Đi karaoke thời… cấm cửa

Dịch vụ giải trí karaoke đưa lại những khoản thu nhập kếch xù cho các chủ quán. Thế nên, mặc dù thảm họa cháy quán karaoke khiến 13 người tử nạn không làm họ thức tỉnh. Họ vẫn tiếp tục khai thác hết công suất vì lợi nhuận bất chấp mối nguy hiểm, tử thần rình rập các vị khách đến mua vui...

“Sống chết có số”

Ở Hà Nội, mọi con đường, tuyến phố đến những ngõ ngách nhỏ khuất sâu trong khu dân đều có sự xuất hiện của loại dịch vụ giải trí karaoke. Tập trung nhiều ở các tuyến phố như Nguyễn Khang, Vũ Tông Phan, Trần Thái Tông, Chùa Láng, Trần Đăng Ninh, Thái Hà, Khương Trung; Đê La Thành; Trần Duy Hưng…

Việc thường xuyên cháy các quán karaoke không phải là chuyện mới ở Hà Nội. Nhưng mãi khi quán hát 68 Trần Thái Tông cháy khiến 13 người tử vong là tiếng chuông báo động về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Những ngày này, dọc theo nhiều tuyến phố Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Nguyễn Khang, Trần Thái Tông… nhiều quán hát đã tháo dỡ biển hiệu quảng cáo. Nhưng cũng nhiều quán đang còn biển quảng cáo điện tử quá khổ với hệ thống điện chằng chịt. Các quán karaoke vẫn hoạt động bình thường.

Anh Hùng, chủ một quán karaoke ở đường Trần Duy Hưng cho biết, sau vụ cháy nổ công an vào cuộc gắt gao hơn. Các biển quảng cáo sai quy định bị bắt tháo dỡ. “Cháy quán liên tiếp xảy ra nên quán mình cũng sợ nên mua thêm mấy bình cứu hỏa mini để ngoài mỗi phòng hát. Lúc đầu, sợ thời điểm này quán sẽ vắng khách. Nhưng thực tế lượng khách đến quán karaoke giải trí không thay đổi. Buổi tối hơn 10 phòng hát luôn kín khách. Chỉ có điều bây giờ đang nhạy cảm, các quán hoạt động về đêm không công khai như trước được”, anh Hùng cho biết.

“Khi múa lửa, đèn phòng sẽ tắt hết, nhân viên nữ sẽ lên bàn nhảy và… cởi đồ. Mỗi que diêm được tính giá 200 ngàn đồng để xem bọn em múa, để xem thỏa mãn khách cần đốt cả bao diêm”.

Thúy Vân

Đúng như anh Hùng nói, 23h đêm chúng tôi đi khảo sát nhiều quán karaoke ở địa bàn quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, các quán hát đều đóng kín cửa. Nhưng thực tế, các quán hát đi vào hoạt động chui, có thể vào bằng cổng phụ phía sau nhà. “Đợt này công an làm mạnh hơn. Nhưng mấy anh vẫn có thể hát hò đến tận sáng không sao. Nếu có nhu cầu các em PR đầy đủ cả”, một nhân viên quán karaoke ở đường Đê La Thành mời chào khách.

Quỳnh Hoa (19 tuổi, quê Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội làm nghề “PR” karaoke cho biết: “Cháy quán nhưng em vẫn đắt sô, mỗi ngày ngồi khoảng 6-8 lượt khách. Khách tìm đến quán hát giải trí có cha nào tỉnh nữa đâu anh. Toàn phê líu hết biết sợ là gì”, Hoa cười nói.

Theo Hoa, từ khi cháy quán, chủ quán hát có dặn dò các nhân viên cảnh giác hơn như: Dặn dò khách hút thuốc trong phòng cẩn thận; sửa chữa, hàn xì được giám sát chu đáo. Bỏ luôn dịch vụ múa lửa bằng diêm (nhân viên PR không mặc quần áo, múa thoát y trên bàn để khách hàng mua những que diêm đốt lên xem - PV). “Mới đầu thấy cháy quán liên tiếp em cũng sợ, bởi hầu hết các quán karaoke đâu có hệ thống PCCC đảm bảo. Các quán chỉ làm đối phó với cơ quan chức năng thôi. Có nhiều quán có bình chữa cháy nhưng trong bình rỗng. Nhân viên tụi em có câu mới “nghề PR là nghề nguy hiểm” mỗi khi xin khách bo thêm”, Kiều Linh (22 tuổi, quê ở Thanh Hóa) làm “tay vịn” cùng quán Hoa cho biết thêm.

Có mặt tại quán karaoke Ali... trên đường Chiến Thắng, quận Thanh Xuân, Hà Nội, phòng hát được đầu tư khá kỹ lưỡng, tất cả mọi vật dụng đều đáp ứng nhu cầu của khách. Chỉ duy nhất một thứ mà cơ sở này không hề có đó là các dụng cụ cứu hỏa, hướng dẫn lối thoát hiểm…Trong khi đó, cơ sở này còn bố trí nến thắp cho phòng hát thêm lung linh. Trước đó, quán lắp hệ thống biển quảng cáo điện tử cao hàng chục mét với nhiều dải sáng để tạo hình dòng thác nổi bật tên quán Ali... Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã yêu cầu cơ sở này tháo dỡ biển quảng cáo điện tử có nguy cơ gây cháy, nổ.

Những nhân viên khỏa thân hát cùng khách trong một quán karaoke.

Những nhân viên khỏa thân hát cùng khách trong một quán karaoke.

Nằm sâu trong làng Triều Khúc, xã Tân Triều, Hà Nội, có khoảng năm cơ sở kinh doanh karaoke. Mỗi ngày ở đây đón tiếp hàng trăm lượt khách, thế nhưng hầu hết các cơ sở này đều không đảm bảo các quy định về PCCC. Các quán karaoke này có quy mô nhỏ nhưng vẫn được trang trí rất cầu kỳ, đặc biệt là hệ thống đèn nháy, biển quảng cáo. Hầu hết các cơ sở này được cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở thông thường nên không có lối thoát hiểm. Điển hình như cơ sở karaoke Phiêu D..., lối dẫn lên các phòng hát là một cầu thang chật hẹp, chỉ đủ cho một người đi, trong khi đó, các thiết bị PCCC của các cơ sở này không hề có.

Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại các cơ sở kinh doanh karaoke tại các tuyến phố Phùng Khoang; Triệu Việt Vương, Trần Duy Hưng…. Đặc biệt, tại cơ sở kinh doanh karaoke số 80 phố Triệu Việt Vương, vi phạm nhiều lỗi liên quan đến an toàn PCCC như hệ thống điện của bảng chỉ dẫn đường, hệ thống chuông báo động tại nhiều tầng không hoạt động; cửa thoát hiểm không đảm bảo an toàn. Hay quán karaoke Hoa Đô trên phố Trần Duy Hưng, được cấp phép hoạt động từ năm 2012 với quy mô hoạt động 1 phòng hát, nhưng thực tế chủ cơ sở cho hoạt động tới 4 phòng.

Ngồi ở nhiều quầy lễ tân các quán karaoke, chứng kiến nhiều đoàn khách tìm đến mua vui trong tình trạng đã uống rượu bia, nhiều khách đi không vững bạn phải dìu vào quán. “Quán có hàn xì không”, “anh không hát tầng 5”, “có cửa sổ thoát hiểm không” là những câu cửa miệng khi khách vào đặt phòng hát. Nhưng dường như đó chỉ là những câu nói vui bởi theo nhiều người “sống chết là có số rồi”.

Đủ kiểu thác loạn

Đi hát karaoke sau những trận hỏa hoạn, phóng viên tiếp xúc được nhiều “tay chơi” nghiện hát hò, tụ tập. Lâm Hoàng một công tử ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Thường mỗi tuần cậu cùng nhóm bạn sẽ tụ tập đi hát từ 3 – 4 lần để xả stress và thác loạn. “Đọc báo thấy quán karaoke cháy liên tục, nhiều người bị chết mình cũng thấy sợ. Nhưng giờ như nghiện hát, cứ nhậu xong mà không hát là khó chịu lắm”, Hoàng nói.

Thành Tuyển, một thành viên trong đội của Hoàng cho biết: Khi đi karaoke, ngoài gọi chân dài làm “tay vịn” nhóm còn nhiều hình thức thác loạn khác. “Mỗi lần đi hát mỗi thành viên cũng tốn từ 3 – 5 triệu đồng. Nhóm chơi những hình thức thác loạn khác nhau như kêu nhân viên tắm bia, kích dục đủ thứ ngay trong quán hát”, Hoàng kể.

Những quán karaoke sử dụng các vật liệu dễ cháy, nếu không được PCCC đảm bảo có thể gây ra hỏa hoạn khôn lường. Ảnh: Quang Lộc

Qua nhóm Hoàng giới thiệu, tôi gặp Thúy Vân, một nhân viên quán karaoke lớn ở đường Trần Duy Hưng. Vân cho biết, phục vụ khách hàng tối cô được bo khá hậu hĩnh cho mỗi đợt tiếp khách, ít nhất là 200 ngàn đồng, nhiều thì được 100 USD. Thúy Vân còn tham gia thêm khoản “múa lửa” hoặc “mua đồ” để phục vụ khách lắm tiền. “Khi múa lửa, đèn phòng sẽ tắt hết, nhân viên nữ sẽ lên bàn nhảy và… cởi đồ.

Mỗi que diêm được tính giá 200 ngàn đồng để xem bọn em múa, để xem thỏa mãn khách cần đốt cả bao diêm. Có khi tốn kém hàng chục triệu đồng”, Vân nói. Theo Vân, ngoài múa lửa, khách chỉ cần chịu chi từ 500.000 – 2.000.000 đồng các quý ông có thể yêu cầu nhân viên cởi hết quần áo khi đi hát. Đứng lên bàn hát, múa, tắm bia, kích dục…

Mất bò mới lo làm chuồng

Trung tá Bùi Quang Việt - Phó cục trưởng Cục cảnh sát PCCC cho rằng, nhiều quán karaoke được thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành quán hát nên không đáp ứng được điều kiện đảm bảo an toàn PCCC. Quán karaoke thường sử dụng các vật liệu trang trí nội thất, cách âm dễ cháy như mút, xốp, cao su, phông rèm. Khi có cháy, tốc độ cháy lan rất nhanh, tòa nhà nhiều khói khí độc, nếu người trong quán không phát hiện sớm và thoát nhanh ra nơi an toàn sẽ nhiễm độc khói và gây tử vong.

Ở góc nhìn đô thị, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Thường trực Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Phải có quy hoạch điểm kinh doanh karaoke, vũ trường để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Cơ quan cấp phép kinh doanh phải dựa trên hồ sơ thiết kế nhà hàng karaoke, vũ trường do tổ chức tư vấn kiến trúc hay kiến trúc sư lập đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về kiến trúc, về phòng cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Cấm tuyệt đối lắp đặt biển quảng cáo che kín mặt tiền nhà hàng, nơi tiếp cận thuận lợi nhất khi phải thoát người, chữa cháy. Chính quyền địa phương và cơ quan PCCC phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát công tác PCCC của các nhà hàng kinh doanh karaoke, vũ trường, để có những quyết định xử lý kịp thời”, ông Tùng nói.

Quang Lộc

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/di-karaoke-thoi-cam-cua-1073292.tpo