Đi và buồn

Cha ông ta để lại tài nguyên của cải không phải là vô tận, nhưng những gì chúng ta có được, đủ nuôi sống dân tộc ta sung sướng và tạo nên cuộc sống an lành và đáng sống...

Nhà báo Nguyễn Công Khế

Nhà báo Nguyễn Công Khế

Mỗi lần đi Mỹ, tôi đều buồn. Có việc cần đi, thăm luôn con cái. Nhớ chúng nó. Anh Đình Bì, bạn của chúng tôi từng làm Trưởng ban Quốc tế báo Thanh Niên trước đây, vừa đưa linh cữu của thân mẫu anh từ Denver (Mỹ) trở về Quảng Trị để an táng. Người đi, người về đều buồn, mặc dù, với phương tiện bây giờ, nói hóm hỉnh như nhạc sĩ Phạm Duy khi về sống hẳn ở quê nhà rằng: "Sài Gòn bây giờ như ngoại ô của Cali", nếu xét về thời gian bay. Ngủ một đêm tới Sài Gòn.

Thế nhưng những khoảng cách còn lại thì còn xa vời vợi! Tại sao và tại sao?

Mới hôm qua, tôi đọc Facebook của chị Hoài Anh, một doanh nhân Việt Nam tâm sự với con gái đang sống ở Úc. Chị so sánh môi trường sống của Úc với Việt Nam và tự hỏi vì sao con gái của chị lại phải sống ở Úc mà không phải là ở quê nhà? Tôi đọc nhiều comment trên đó, có nhiều người đồng ý và cả không đồng ý với chị về quan điểm này nọ, nhưng thoáng qua những gì chị viết, tôi cũng muốn chia sẻ và cảm thấy thật buồn cho đất nước Việt Nam mình.

Tôi không hiểu tại sao như vậy, với một đất nước có tài nguyên thiên nhiên phong phú, bờ biển dài và đẹp ở trên xứ sở nhiệt đới có một không hai, có dầu mỏ, kể cả kim loại hiếm như vonfram, nông hải sản, rừng và gỗ quý...

Cha ông ta để lại tài nguyên của cải không phải là vô tận, nhưng những gì chúng ta có được, đủ nuôi sống dân tộc ta sung sướng và tạo nên cuộc sống an lành và đáng sống. Con cháu chúng ta có thể ra nước ngoài học hành và đều mong muốn trở về xây dựng đất nước thịnh vượng, những người ra đi vì lý do chiến tranh và vì khó khăn kinh tế nhất thời, đều muốn quay về quê cha đất tổ để sống và chết ở đó.

Tôi nghĩ không người Việt Nam nào không nghĩ về điều ấy. Tôi nhớ câu nói của TS Nguyễn Văn Hảo, Phó thủ tướng của chế độ VNCH trước đây từng nói với tôi: Tôi ở nước ngoài cũng không có hạnh phúc và trong nước cũng thế, nhưng tôi vẫn chọn cái không hạnh phúc trong nước. Chỉ tiếc mấy đứa con tôi không chọn ở Việt Nam như tôi.

Tôi không nghĩ những người cầm quyền ở Việt Nam lại không có ước mơ này. Ông Võ Văn Kiệt từng nói đất nước là của chung của mọi người Việt Nam, và phải làm cho nó trở thành một nước giàu có. Không phải đất nước của riêng một đảng cầm quyền nào, dù anh ra đời trong bất cứ điều kiện đặc biệt nào.

Tôi nghĩ nhiều đến trường hợp Lý Quang Diệu của Singapore, Mahathir Mohammed của Malaysia và đặc biệt là Park Chung Hee của Hàn Quốc...

Với chiến lược "Trước là công nghiệp hóa, sau là dân chủ hóa", Park Chung Hee cũng đã bị chỉ trích nặng nề bởi những người cùng thời lên án ông là một chính phủ độc tài, chuyên chế. Kỷ nguyên Park Chung Hee và sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc đến giờ này vẫn là bài học cho VN chúng ta. Phải lưu ý là trong điều kiện chính trị độc đoán và chuyên chế đó, chính phủ của ông đã tập trung sức mạnh vào công cuộc chống tham nhũng có hiệu quả, và chính phủ của ông gồm những nhân sự được chọn lựa từ những người tâm huyết, có trình độ và cùng nhìn về một hướng. Có quyết tâm đưa Hàn Quốc trở thành một quốc gia phát triển hiện đại và kiểm soát được quyền lực không để rơi vào tình trạng tham nhũng, đánh mất niềm tin nơi dân chúng vào giai đoạn phát triển thần kỳ cho Hàn Quốc.

Ta có điều kiện để làm như Hàn Quốc vào thời điểm đó hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có. Chỉ có điều là các nhà lãnh đạo của ta có thực sự tập hợp được những nhân sự đủ tâm, đủ tài để loại con ông cháu cha bất tài ngồi xổm lên các chiếc ghế quyền lực để vơ vét, chứ không phải vì phục vụ quốc gia, dân tộc?

Có dám vạch mặt bọn tham nhũng, dù ở bất cứ cương vị nào và việc đó là không có vùng cấm nào như các vị đã từng tuyên bố công khai hay không? Những vụ tham nhũng và thất thoát khủng như Vinashin, Vinalines, các vụ án thất thoát lớn từ hệ thống ngân hàng..., và nhiều vụ khác xảy ra trong quá khứ có được quyết tâm đưa ra trước pháp luật xử lý để thu hồi tiền lại cho dân không?

Có loại trừ một cách không khoan nhượng những con sâu chúa trong bộ máy hiện nay, nếu phát hiện ra những hành vi tham nhũng được hình thành từ những nhóm lợi ích có dây mơ, rễ má, dù cho nó xuất phát từ đâu và mạnh tới cỡ nào cũng không thể lọt lưới của nền pháp trị. Không ai có quyền đứng trên luật pháp.

Nếu có một quyết tâm cao độ như vậy, thì chúng ta sẽ làm được tất cả. Làm được như vậy, nhân dân sẽ công nhận lòng yêu nước của những người cầm quyền hiện nay là có thật, và tất nhiên đất nước sẽ mở ra một trang khác, đầy đặn lòng tin hơn. Không biết tôi có lạc quan "quá trớn" không?

California, 17.7.2017

Nguyễn Công Khế

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/di-va-buon-67383.html