ĐH Thái Nguyên khai trương mô hình 'Giảng đường thông minh'

Sáng 22/9 trường ĐH Y Dược Thái Nguyên đã chính thức khai trương và vận hành mô hình “Giảng đường thông minh”, với việc ứng dụng thiết bị công nghệ giải pháp cùng với nội dung đa phương tiện vào giảng dạy theo định hướng đổi mới giáo dục của Bộ Y Tế.

Mô hình “Giảng đường thông minh” – Samsung Smart school dành riêng cho các trường đại học bao gồm 2 phần chính. Phần cứng là giảng đường tương tác, với trang thiết bị hiện đại như màn hình tương tác, máy tính bảng, hệ thống internet, phần mềm quản lý lớp học. Phần nội dung gồm việc xây dựng bài giảng bằng các phần mềm chuyên dụng, cũng như tập huấn cho giảng viên và sinh viên làm quen với mô hình dạy và học mới.

Theo đó, bàn ghế trong giảng đường tương tác này được bố trí linh hoạt dễ dàng phân khu học nhóm hoặc tách rời từng cá nhân tùy theo yêu cầu của giờ học. Hệ thống Internet hỗ trợ tối đa cho giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy và học.

Giảng viên sử dụng màn hình tương tác để giảng dạy tại “Giảng đường thông minh”

Bằng sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại đang được dùng rộng rãi tại các nước tiên tiến trên thế giới và nội dung giảng dạy trực quan dựa trên nghe, nhìn, tưởng tượng và mô phỏng chính xác thực tế thay cho cách học lý thuyết cứng nhắc trước đây, các bài giảng chuyên môn về y học trở nên sinh động hơn khi được mô tả bằng video clip, hình ảnh động, hình khối 3D… với nhiều góc hiển thị giúp sinh viên hình dung được toàn bộ cơ chế hoạt động của cơ thể người, từ đó phát triển khả năng sáng tạo dựa trên nền kiến thức vững chắc, đó là điều vô cùng quan trọng đối với sinh viên ngành Y.

Đây là trường ĐH thứ 2 trên cả nước (sau ĐH Y Dược TP HCM) áp dụng mô hình này. Cả 2 giảng đường tại 2 trường ĐH đều được trao tặng từ Công ty Điện tử Samsung, theo chương trình trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng (CBR) về giáo dục. Kinh phí ước tính cho mỗi giảng đường vào khoảng 2 tỷ đồng.

“Chúng tôi mong muốn nền giáo dục Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến mới trong tương lai. Và Samsung vẫn đóng góp những gì có thể qua các chương trình trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng để góp tay xây dựng một Việt Nam xứng tầm với thế giới” – ông Bang Woo Hyun, Phó Tổng Giám đốc của Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết.

Các sinh viên theo dõi bài giảng và sử dụng hệ thống máy tính bảng để trả lời

Sau buổi khai trương và vận hành mô hình “Giảng đường thông minh” – Samsung smart school”, PGS - TS Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Y Dược Thái Nguyên nhận xét: “Trước đây, các bài giảng thường là "chay" hoặc được hỗ trợ bởi các máy chiếu với hình ảnh mờ nhạt và không có sự tương tác với sinh viên. Vì vậy, ngoài những sinh viên nào được giảng viên mời lên trình bày thì những người khác hoàn toàn có thể không tham gia vào hoạt động dạy vào học. Còn mô hình Giảng đường thông minh này thực sự rất hữu ích với người học bởi sinh viên dù ngồi ở vị trí nào cũng bắt buộc phải “động não” và chủ động tham gia vào tiết học, đồng thời có trách nhiệm tham gia ý kiến và ra quyết định cùng nhóm.”

Tuy nhiên, theo PGS Sơn, giảng viên sẽ là những người vất vả nhất, bởi mô hình này đòi hỏi họ tốn rất nhiều thời gian chuẩn bị bài giảng để thu hút được sự chú ý của sinh viên. Ngoài ra, một giảng đường thông minh tối đa chỉ có thể dành cho khoảng hơn 100 sinh viên. Do vậy, trong tương lai, nhà trường sẽ phải phấn đấu đầu tư thêm các giảng đường mới nếu muốn phát triển thêm mô hình này.

P.V

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/dh-thai-nguyen-khai-truong-mo-hinh-giang-duong-thong-minh-n20160923092841739.htm