị và tầm vóc chiến công được đúc kết bằng xương máu, công sức của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào, khu căn cứ địa đạo Củ Chi đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia. Từ ngày hòa bình trở lại, đã có hàng chục ngàn đoàn du khách với hàng triệu người đủ màu da, sắc tộc trên thế giới đến viếng thăm địa đạo Củ Chi.

Từ các vị Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản, Nguyên thủ Quốc gia, đến các chính khách, tướng lĩnh, nhà khoa học, triết học, nhà văn, nhà báo, cựu chiến binh Mỹ...đã đặt chân xuống địa đạo với tất cả niềm xúc động và kính phục đối với vùng đất anh hùng. Một chính khách ở Cộng hòa Liên Bang Đức đã phát biểu: “Đã nhiều năm tôi nghi ngờ về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Làm sao một nước nhỏ và nghèo lại có thể đánh thắng một nước lớn và giàu có như nước Mỹ. Nhưng khi tới đây, chui qua 70m đường hầm, tôi đã tự trả lời được câu hỏi đó”.

Bảo Phương / KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/dia-dao-cu-chi-%e2%80%93-noi-tri-tue-va-long-yeu-nuoc-phat-huy-suc-manh-p43106.html