Đi tiểu bậy phạt 3 triệu đồng: Vì sao hay 'đái đường'?

Đang tham gia giao thông mà cơ thể đòi giải quyết "nỗi buồn" nhưng xung quanh không có nhà vệ sinh thì phải làm thế nào - cố nhịn thì mang bệnh vào người mà cố tình giải quyết thì nguy cơ bị phạt số tiền không nhỏ?

Thiếu ý thức hay cơ sở vật chất không đủ?

Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tăng mức xử phạt hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định lên gấp 10 lần so với hiện tại sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2017. Theo đó, với mỗi hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của PV, mặc dù quy định xử phạt hành vi đi tiểu bậy đã có từ nhiều năm trước nhưng hành vi này của người dân vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM hoặc những nơi công cộng như bến xe, công viên... mà không bị xử phạt.

Nói đến việc tăng mức xử phạt với hành vi tiểu bậy, anh Phạm Văn Sáng (35 tuổi, nhân viên kinh doanh bánh kẹo trên địa bàn TP. Hà Nội) lý giải: "Chẳng ai muốn đi tè bậy ngoài đường nhưng giữa chừng có nhu cầu, lại không có nhà vệ sinh công cộng ở gần thì chẳng biết làm thế nào. Nhịn lâu thì không được mà còn gây nguy cơ mắc bệnh vào người".

Anh Sáng đưa ra minh chứng: "Tuần trước có việc gần Liên đoàn xiếc Việt Nam thì mắc tiểu nên tìm nhà vệ sinh để đi. Tìm đc cái nhà vệ sinh công cộng ngay cổng Công viên Thống Nhất thì cửa lại bị khóa, bất đắc dĩ phải "tường đè".

Hình ảnh người đàn ông đứng cạnh chiếc xe biển xanh tè bậy ra phố Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội được người dân ghi lại vào cuối tháng 3/2016.

Còn ông Hoàng Văn Thanh (53 tuổi, lái xe ôm ở TP. HCM) chia sẻ: "Thành Phố có cả chục triệu dân hỏi nhà quản lý có bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng.các quỹ đất dưới gầm cầu, cầu vượt, bờ kè, bờ sông xây dựng nhà vệ sinh công cộng đề bảo đảm được vệ sinh, sức khỏe cho cộng đồng.

Nhiều lúc chính bản thân tôi chạy xe ôm đi kiếm cái tolet, thùng rác còn không ra lấy gì mà đi vệ sinh đoàng hoàng. Nhà vệ sinh hay thùng rác toàn chỉ thấy Quận 1. Đành rằng việc tiểu bậy gây mất hình ảnh, ô nhiễm môi trường nhưng nó xuất phát từ sinh lý cá nhân mà không được giải quyết thì biết làm thế nào. Có phải lúc nào con người cũng chủ động được việc đó đâu?".

Trong khi đó vào chiều ngày 28/11, cả khu vực bãi đỗ xe khách tại Bến xe Giáp Bát (TP. Hà Nội) bốc lên mùi xú uế của nước tiểu. Một tài xế xe khách vô tư cho biết, cánh lái xe và cả hành khách vẫn thường xuyên đi ra phía sau xe để tiểu tiện mặc dù nhà vệ sinh của bến cách đó chỉ vài bước chân, trong số đó có nhiều trường hợp là phụ nữ.

Nhiều người lý giải việc tiểu bậy chứ nhất quyết không chịu vào nhà vệ sinh là do "tiện", đỡ phải phiền hà. "Hiếm thấy nơi nào thu phí việc đi vệ sinh ở các nhà vệ sinh công cộng như ở Việt Nam. Nhà vệ sinh công cộng nhưng lại hoạt động trong giờ hành chính, hoặc cùng lắm là 8h tối, trong khi nhu cầu là mọi thời gian. Mặc dù mất tiền nhưng nhà vệ sinh lại không đáp ứng đủ tiêu chuẩn tối thiểu: thiếu nước, mùi khó chịu..." - anh Nguyễn Văn Phát (35 tuổi, Thanh Xuân, TP. Hà Nội) nói.

Khó tìm bằng chứng?

Trao đổi về Nghị định mới của Chính phủ về việc xử phạt hành chính với hành vi tiểu bậy gây ô nhiễm môi trường, Luật sư Trần Văn Bình - Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng đây là điều cần thiết. Bởi, trong thời gian qua hình ảnh người dân vô tư "giải quyết nỗi buồn" nơi công cộng đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng đã ra quy định thì cần phải xử lý nghiêm, tránh tâm lý nhờn luật của người dân.

"Thực tế, quy định xử phạt hành vi tiểu bậy đã có từ nhiều năm trước nhưng vẫn còn chưa rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm thực hiện, giám sát nên việc thực hiện chưa triệt để. Có ý kiến cho rằng trách nhiệm thực hiện thuộc về cơ quan quản lý văn hóa, cũng có người cho rằng thuộc cơ quan quản lý môi trường. Theo tôi, để giải quyết triệt để việc này cần có sự vào cuộc của toàn ban ngành, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua loa phát thanh, có phương tiện truyền thông..." - ông Bình nêu quan điểm.

Cũng theo ông Bình, việc xử phạt hành vi tiểu bậy vẫn đang gặp khó bởi muốn xử phạt phải có đầy đủ bằng chứng. Nhưng không phải đoạn đường nào cũng có máy ghi hình giám sát, để cơ quan quản lý theo dõi thì không biết bao nhiêu cán bộ cho xuể nên việc xử phạt sẽ gặp khó trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, Luật sư Vũ Trường Hải - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, vấn đề xử phạt bao nhiêu không quan trọng bằng việc làm sao để phạt được người vi phạm. "Mỗi người dân phải tự thấy có trách nhiệm bảo vệ môi trường, hình ảnh văn hóa của đất nước nên ai cũng có thể là người giám sát, phát hiện hành vi tiểu bậy có thể thông báo cho cơ quan chức năng xử phạt.

Có điều cần được giải đáp là làm thế nào để người cung cấp thông tin biết được cơ quan chịu trách nhiệm đã thi hành luật như nào, họ có biểu được kết quả xử phạt không? Mỗi người dân đều mong thấy được kết quả từ việc làm của họ" - ông Hải nói.

Đông Tẩu

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/thoi-su/di-tieu-bay-phat-3-trieu-dong-vi-sao-hay-dai-duong-88625/