Đi bộ có thể được coi là du lịch mạo hiểm

Đi bộ cùng 18 loại hoạt động du lịch khác có thể được coi là hoạt động du lịch mạo hiểm nếu Quy chế tạm thời về tổ chức, quản lý và khai thác hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm được cơ quan quản lý thông qua.

Du khách chơi dù lượn ở Nha Trang. Theo dự thảo về quy chế tạm thời quản lý du lịch mạo hiểm, nhiều môn thể thao dưới nước được xếp vào loại hình du lịch này. Ảnh: Đào Loan

Dự thảo về quy chế tạm thời này đang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lấy ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan và doanh nghiệp.

Theo đó, 19 hoạt động du lịch được coi là du lịch bao gồm ca nô, chèo thuyền kayak, cưỡi ngựa, đi bộ, đi xe đạp địa hình núi, đi trên dây, đu dây, săn bắn, lái bè, leo núi, nhảy Bunggee, nhảy dù, trượt cát, thám hiểm hang động, trượt tuyết, thám hiểm rừng rậm, trò chơi trượt máng nước; những môn thể thao dưới nước như đi mô tô nước, lướt ván... và những trò chơi mạo hiểm.

Có lẽ cần phải nói thêm rằng việc quy định "đi bộ" như một loại hình du lịch mạo hiểm mà không giải thích rõ ràng rất có thể dẫn đến sự tùy tiện trong việc áp dụng hay kiểm soát, bởi vì đi bộ thông thường (walking) rất khác với các loại hình đi bộ có tính chất mạo hiểm ở nước ngoài (như trekking hay hiking).

Để được tham gia tổ chức, khai thác các loại hình du lịch mạo hiểm, doanh nghiệp phải xin cấp phép kinh doanh du lịch mạo hiểm với nhiều điều kiện như hướng dẫn viên và huấn luyện viên phải có giấy chứng nhận về nghiệp vụ, nghề nghiệp; danh sách, giấy chứng nhận đăng kiểm các trang thiết bị phục vụ chương trình du lịch mạo hiểm; phương án kinh doanh loại hình này do Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định...

Khách du lịch cũng phải đảm bảo nhiều quy định để được tham gia du lịch mạo hiểm như phải xuất trình giấy chứng nhận sức khỏe trước chuyến đi, phải ký cam kết về bảo đảm điều kiện sức khỏe, độ tuổi phù hợp với chương trình...

Dự kiến, nếu được nhiều ý kiến ủng hộ, những quy định trên sẽ được thí điểm thực hiện vào đầu tháng 11-2016 cho đến hết năm 2018. Sau đó, cơ quan quản lý sẽ tổng kết, xem xét khả năng triển khai trong những năm kế tiếp.

Trao đổi với TBKTSG Online về dự thảo này, nhiều doanh nghiệp cho rằng những quy định trong dự thảo chưa hợp lý, có nhiều quy định rất cứng nhắc nên sẽ khó thực hiện nếu triển khai.

Một doanh nghiệp cho rằng, không nên gom tất cả 19 loại hình du lịch trên vào du lịch mạo hiểm với những quy định quản lý hết sức ngặt nghèo mà phải phân biệt ra từng cấp độ của hoạt động du lịch mạo hiểm.

Trong đó, có mạo hiểm ở cấp độ vừa phải như chèo thuyền kayak ở ao hồ, hay cưỡi ngựa trong trang trại... còn những hoạt động như nhảy Bunggee hay nhảy dù ở địa hình nào đó lại ở một cấp độ khác, nguy hiểm hơn nên đòi hỏi nhà tổ chức phải đáp ứng rất nhiều quy định đặc thù.

Với du khách cũng vậy, phải phân loại cấp độ du lịch mạo hiểm khi yêu cầu khách phải xuất trình chứng nhận trước chuyến đi. Nếu kiểu du lịch nào cũng bắt phải xuất trình giấy này thì việc tổ chức tour cho khách đoàn, khách từ doanh nghiệp với số lượng lớn đi tour team-building sẽ rất bất tiện. "Không lẽ cho khách đi bộ lòng vòng trong làng hay chơi team-building theo kiểu cho từng nhóm chèo thuyền kayak trong hồ nhỏ cũng phải bắt khách nộp chứng nhận sức khỏe. Đây là những quy định chưa hợp lý", doanh nghiệp này nói

Mặt khác, dự thảo này không phân biệt rõ ràng giữa nhà tổ chức du lịch mạo hiểm với công ty lữ hành và đại lý du lịch bán những chương trình này để quy định trách nhiệm rõ ràng. Chẳng hạn, trong Chương III về quy định điều kiện tham gia tổ chức, khai thác kinh doanh du lịch mạo hiểm quy định doanh nghiệp phải có đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng cho từng loại hình; có quy trình lưu giữ, bảo quản các trang thiết bị... Nếu thế, một công ty du lịch tại TPHCM bán tour du lịch mạo hiểm do doanh nghiệp ở Đà Lạt tổ chức cũng phải mua trang thiết bị an toàn. Điều này là không hợp lý.

Doanh nghiệp cũng thắc mắc tại sao những quy định về quản lý du lịch mạo hiểm cùng một số loại hình du lịch mới khác như du lịch trực thăng, thủy phi cơ... lại không đưa vào Luật Du lịch trong khi luật này sắp được sửa đổi mà lại phải soạn thảo quy chế riêng.

Vấn đề quản lý du lịch mạo hiểm như thế nào được thảo luận khá sôi nổi trong thời gian gần đây, sau một số tai nạn chết người tại một số điểm du lịch như Lâm Đồng.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151894/di-bo-co-the-duoc-coi-la-du-lich-mao-hiem.html/