Địa chỉ đỏ trên quê lúa Thái Bình

Một chiều thu, chúng tôi về huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình viếng thăm Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2-2-1908/31-7-1932), là người làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng, thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Năm 1980, Đảng bộ và nhân dân Thái Thụy đã tiến hành xây dựng Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trên chính mảnh đất của gia đình và dòng tộc đồng chí. Khu lưu niệm được xây dựng gồm các công trình trên nền móng cũ như nhà dạy học của cụ Cử Tiết (thân sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh), nhà ở, nhà bếp, giếng Ngọc. Khu lăng mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được thiết kế rất đặc biệt với một gian nhà được xây nổi, phần mộ ở phía dưới, trên cùng là đài tưởng niệm. Năm 2013, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Khu lưu niệm với tổng diện tích hơn 59.000m2.

Giếng Ngọc tại Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Mở rộng diện tích về phía Đông Bắc khu di tích gốc khoảng 40m nhằm cân xứng trục mộ, hướng lăng, xây dựng nhà tưởng niệm, đồi cây lưu niệm và phía Nam dài khoảng 150m, rộng 85m để xây dựng quảng trường, tượng đài, nhà lưu niệm, đường giao thông, bãi đỗ xe, hệ thống điện chiếu sáng... Hiện nay, trong khu mộ và nhà lưu niệm trưng bày nhiều tư liệu lịch sử là những bài báo của thực dân Pháp viết sau khi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị xử kín; là những công trình nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của đồng chí, là hình ảnh khu pháp trường ở Hải Phòng xưa, những văn bản pháp lý của Trung ương và của tỉnh về quá trình đi tìm hài cốt của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh về an táng tại quê nhà.

Giếng Ngọc là điểm nhấn của Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh, bởi nơi đây chứng kiến một sự kiện đặc biệt. Sáng mùng 1 Tết Mậu Thân 1908, cụ bà Trần Thị Thùy ra múc nước rửa chân, mừng tuổi cho giếng thì đẻ rơi cậu bé Nguyễn Đức Cảnh. Dù là vùng ven biển, những chiếc giếng của người dân quanh vùng đều bị nhiễm mặn nhưng chiếc giếng này từ hàng trăm năm nay rất trong và mát. Phía Đông nền giếng có 24 cái cột tượng trưng cho 24 tuổi xuân của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Phía Tây sân giếng là bức thư đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nhờ đồng chí Trần Huy Liệu trao gửi tận tay thân mẫu sau thời gian ở trong xà lim án chém của nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Hằng năm, vào những ngày kỷ niệm, dịp lễ, Tết cổ truyền, các cơ quan, đoàn thể, người dân trong cả nước thường về thăm Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Mỗi dịp khai giảng năm học mới, kết thúc năm học hay chuẩn bị bước vào các kỳ thi, cô trò các trường trong huyện lại về đây dâng hương, báo công lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Ngoài ra, Phòng Giáo dục huyện cùng các nhà trường trên địa bàn tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa, học tập, tọa đàm về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh; các cơ quan và nhân dân, học sinh trồng cây, thường xuyên đến dọn dẹp vệ sinh tại khu lưu niệm. Em Tạ Vũ Thuận An, học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh chia sẻ: “Em rất vui mừng và tự hào khi được đến thăm Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh. Em luôn tự nhủ phải cố gắng học tập và rèn luyện nhiều hơn nữa để xứng đáng tiếp nối thế hệ cha anh và góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/dia-chi-do-tren-que-lua-thai-binh-518126