Di sản âm nhạc dân gian: bảo tồn trước khi có danh hiệu

(Toquoc)- Hiện có khoảng 12 di sản là âm nhạc dân gian đang được chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện/ cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tuy nhiên, trước khi thực hiện lập hồ sơ đề nghị thế giới công nhận di sản, việc thiết thực hơn cả là làm sao cho di sản có sức sống mạnh mẽ trong nhân dân. Đây không phải là điều dễ dàng, bởi nhiều di sản là âm nhạc dân gian đang đứng trước những thách thức trong việc bảo tồn. Hát Then, Ví dặm: Hai di sản, một nỗi lo Đây là hai di sản văn hóa đặc trưng của hai vùng miền khác nhau. Nhưng có một điểm chung là đều đang chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị là di sản văn hóa phi vật thể đại diện/ bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Sức sống mỗi di sản đối với cộng đồng mỗi khác, song có chung một nỗi lo là làm sao để di sản không bị hiểu sai, không bị sân khấu hóa trước khi lập hồ sơ chuẩn bị cho việc được UNESCO công nhận là di sản thế giới như một số di sản hiện nay.

(Toquoc)- Hiện có khoảng 12 di sản là âm nhạc dân gian đang được chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện/ cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tuy nhiên, trước khi thực hiện lập hồ sơ đề nghị thế giới công nhận di sản, việc thiết thực hơn cả là làm sao cho di sản có sức sống mạnh mẽ trong nhân dân. Đây không phải là điều dễ dàng, bởi nhiều di sản là âm nhạc dân gian đang đứng trước những thách thức trong việc bảo tồn. Hát Then, Ví dặm: Hai di sản, một nỗi lo Đây là hai di sản văn hóa đặc trưng của hai vùng miền khác nhau. Nhưng có một điểm chung là đều đang chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị là di sản văn hóa phi vật thể đại diện/ bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Sức sống mỗi di sản đối với cộng đồng mỗi khác, song có chung một nỗi lo là làm sao để di sản không bị hiểu sai, không bị sân khấu hóa trước khi lập hồ sơ chuẩn bị cho việc được UNESCO công nhận là di sản thế giới như một số di sản hiện nay.

Công tác kiểm kê và bảo tồn di sản nên làm song song với việc lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản thế giới

Hát then đi liền với đàn tính là nghệ thuật diễn xướng mang yếu tố tâm linh. Đặc trưng của then là giai điệu mượt mà, đằm thắm, âm hưởng đầm ấm tạo cảm giác gần gũi, thiêng liêng. Nhờ đó, hát then vốn là văn hóa gốc của dân tộc Tày nhưng người Nùng, người Thái cũng hát then; hiện nay hát then đã có mặt ở 14 tỉnh, thành phố. Ngoài ý nghĩa tâm linh, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái còn hát then để ca ngợi quê hương, đất nước, con người. Nói về làn điệu hát Then ở tỉnh mình, ông Nguyễn Vũ Phan- Giám đốc sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Sở VHTTDL Tuyên Quang cũng như cá nhân ông rất lo lắng, vì chứng kiến cảnh hát Then đang dần bị quên lãng ngay trên quê hương mình. Để cứu vãn, tỉnh hàng năm đã tổ chức rất nhiều lớp học dành cho con em dân tộc Tày, Nùng ở địa phương, cũng mất công mời các nghệ nhân đến để dạy, nhưng cũng chả được mấy người theo, nhất là những người trẻ. Các nghệ nhân già thì ngày một “rơi rụng”. Lời hát Then giờ cũng bị “trẻ hóa” rất nhiều. Lời Then đa phần được đặt lại. Lời cổ không còn mấy người giữ. Trong khi đó, nếu làm hồ sơ di sản trình UNESCO thì đấy mới là tinh túy, là cái hồn của Then cần trưng ra với thế giới”.

Mặc dù có sức lan tỏa mạnh mẽ, song hát Then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đứng trước nguy cơ mai một nghệ nhân, thiếu người kế cận. Ông Nguyễn Vũ Phan cũng thừa nhận: Riêng tỉnh Tuyên Quang có tất cả 4 nghệ nhân nắm giữ làn điệu Then cổ thì đã mất đi 2 người. 40 hạt nhân văn hóa là người dân tộc Tày có nhiệm vụ phổ biến, duy trì làn điệu hát Then ở cơ sở cũng chỉ có một số người biết hát Then cổ. Đáng lo ngại hơn là một bộ phận người dân tộc Tày không còn nói được tiếng mẹ đẻ. Thực trạng này là thách thức không nhỏ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát then.

Tương tự, hát Ví dặm cũng từng có sức sống mạnh mẽ. Hát ví dặm không chỉ ra đời trong đời sống sản xuất, sinh hoạt của vùng văn hóa Nghệ An- Hà Tĩnh mà còn là tiền đề của sự phát triển của âm nhạc miền Trung, có giá trị lan tỏa. Ví dặm tạo ra một vùng văn hóa thứ hai sau nó là Phú Xuân (Huế ngày nay). Mặt khác, nó là chất liệu, là nguồn sống cho những sáng tác trong thời đại ngày nay về vùng đất này. Âm nhạc ví dặm có đời sống lịch sử, đời sống văn hóa sâu sắc trong cộng đồng người dân Nghệ Tĩnh. Tuy nhiên, trong lần liên hoan đầu tiên vừa được thực hiện, ngoài niềm vui về sự hồi sinh của loại hình âm nhạc dân gian này, cũng còn nỗi lo về sự cải biên đặt lời mới đang tồn tại quá nhiều so với lời cổ. Điều này ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị gốc của di sản trong quá trình phục hồi và lập hồ sơ nếu không thận trọng.

Nhanh chóng kiểm kê

Theo ông Hoàng Thành Khởi, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Văn Quan (Lạng Sơn) cho biết, Lạng Sơn đã mấy lần làm đề án bảo tồn hát Then nhưng rồi phải bỏ ngang vì thiếu kinh phí, nhưng nếu có tiền cũng không có người truyền dạy. Xã Bình Phú, nơi hiếm hoi của tỉnh còn duy trì được đội hát Then truyền thống thì mỗi năm đội văn nghệ xã cũng chỉ biểu diễn được 3- 4 buổi. Không riêng gì Lạng Sơn, Tuyên Quang mà các tỉnh có nghệ thuật hát Then khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đắc Lắc… đều có chung số phận.

Còn với Ví dặm, nghệ sĩ Hồng Lựu, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ (tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Hầu như vùng nào ở các làng quê Nghệ - Tĩnh cũng có hát ví, làng nào cũng có người hát hay, ứng tác giỏi. Để chuẩn bị cho hành trình lập hồ sơ di sản, trong những năm qua, Trung tâm đã có nhiều hoạt động nhằm khôi phục, giữ gìn và phát huy các làn điệu dân ca như: Tổ chức các buổi hội thảo khoa học về dân ca, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An để đưa dạy học dân ca ví, dặm vào các trường học”. Tuy nhiên, nghệ sỹ Hồng Lựu cũng cho biết, không phải nhiều người hát hay, ứng tác giỏi thuộc được những lời hát cổ, bởi vậy, công tác kiểm kê phải được đẩy lên trước tiên trong tiến trình lập hồ sơ di sản này.

GS Đặng Hoành Loan- Nguyên Phó Viện trưởng Viện âm nhạc Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo ông, việc cần thiết trước khi lập hồ sơ di sản là kiểm kê di sản, trong đó có “báu vật nhân văn sống” chứ không phải là các liên hoan sân khấu hóa. GS Đặng Hoành Loan khẳng định: “Việc trước tiên cần làm là tìm nghệ nhân, hiện vùng Nghệ An- Hà Tĩnh còn rất ít nghệ nhân- “báu vật nhân văn sống”. Cần tìm họ và phục hồi lại điệu hát cổ, không gian hát cổ. Đó là nhân tố quan trọng và quyết định đến vận mệnh hồ sơ, còn họ thì di sản còn giá trị, không còn họ thì di sản không có căn cứ”.

Thời gian cho việc được công nhận là di sản thế giới còn dài bởi hiện 12 di sản của chúng ta sẽ lần lượt “xếp hàng” đề nghị UNESCO công nhận trong 12 năm (quy định mới của UNESCO mỗi năm một quốc gia chỉ được xét một di sản). Bởi vậy, bên cạnh việc lập hồ sơ cho di sản, trước khi di sản được cả thế giới biết đến thì việc thiết thực là bảo tồn, phát huy giá trị di sản đúng hướng, tránh những ồn ào mà dư luận đang cho rằng nhiều di sản của chúng ta bị biến tướng sau khi được công nhận./.

Bài&ảnh: Dạ Minh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/11/di-san/109163/di-san-am-nhac-dan-gian-bao-ton-truoc-khi-co-danh-hieu.aspx