ĐHĐCĐ SAM: Bao lần vỡ kế hoạch, vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng lãi 2017 tính bằng lần

Ngày 24/4, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển SACOM (Mã CK: SAM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 thông qua kế hoạch doanh thu 2.531 tỷ, tăng 134% và lợi nhuận trước thuế 106 tỷ, tăng 292% so với thực hiện năm 2016.

Năm 2016 không hoàn thành kế hoạch, năm 2017 vẫn tự tin đặt kế hoạch lãi tăng mạnh

Theo báo cáo của HĐQT SAM, kết quả doanh thu hợp nhất từ hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính năm 2016 của Công ty là 1.890,8 tỷ đồng, đạt 75,2% kế hoạch 2016; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 36,3 tỷ đồng, hoàn thành 30% kế hoạch năm 2016.

Các nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh chưa đạt chỉ tiêu là lĩnh vực dây và cáp đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các công ty trong ngành. Các dự án của Sacom Tuyền Lâm (sân golf, khách sạn 5 sao, biệt thự nghỉ dưỡng) mới đi vào hoạt động nên chưa hiệu quả.

Các khoản đầu tư mới của SAM trong năm 2016 như đầu tư vào Công ty Dịch vụ Du lịch Phú Thọ, Công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng An Việt, Công ty Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế chủ yếu là đầu tư dài hạn nên trước mắt chưa đem lại hiệu quả kinh doanh. Tổng giá trị danh mục đầu tư của SAM Holdings đến 31/12/2016 là 3.049 tỷ đồng.

Theo báo cáo của ông Trần Anh Vương – Tổng giám đốc SAM, doanh thu năm 2016 của mảng dây và cáp viễn thông (SDC) đạt 1.462 tỷ đồng, tương đương 79% so cùng kỳ năm ngoái và so kế hoạch năm hoàn thành được 73%.

Doanh thu của SDC vẫn tập trung vào ba mảng chính là cáp quang, dây điện từ, đồng và gia công đồng. Sự sụt giảm trong doanh thu chủ yếu đến từ cáp quang, doanh số năm 2016 chỉ đạt 475 tỷ đồng giảm 38% so với năm 2015. Doanh thu từ nhóm sản phầm đồng và gia công cũng sụt giảm 14% so với 2015.

Nguyên nhân chính là do sự canh tranh quyết liệt của các đối thủ trong ngành trong cả mảng cáp quang và cáp quang thuê bao như: nhà máy M3, các công ty trong tập đoàn VNPT (Postef, Focal, Vinacap, Vina OFC, Vĩnh Khánh, YOFC, FiberHome…).

Mức biên lợi nhận gộp của SDC chỉ đạt khoảng 7.2% trong năm 2016, các dòng sản phẩm về cáp viễn thông vẫn duy trì mức biên lợi nhuận ổn định như cáp quang (19%), cáp đồng (32.5%), dây thuê bao quang (25%), tuy nhiên các dòng sản phẩm về đồng như dây điện từ hay thanh busbar đều lỗ với mức tương ứng lần lượt là 6.4% và 32%. Lợi nhuận trước thuế SDC năm 2016 đạt 33.5 tỷ đồng, so cùng kỳ năm ngoái giảm 28% và so kế hoạch năm chỉ hoàn thành 55%.

Mảng phát triển bất đông sản (Samland) đạt doanh thu thuần năm 2016 là 309 tỷ đồng hoàn thành 84% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt 31,1 tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch năm và tăng 40% so với 2015.

SAM Tuyền Lâm (STL) đạt doanh thu 40,7 tỷ đồng, lỗ trước thuế là 39,6 tỷ đồng vượt xa mức lỗ kế hoạch đề ra từ đầu năm là 1,3 tỷ đồng. Mức lỗ lớn của Sam Tuyền Lâm trong năm là do chi phí khấu hao khi dự án đã đi vào vận hành, đồng thời do khách sạn Swiss-BelResort vừa đi vào hoạt động hơn 1 năm, các chi phí vận hành cao trong khi doanh thu, giá phòng và công suất phòng chưa đạt được kỳ vọng.

Doanh thu hoạt động tài chính SAM là 66 tỷ đồng, đạt 156% kế hoạch năm, chủ yếu từ doanh thu khoản thoái vốn Liên doanh Sacom - Taihan và các khoản đầu tư ngắn hạn chứng khoán niêm yết. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính trong kỳ là 47 tỷ đồng, đạt 145% kế hoạch năm.

Năm 2017, SAM đặt ra kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 2.531 tỷ đồng, tăng 134% và lợi nhuận trước thuế 106 tỷ đồng, tăng 292% so với thực hiện năm 2016.

Có thể thấy, năm 2017 SAM lại đặt ra một kế hoạch hết sức tham vọng. Các năm trước SAM cũng đưa ra mục tiêu tăng trưởng rất cao so với thực hiện năm trước đó và kết quả đều vỡ kế hoạch.

HĐQT SAM cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc đổi tên Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển SACOM thành Công ty Cổ phần SAM Holdings.

Theo HĐQT SAM, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2016 đã phê duyệt việc tăng vốn điều lệ từ 1.802,35 tỷ đồng lên 2.018,63 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần với tỷ lệ 12%.

Tuy nhiên, do giá cổ phiếu SAM trong năm xuống thấp ảnh hưởng đến tính khả thi của đợt phát hành nên HĐQT quyết định chưa thực hiện việc phát hành cổ phiếu.

Năm 2017, HĐQT tiếp tục trình phương án phát hành thêm 61.564.664 cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1.802.353.360.000 đồng lên 2.418.000.000.000 đồng.

HĐQT cũng trình Đại hội thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của các ông Nguyễn Văn Phương, Đỗ Văn Trắc và Đỗ Thanh Bình. Đồng thời, trình Đại hội thông qua việc bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT gồm ông Đào Ngọc Thanh, Nguyễn Hồng Hải, Trần Hải Quang.

Đại hội đã thông qua các tờ trình của HĐQT.

Đại hội thảo luận:

Những khoản đầu tư của SAM vào các công ty có hiệu quả không?

Đầu tư vào CTCP Đầu tư & Phát triển hạ tầng An Việt là Công ty có các dự án khu công nghiệp và sân golf gồm KCN Quế Võ Bắc Ninh 100 ha, KCN Yên Quang Hòa Bình, xây dựng sân golf tại Hòa Bình.

CTCP Dịch vụ Du Lịch Phú Thọ là chủ khu du lịch Đầm Sen 31 ha do tiền sử dụng đất tăng lên 60 tỷ đồng nên không có lợi nhuận. Hiện đang kiến nghị UBND TP HCM thay đổi mức thu.

Đầu tư vào cổ phiếu VLC cũng mang lại hiệu quả, đang xem xét thoái vốn trong năm 2017.

Vì sao ĐHĐCĐ 2016 thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu 12% nhưng không thực hiện?

Không thực hiện vì giá cổ phiếu thấp hơn mệnh giá.

Lý do thành viên HĐQT thoái vốn quá nhiều làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu Công ty?

Hiện Chủ tịch HĐQT không có kế hoạch thoái vốn.

Ông Đỗ Văn Trắc và gia đình vì lý do cá nhân nên thoái vốn. Người mua lại cổ phần là ông Trần Anh Vương – Tổng Giám đốc.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/dhdcd-sam-bao-lan-vo-ke-hoach-van-dat-muc-tieu-tang-truong-lai-2017-tinh-bang-lan-20170424093043314p147c159.news