Đi tìm chân dung kế toán viên chuyên nghiệp

(Tamnhin.net)- Nhân viên kế toán được ví là “tay hòm chìa khóa của DN”, giữ một vai trò rất quan trọng trong DN. Nhưng một câu hỏi lớn đã được đặt ra từ lâu và luôn làm đau đầu các nhà tuyển dụng đó là: làm thế nào để tuyển được đúng nhân tài kế toán, có trình độ chuyên môn cao và hội tụ các kỹ năng cần thiết của một kế toán viên chuyên nghiệp?

Kế toán viên là khái niệm chung để chỉ tất cả những người làm kế toán từ kế toán trưởng đến các nhân viên kế toán như kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán tổng hợp, kế toán chi tiết… Mỗi vị trí công việc khác nhau tất yếu sẽ yêu cầu chuẩn mực về nghề nghiệp khác nhau. Nhưng tựu trung lại, một kế toán viên chuyên nghiệp được các chuyên gia đánh giá phải đáp ứng được các yêu cầu sau: Có năng lực chuyên môn chuyên nghiệp về nghề kế toán Luật Kế toán của VN quy định, cá nhân muốn hành nghề kế toán phải có chứng chỉ hành nghề kế toán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Theo đó, một kế toán viên phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán. Nhưng nếu muốn trở thành một kế toán viên chuyên nghiệp, năng lực của bạn phải được chứng minh qua thời gian kinh nghiệm và những thành tích bạn đã đóng góp cho DN. Ở các nước phương Tây, tiêu chuẩn tuyển dụng một nhân tài kế toán đấy là bạn phải có chứng chỉ hành nghề kế toán của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh – ACCA. Các công ty nước ngoài xem bằng ACCA là một điều kiện quan trọng để ứng viên chứng minh về khả năng nghề nghiệp và chuyên môn của bản thân trong lĩnh vực tài chính – kế toán. Hiện nay, tại VN số lượng kế toán viên có chứng chỉ ACCA chưa nhiều. Theo thống kê của ACCA tại VN, số lượng kế toán viên VN đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc tế đang ở con số rất khiêm tốn, trên dưới 100 người. Nhưng hy vọng rằng con số này sẽ nhanh chóng gia tăng để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của DN về số lượng và chất lượng của kế toán viên chuyên nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp làm kim chỉ nam hành nghề Sau nhiều vụ bê bối về tài chính, các công ty trên thế giới hiện nay rất chú ý đến đạo đức nghề nghiệp của người kế toán viên. Nhiều công ty đã đặt tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp lên số một khi cần tuyển dụng nhân viên kế toán giỏi cho công ty. Hầu hết họ đều nhận thức được rằng thông tin kế toán là rất cần thiết cho nhà quản trị để ra các chiến lược và quyết định kinh doanh. Một khi kế toán viên cố tình làm sai lệch các thông tin sẽ dẫn đến các quyết định của nhà quản trị không phù hợp, thậm chí là sai lầm dẫn đến DN rơi vào tình trạng khó khăn… Tại VN, việc hành xử thiếu đạo đức trong nghề kế toán cũng đang phổ biến đáng báo động - Bà Nguyễn Phương Mai, Trưởng đại diện Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) tại Việt Nam, nhận định. Bà Mai dẫn chứng: trong đợt kiểm tra các công ty kế toán gần đây, có nhiều kế toán viên không biết đọc báo cáo kiểm toán, không biết lập báo cáo tài chính nhưng vẫn nhận hợp đồng của khách hàng dẫu không có chuyên môn. Điều này là một trong những biểu hiện của việc thiếu đạo đức kế toán… Những sinh viên trẻ ra trường chưa có tính tự giác, chưa đặt nặng tính chuyên nghiệp mà chỉ chú trọng đến kỹ năng chuyên môn… Bà Phương Mai cho rằng trau dồi nghiệp vụ chuyên môn là cần thiết nhưng điều quan trọng nhất của một kế toán viên chính là phải trau dồi đạo đức nghề nghiệp bởi đó sẽ là kim chỉ nam để phát triển sự nghiệp. Theo bà Mai, đạo đức của một kế toán viên chuyên nghiệp phải được biểu hiện ở sự trung thực, liêm khiết, bảo mật thông tin và có ý thức chấp hành pháp luật. Nghề của tính cẩn thẩn Ngoài yêu cầu về đạo đức, chuyên môn, người kế toán viên nhất định phải có tính cẩn thận, ngăn nắp và khoa học bởi nghề kế toán gắn liền với các tài liệu, sổ sách, giấy tờ với những con số “biết nói” về tình hình tài chính. Do đó, một kế toán chuyên nghiệp phải luôn đảm bảo giữ gìn tài liệu cũng như làm thế nào để những con số đó luôn chuẩn nhất, dễ dàng tìm kiếm, tra cứu nhất. Và khi tổng hợp những con số khô cứng, một kế toán chuyên nghiệp càng cần phải cẩn thận vì chỉ sai 1 ly thôi là có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến toàn công ty… Ngoài ra, một kế toán viên chuyên nghiệp còn phải là người luôn chủ động mở rộng quan hệ giao tiếp, rèn luyện các kỹ năng thương lượng, đàm phán để hỗ trợ khi làm việc bởi công việc kế toán còn có mối quan hệ với rất nhiều nghề khác như ngân hàng, thuế…Luôn luôn chủ động cập nhật những thông tin mới nhất về tài chính và pháp luật, chủ động học hỏi về công nghệ và nếu thành thạo thêm tiếng Anh, cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp của người kế toán viên chuyên nghiệp chắc chắn sẽ không có điểm dừng. Rõ ràng nghề kế toán đang là “nghề vàng” hiện nay. Đến với nghề kế toán, cơ hội nghề nghiệp của bạn luôn rộng mở nhưng sẽ còn rộng mở hơn, phát triển hơn nếu bạn cố gắng học hỏi, trau dồi những tiêu chuẩn để trở thành một kế toán viên chuyên nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường… Thanh Loan

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/daotao/6267/di-tim-chan-dung-ke-toan-vien-chuyen-nghiep.html