Đi tìm sự thật về Hoàng Phi Hồng

(Dân Việt) - Nhân vật Hoàng Phi Hồng khi đến Việt Nam đã bị “Hongkong hóa” rất nhiều. Phóng viên Dân Việt đã đến thăm Bảo Chi Lâm để có được những thông tin chuẩn xác về người hùng Trung Hoa này.

Kỳ 1: Hoàng sư phụ nằm trong thập hổ? Hoàng Phi Hồng sinh năm 1847 tại làng Lộc Đan, phủ Nam Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông mất năm 1924 tại nhà thuốc Bảo Chi Lâm (nay là Bảo tàng Hoàng Phi Hồng) ở Phật Sơn, bên dòng Châu Giang. Hoàng sư phụ ra đi trong uất ức, khi chí lớn chưa thỏa. Bảo tàng Hoàng Phi Hồng. Ngày 8–8–1924, Thương đoàn tự vệ Quảng Đông (Bảo Chi Lâm cũng trong Thương đoàn ấy) bạo loạn chống Chính phủ Tôn Trung Sơn. Sau đó, có kẻ xúc xiểm Hoàng Phi Hồng là “tay trong” của Chính phủ, tự vệ Thương đoàn đã đốt cháy, đập phá Bảo Chi Lâm, Hoàng sư phụ uất ức mà lâm bệnh rồi qua đời. Trước khi mất, ông có câu nói nổi tiếng: “Tấm lòng tôi với quê hương có dòng Châu Giang làm chứng”. Thập hổ là ai? “Quảng Đông thập hổ” là mười vị anh hùng võ hiệp của Quảng Đông xuất hiện cuối thời Mãn Thanh. Theo một số sách vở xuất hiện trước năm 1975 tại miền Nam và nhất là qua nhiều loạt phim võ thuật của Hongkong, người hâm mộ võ thuật Trung Hoa của Việt Nam nhất trí rằng: “Mười con hổ Quảng Đông” là: Vương Ẩn Lâm, Hoàng Trừng Khả, Tô Hắc Hổ, Hoàng Kỳ Anh (cha của Hoàng Phi Hồng), Đàm Tế Quân, Lê Nhân Siêu, Tô Xán, Lương Khôn, Trần Trường Thái, Châu Thái. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện nhiều tác phẩm mang tính hồi ký (khó xác minh độ chuẩn xác) của các nhân vật võ thuật hậu duệ của các môn phái trên đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Người thì khẳng định Hoàng Phi Hồng là nhân vật chủ chốt của thập hổ, như vậy sẽ thừa ra một người là Tô Xán (tên Ba Kim - tộc cổ của Mãn Thanh là Tô Sát Ha Nhi Xán). Vì Tô Xán là người Mãn lại sống trong không khí hừng hực “phản Thanh - phục Minh” thời ấy, khó có thể được xếp “cùng mâm” với các đại anh hùng người Hán được. Trong một dạng “hồi ký” khác thì Hoàng Phi Hồng lại soán chỗ của Châu Thái trong thập hổ. Phật Sơn nằm cách Quảng Châu 70km (1,5 giờ tàu điện ngầm). Bảo Chi Lâm nằm giữa thành phố nhuốm đầy huyền thoại này. Đi rạc chân trong bảo tàng, lần mò từng bức tường, từng bức văn tự cổ mà cậu phiên dịch vẫn lắc đầu, chịu không thể tìm thấy hai chữ thập hổ ở đâu. Ngay cả nhân viên bảo tàng cũng lắc đầu không đưa ra được bằng cớ gì nhưng vẫn khăng khăng là Hoàng sư phụ là một “cộm cán” của Quảng Đông thập hổ. Rất may, buổi chiều hôm ấy có trận thi đấu quyền Anh trong khuôn khổ ASIAD 16 tại nhà thi đấu Lĩnh Nam Minh Châu, và ông Ngụy Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở TDTT Phật Sơn sẽ có mặt tại đây. “Sao lại chỉ có thập hổ?” Vất vả lắm mới có cơ hội hỏi ông Ngụy Văn Khởi câu hỏi đơn giản: “Hoàng sư phụ có phải trong thập hổ?”, ông cười bảo: “Sao lại chỉ có thập hổ?”. Sau đó ông giải thích, đó là cách gọi dân gian về các nhân vật võ thuật của Quảng Đông trong một ngưỡng thời gian nhất định, khoảng giữa thế kỷ 18, chứ không phải cách đánh giá mang tính tổng kết về những bậc anh hùng đất Quảng Đông. Ngay cả với người Quảng Đông thì các nhân vật trong thập hổ hồi ấy cũng chưa có một danh sách “chuẩn”. Sau đó ông Ngụy cho biết, đến bây giờ thì không thể là thập hổ nữa, mà là… “rất nhiều hổ”. Người nào tinh ý thì thấy đòn thế “vô ảnh cước” của Hoàng Phi Hồng đã được Thi Nại Am tả trong Thủy Hử. Đó là đòn Ngọc hoàn bộ uyên ương cước mà Võ Tòng đã dùng để hạ Tưởng Môn Thần. Nói về đòn “vô ảnh cước” mới thấy cần phải “cảnh giác” hơn với phim Hongkong khi muốn đi tìm thông tin chính xác về Hoàng Phi Hồng. Trong tất cả các bộ phim, “vô ảnh cước” được các diễn viên và kỹ xảo điện ảnh (tất nhiên) thể hiện là bay người lên với những cú đá bằng cả hai chân, liên tu bất tận vào người đối phương. Nhưng không phải thế, đòn “vô ảnh cước” tuyệt luân được biểu diễn ở Bảo Chi Lâm khác hẳn. Tả nôm na thế này: Tung cú đá bằng một chân, uy lực, nhưng không hiểm, đối phương hóa giải đòn ấy không khó, nhưng rất mất lực, khi vừa đỡ hoặc né xong, còn chưa định thần thì “ăn” ngay cú đá của chân kia, đó là cú đá mà đối phương không nhìn thấy được (thế mới gọi là vô ảnh cước). Hóa ra đòn đầu chỉ là đá “dứ”, đòn hai mới là đá “thật”. Nói thì dễ nhưng thực hiện thì khó vô cùng vì cú đá quyết định phải “sút” bằng chân trụ, không có điểm đà, không được sai sót. Đối phương mà tóm được cẳng thì nó lẳng ra ngoài hàng rào! >> Kỳ 2: Dì Mười Ba làm rạng danh chồng Nam Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/31476p1c30/di-tim-su-that-ve-hoang-phi-hong.htm