Đi qua vùng thủy điện (2)

* Kỳ 2: Thiếu đất, người dân phá rừng làm rẫy

(Cadn.com.vn) - Bị công trình thủy điện (CTTĐ) thu hồi hết đất đai, thiếu đất sản xuất, nhiều hộ dân nhắm mắt làm liều vào rừng đốt rẫy trồng lúa, tỉa bắp kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng diện tích đất rừng này chưa được quy hoạch, thuộc rừng phòng hộ nên đương nhiên người dân đã vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Mẹ con bà Plúp Proo (1955, trú thôn Vinh, xã Tà Pơơ, H. Nam Giang) đang đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự do phá rừng làm rẫy vì thiếu đất sản xuất. Trước năm 2005, cũng như bao hộ dân khác, gia đình bà Proo có đến hàng chục héc-ta đất nương rẫy. Tuy nhiên, từ khi CTTĐ Sông Bung 4 được xây dựng, toàn bộ đất đai, nhà cửa của gia đình bà bị thu hồi để phục vụ cho dự án trên. Chồng mất sớm, mình bà Proo phải nuôi đàn con nheo nhóc 7 đứa, tiền đền bù CTTĐ được nhận cũng nhiều, song do cuộc sống và do nhận thức của người đồng bào còn hạn chế nên tiêu xài phung phí chỉ vài năm sau, gia đình bà trở thành hộ nghèo.

Bà Plúp Proo nhìn xuống lòng hồ CTTĐ Sông Bung 4, nơi trước đây gia đình bà có hàng chục héc-ta đất sản xuất.

Người vùng cao cả cuộc đời gắn bó với nương rẫy, không có đất sản xuất đối với họ coi như mất kế sinh nhai. Để có cây lúa, cây bắp nuôi con cháu, bà Proo cùng với con trai là ALăng Dũng (1982) qua tận bên kia lòng hồ CTTĐ cách nhà hơn 5km để làm rẫy. “Khu vực này chỉ toàn dây leo, bụi rậm, cây gỗ to thì đã bị lâm tặc đốn hạ hết rồi. Thấy đất trống, mẹ con tôi phát đốt để trồng lúa, bắp. Nhưng khi đốt rẫy thì kiểm lâm lên lập biên bản xử lý vì cho rằng mẹ con tôi phá rừng. Sau đó nhiều lần CA mời xuống huyện làm việc, tôi nói nếu biết đó là rừng cấm thì mẹ con tôi đã không làm. Đằng này ở đó toàn dây leo, cây dại nên mẹ con tôi mới phát đốt” - bà Proo phân trần về những vi phạm của mình. Cũng theo bà Proo cho biết, gia đình phải tìm nguồn đất mới để phát rẫy trồng trọt chứ không thể chịu đói được.

Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, Thiếu tá Ngô Quốc Đức - Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp CAH Nam Giang cho biết: Liên quan đến vụ việc trên, ban đầu BQL rừng phòng hộ Nam Sông Bung khởi tố vụ án rồi chuyển hồ sơ qua cho CAH làm rõ. Qua làm việc, CQĐT xác định thủ phạm vụ phá rừng trên chính là mẹ con bà Proo. Do thiếu đất sản xuất nên gia đình bà Proo phải phát rẫy lấy đất sản xuất. Điều đáng nói, khu vực phía dưới giáp ranh đó gia đình bà Proo đã phát rẫy trồng cây từ năm 2012. Giờ gia đình bà Proo tiếp tục phát thêm lấn vào 2ha khu vực nằm trong rừng phòng hộ nên lực lượng Kiểm lâm khởi tố vụ án. “Thủy điện lấy hết đất nên chừ thiếu đất sản xuất dân mới phát rẫy trồng cây mưu sinh chứ không phải họ phá rừng lấy gỗ. Do người đồng bào thiểu số, nhận thức còn hạn chế nên họ mới làm như vậy. Chừ khởi tố bắt giam theo luật thì cũng tội cho mẹ con họ. Nhưng không xử lý thì các hộ dân khác bắt chước làm theo. Do vậy sắp tới CAH sẽ họp bàn với Ủy ban huyện và các ngành chức năng xem xét lại cụ thể trường hợp này để có hướng xử lý thích hợp” - Thiếu tá Đức khẳng định.

Thiếu đất sản xuất, nhiều người dân bị ảnh hưởng di dời của CTTĐ phải phá rừng làm rẫy.

Việc người dân vào khu vực có đất rừng đốt rẫy để lấy đất sản xuất khá phổ biến ở các khu vực CTTĐ, tuy nhiên câu chuyện các ngành chức năng chọn khu vực vùng lõi của rừng phòng hộ Sông Tranh để đưa người dân đến sinh sống cũng là chuyện đáng bàn. Dự án CTTĐ Sông Tranh 2 (H. Bắc Trà My) đã chiếm đến 2.200ha diện tích đất rừng tự nhiên, buộc hàng ngàn hộ dân thuộc các xã Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giác, Trà Tân đã phải di dời để lấy mặt bằng cho dự án. Năm 2007, khi di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án CTTĐ này, các ngành chức năng lại đưa một phần các hộ dân vào ngay vùng lõi rừng phòng hộ Sông Tranh (xã Trà Bui) để TĐC làm nơi ở mới.

Vào khu vực này, do không có đất sản xuất nên người dân phá rừng lấy đất, bên cạnh đó, một số hộ dân “bất đắc dĩ” phải trở thành “lâm tặc”. “Từ trước đến giờ, tôi chưa từng thấy tiền lệ... đưa dân vào giữa rừng phòng hộ bao giờ. Để giữ rừng, càng cố gắng đưa dân ra xa rừng bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu” - một cán bộ BQL rừng phòng hộ Sông Tranh nhận định. Chính vì điều đó, tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ trái phép ở đây liên tục gia tăng, số lượng ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Để xử lý răn đe người dân, cách đây vài năm, BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh đề nghị CAH Bắc Trà My khởi tố 2 đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ rừng là Hồ Văn Quang và Hồ Văn Trắng (trú xã Trà Bui). Hai người này cũng là một trong số các hộ dân xã Trà Bui có đất nằm trong dự án CTTĐ Sông Tranh. Theo đó, các hộ dân đồng bào dân tộc cư trú trong khu vực rừng thuộc diện 167, mỗi hộ được phép sử dụng không vượt quá 10m3 gỗ để làm vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Hồ Văn Quang đã khai thác vượt gấp hơn 2 lần mức cho phép nên bị truy tố và xử phạt 2 năm tù giam. Còn Hồ Văn Trắng bị phạt 12 tháng tù treo...

Thiếu đất ở, hơn 120 hộ dân TĐC nóc Sơ Rơ chen chúc nhau trên một quả đồi.

Ước tính mỗi MW thủy điện phải “nuốt” trên 10ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Tại tỉnh Quảng Nam, diện tích đất rừng dự kiến thu hồi để đầu tư các CTTĐ là 11.384ha, diện tích đã thu hồi là hơn 7.047,6ha, trong đó hơn 3.000ha là rừng tự nhiên, đặc dụng, phòng hộ. So với tổng diện tích đất rừng và đất khác của các huyện miền núi đã thu hồi để triển khai các dự án KT-XH, thì diện tích thu hồi để thực hiện các công trình CTTĐ chiếm đến 34,6%...

Bão Bình
(còn nữa)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_157103_di-qua-vu-ng-thu-y-die-n-2-.aspx