'Đi từng ngõ, gõ từng nhà', Kon Tum đột phá mạnh mẽ

Do xuất phát điểm thấp, nguồn lực trong dân còn hạn chế, tỉnh Kon Tum đã xác định đầu tư hạ tầng gắn với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân là những khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NMT).

Từ xã điểm Đoàn Kết

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền đến từng đối tượng”, phong trào xây dựng NTM tại xã Đoàn Kết (TP.KonTum) đã tạo sự chuyển biến không ngờ. Từ một xã thuần nông (với 24% là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu là lúa nước, mía, sắn), Đoàn Kết đã nhanh chóng trở thành xã thứ 2 của tỉnh Kon Tum cán đích NTM.

Người dân xã Đoàn Kết tập trung làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: T.K

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cho biết: Khởi đầu xây dựng NTM của xã rất khó khăn do xuất phát điểm quá thấp, nhưng nhờ sự đồng lòng, chung sức của người dân nên địa phương đã có thay đổi mạnh mẽ. Sau khi đạt chuẩn NTM, kinh tế của người dân tăng lên rõ rệt, từ 225 hộ nghèo (gần 27%) năm 2011, đến nay giảm còn chưa tới 6%, thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/người/năm đã tăng lên 30 triệu đồng… Còn về giao thông, 100% các tuyến đường chính đã hoàn tất, riêng đường vào ngõ xóm cũng đã triển khai xây dựng được 70%.

Nói về sự thay đổi thôn quê, ông Phan Hùng (74 tuổi, Trưởng thôn 7) chia sẻ: “Tôi từ Bình Định lên đây định cư từ mấy chục năm trước, nhưng chỉ vài năm triển khai xây dựng NTM mà mọi thứ đã đổi thay hoàn toàn. Bà con trong thôn đã tình nguyện hiến đất, góp công để làm đường nên tất cả đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa sạch đẹp, đi lại dễ dàng. Cũng nhờ vậy bà con tiêu thụ nông sản thuận lợi, làm ăn phát đạt, rất nhiều người xây nhà to, mua được xe ôtô...”.

Theo ông Nguyễn Văn Vụ - Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, làm NTM thì tất cả đều phải “dân bình, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cán bộ xuống tận cơ sở hướng dẫn cho dân, phải vì lợi ích của dân mà làm. Số tiền 1 tỷ đồng do Thủ tướng Chính phủ thưởng đạt chuẩn NTM, xã cũng vận dụng đầu tư lại để làm đường cho dân đi, dân lại nhiệt tình đóng góp thêm và ủng hộ ngày công. “Chúng tôi về đích NTM là nhờ sự đồng thuận của dân nên số tiền được thưởng cũng phải đầu tư cho dân” - ông Vụ nói.

Nhà kiên cố mọc lên san sát ở xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà – xã đầu tiên của khu vực Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Dantocmiennui.vn

Đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất

Mặc dù xuất phát điểm rất thấp, nhưng với cách làm sáng tạo, phù hợp đặc thù của địa phương, Kon Tum quyết tâm đến năm 2020 sẽ có 25% số xã đạt chuẩn NTM, đạt kế hoạch nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra.

So với các địa phương khác, Kon Tum có nhiều khó khăn trong xây dựng NTM như quy hoạch khu dân cư chưa hoàn chỉnh, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, thu nhập bình quân đầu người thấp… Song, như ông Trịnh Văn Sơn – Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh chia sẻ, Kon Tum vẫn có những cách làm riêng mang lại hiệu quả.

Trong đó giai đoạn 2012 – 2016, căn cứ nguồn lực thực tế và nhu cầu bức thiết của người dân, tỉnh xác định tập trung đầu tư các loại công trình nhỏ nhưng thiết thực. Đó là giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa thôn, khu thể thao thôn, điểm trường mầm non tại thôn. Đối với nhà văn hóa (cũng là nhà rông của đồng bào dân tộc thiểu số), thôn nào làm mới được nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng, sửa chữa được hỗ trợ 20 triệu đồng.

Ông Sơn phân tích: “Trên thực tế nếu nhà nước không hỗ trợ thì người dân vẫn tự làm nhà rông, nhưng diện tích nhỏ và rất ọp ẹp. Cho nên khi được hỗ trợ thêm thì các thôn đua nhau làm, kết quả là số nhà rông xây dựng mới, mở rộng đạt diện tích quy định tăng nhanh qua từng năm. Còn giao thông nông thôn, chúng tôi không làm dàn trải mà tập trung vào đường nội thôn, đường đi khu sản xuất nên rất sát với nhu cầu của dân, từ đó thuận lợi hơn trong việc huy động nguồn lực trong dân”.

Người dân Kon Tum phát triển nghề dệt truyền thống. Ảnh: Dantocmiennui.vn

Cũng theo ông Sơn, đến giai đoạn 2016 – 2020, Kon Tum tập trung phát triển mạnh cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Và ngay trong năm đầu tiên của giai đoạn này, ngoài nguồn ngân sách nhà nước phân bổ trực tiếp cho chương trình, tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nguồn khác với tổng vốn đầu tư trên 114 tỷ đồng. Kết quả là riêng năm 2016 đã bê tông hóa, sửa chữa 71 km đường giao thông nông thôn, 1.500m kênh mương và hàng chục công trình như nhà văn hóa, khu thể thao, trường học, lớp học...

Về phát triển sản xuất, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều đề án như hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông, phát triển cao su tiểu điền, chuyển đổi đất lúa sang trồng cây hàng năm đối với diện tích thiếu nước vụ đông xuân, phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030... Và trong các đề án này, người dân luôn là trung tâm, riêng đối tượng là hộ nghèo được ưu tiên hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật sản xuất…

Đến nay toàn tỉnh Kon Tum có 13/86 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 20 xã đạt từ 10 -14 tiêu chí, 47 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí… (bình quân đạt 10,11 tiêu chí/xã, tăng 1,41 tiêu chí so với năm 2015).

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/di-tung-ngo-go-tung-nha-kon-tum-dot-pha-manh-me-789273.html