Di chúc lập có 2 người làm chứng đã hợp pháp?

- Bà tôi trước khi chết có lập di chúc để lại di sản thừa kế là toàn bộ ngôi nhà và đất ở cho người cậu của tôi (là em trai mẹ tôi). Trước khi mất thì bà đã rất già yếu, không thể viết được. Khi đó cậu tôi có mời 2 người hàng xóm sang và lập di chúc để định đoạt tài sản. Sau thời điểm lập di chúc khoảng 2 tháng thì bà tôi mất. Mẹ tôi cùng mấy người em gái yêu cầu cậu tôi phải chia tài sản của bà để lại nhưng cậu tôi không đồng ý và trả lời tài sản đó bà đã để lại di chúc cho cậu - là con trai duy nhất của bà rồi.

Tôi muốn hỏi các luật sư, vậy gia đình tôi phải làm gì để có thể đòi lại tài sản đó? Di chúc được lập trước khi bà tôi mất có phải là di chúc hợp pháp không? (Câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Phương Hoa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội). Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chúng tôi. Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau: Theo Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 14/06/2005 có hiệu lực 01/01/2006 quy định rất rõ về quyền thừa kế của cá nhân tại Điều 631: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Bên cạnh đó, luật cũng quy định rất rõ thế nào là di chúc hợp pháp. Điều 652 quy định di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau: 1. a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. 2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. 3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. 4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 điều này. 5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. Ngoài ra, trong trường hợp di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân thủ quy định tại Điều 656 di chúc bằng văn bản có người làm chứng, cụ thể: Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc phải tuân theo quy định tại Điều 653 và Điều 654 của Bộ luật này. Đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, nếu di chúc của bà bạn để lại tuân thủ tất cả các điều kiện nói trên thì di chúc đó là di chúc hợp pháp. Nguyên tắc phân chia di sản thừa kế là dựa vào di chúc trừ trường hợp không có di chúc thì sẽ chia di sản thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định rõ một số trường hợp, người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Điều 669: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này: 1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; 2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động. Trường hợp những người đồng thừa kế với mẹ bạn là một trong các đối tượng quy định tại Điều 669 nói trên thì có quyền yêu cầu tòa án phân chia di sản thừa kế theo luật. Từ những căn cứ pháp lý trên đây, chúng tôi đã lý giải vấn đề mà gia đình bạn đang băn khoăn thắc mắc, rất mong bạn có định hướng đúng cho sự việc nêu trên. (Xin chân thành cảm ơn luật sư Trần Thu Thủy, Văn phòng luật sư Phúc Thọ, Hồ Đắc Di, quận Đống Đa, Hà Nội, đã tư vấn cho chuyên mục này). Bạn có thắc mắc về pháp luật, xin gửi câu hỏi cho chúng tôi theo mẫu sau:

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/bandocviet/2009/03/836700/