Đi hầu đồng, ranh giới mê tín và tín ngưỡng khá mong manh

“Nếu đánh giá dưới góc độ tư cách đạo đức của cán bộ, Đảng viên lại tham gia hoạt động lễ bái mang tính mê tín dị đoạn sẽ gây phản cảm. Tuy nhiên, ranh giới giữa mê tín hay không cũng rất mong manh”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng

Vài ngày qua, trên mạng xã hội đang xôn xao bàn tán chuyện cán bộ công chức đi hầu đồng để xin thăng quan tiến chức là đúng hay sai, liệu có thể coi đó là hành vi mê tín hay không. Ông nhìn nhận đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Tôi cho rằng hiện tượng cán bộ, Đảng viên, đặc biệt là những người giữ trọng trách lớn trong cơ quan Nhà nước đi lễ, cúng bái ở các đình, chùa với nhiều mong muốn khác nhau như cầu bình an hay cầu thăng quan, tiến chức đã xuất hiện từ lâu chứ không phải bây giờ mới xuất hiện.

Nếu xét trên góc độ con người, đây là một nhu cầu về mặt tâm linh, tín ngưỡng. Trong Nghị quyết của Đảng về công tác tôn giáo, tín ngưỡng cũng coi đây là một nhu cầu bình thường của con người. Chúng ta không nên lên án, đánh giá quá khắt khe về điều đó. Vấn đề là người ta biểu hiện nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của họ như thế nào thôi.

Ở nhà, chúng ta thắp hương thờ cúng ông bà, tổ tiên, những người có công cũng là một cách biểu hiện tâm linh của mình. Khi tới thăm đền, chùa, đình, nơi thờ các vị anh hùng dân tộc có công với đất nước để cầu nguyện, lễ bái như xin ấn Đền Trần (Nam Định) hàng năm xuất hiện rất nhiều cán bộ quan chức. Xét trên góc độ con người, đây là một điều bình thường.

Vấn đề sẽ ra sao nếu chúng ta nhìn nhận sự việc này dưới góc độ tư cách đạo đức của cán bộ, Đảng viên?

Nếu đánh giá dưới góc độ tư cách đạo đức của cán bộ, Đảng viên, đặc biệt là những đồng chí giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước lại tham gia hoạt động lễ bái mang tính mê tín dị đoạn sẽ gây phản cảm trong nội bộ Đảng, trong bộ máy Nhà nước và cả trong nhân dân.

Đặc biệt nếu đó đúng là việc lễ bái để cầu “thăng quan tiến chức” thì lại càng khó chấp nhận

Những người cộng sản - những người theo chủ nghĩa duy vật lại tham gia hoạt động lễ bái thì không đúng. Theo tôi, việc này cần đưa vào nội dung sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cơ quan để phê phán và nhắc nhở.

Thời gian vừa qua, do không có ai đứng lên phê phán, nhắc nhở họ nên họ cứ đi lễ, thậm chí sử dụng cả xe công để đi đền chùa lễ bái cầu cái nọ cái kia. Đời sống tâm linh gần đây đúng là phong phú hơn lên nhiều, tuy nhiên với mỗi cán bộ Đảng viên, vẫn phải giữ chừng mực nhất định.

Có phải ông định nhắc đến điều số 18 trong số 19 điều Đảng viên không được làm?

Đúng vậy, đó là điều Đảng viên không được làm trong đó có một số việc cụ thể như đốt đồ vàng mã… Đó là những biểu hiện, hoạt động mê tín dị đoan. Chúng ta cũng có thể thấy trong buổi lễ của cán bộ, công chức vẫn có nhiều đồ vàng mã, ngựa giấy…

Hiện nay, ranh giới giữa mê tín dị đoan và thực hành tín ngưỡng rất mong manh khi cuộc sống tâm linh của chúng ta ngày càng phong phú như ông nói. Việc kết luận một người đi hầu đồng là có biểu hiện mê tín dị đoan có vẻ cũng khó khăn hơn?

Việc này chỉ cần để ý một chút là chúng ta có thể thấy. Nhưng đúng như anh nói, ranh giới giữa mê tín dị đoan và không mê tín hiện nay cũng khá mong manh bởi trong thời đại đổi mới, tư duy và quan niệm của con người về hoạt động tâm linh, tín ngưỡng cũng trở nên thoáng hơn. Thậm chí, nhiều người cán bộ Đảng viên còn đi xem bói chứ không đơn thuần chỉ đi lễ bãi ở các đền, chùa để cầu nhiều thứ, trong đó không ít người cầu thăng quan tiến chức. Theo tôi, ngành văn hóa cũng cần phải phân định rõ ràng giữa mê tín dị đoan và không mê tín để chúng ta có cơ sở giáo dục, rèn luyện cán bộ, Đảng viên.

Xin cảm ơn PGS.TS!

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/di-hau-dong-ranh-gioi-me-tin-va-tin-nguong-kha-mong-manh-714546.html