Deutsche Bank và nguy cơ sụp đổ của 'gã khổng lồ'

“Đại gia” ngân hàng Đức Deutsche Bank đang phải chạy đua với thời gian để thanh toán được khoản tiền phạt 14 tỷ USD cho chính quyền Washington trước thềm cuộc cầu cử Mỹ diễn ra vào tháng sau.

Chạy đua với cuộc bầu cử Mỹ

Deutsche Bank phải chấp nhận trả khoản phạt 14 tỷ USD do liên quan tới vụ điều tra về bán chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008. Giới chức Mỹ cho biết, các ngân hàng lớn bao gồm Deutsche Bank đã cố tình khiến các nhà đầu tư hiểu lầm giá trị và chất lượng của các loại chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Theo đó, nhiều khoản vay trở nên vô giá trị, khiến người nắm giữ các loại chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp thua lỗ hàng tỷ USD khi thị trường bất động sản sụp đổ. Đây là mức phạt cao nhất mà một ngân hàng nước ngoài phải nộp tại Mỹ.

Một báo cáo chưa xác nhận đưa ra hôm 30/9 cho biết, nhà băng này và Sở Tư pháp Mỹ đã đi đến một thỏa thuận thanh toán 5,4 tỷ USD. Tờ Wall Street Journal hôm 2/10 khẳng định, các đàm thoại của Deutsche Bank và Sở Tư pháp Mỹ vẫn đang tiếp diễn. Theo hãng Moody’s, chỉ cần ngân hàng này trả được khoản phạt khoảng 3,1 tỷ USD, mức đánh giá tín dụng vẫn duy trì ở mức tích cực.

Giống như các ngân hàng châu Âu lớn cũng đang bị điều tra do bán chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp như Credit Suisse hay Barclays, Deutsche Bank cũng kỳ vọng giải quyết được vấn đề trước khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới. Nếu không dàn xếp được thỏa thuận với Washington trước khi chính quyền mới lập nên sau ngày 8/11, những rủi ro và trì hoãn sẽ không thể lường trước.

Tiềm ẩn rủi ro hệ thống

Trong năm 2015 và 2016, Deutsche Bank đều không vượt qua bài sát hạch năng lực thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đánh giá khả năng nguồn vốn chống đỡ những cú sốc như khủng hoảng tài chính. Hồi tháng 6, IMF đánh giá Deutsche Bank ẩn chứa rủi ro hệ thống lớn. Deutsche Bank có quy mô khiêm tốn hơn so với các đối thủ ở Phố Wall như JPMorgan và Citigroup. Tuy nhiên, nhà băng này sở hữu quan hệ thương mại khăng khít với các định chế tài chính lớn cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), do đó tiềm ẩn rủi ro hệ thống hơn bất kỳ ngân hàng toàn cầu nào. Tình hình đang diễn biến xấu tới mức Chính phủ Đức bắt đầu tìm kiếm một gói cứu trợ tiềm năng.

Deutsche Bank đang nỗ lực gây dựng lại niềm tin đối với công chúng, chính trị gia và các nhà chức trách sau cáo buộc nhà băng này chậm chạp phản ứng với cuộc khủng hoảng năm 2008. Một câu hỏi đặt ra là liệu Deutsche Bank có kích hoạt cuộc khủng hoảng như sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008 hay không. Dù các chuyên gia và nhà đầu tư khẳng định, tình hình chưa xấu tới mức đó nhưng mối đe dọa từ án phạt khổng lồ này đã đẩy cổ phiếu Deutsche Bank xuống mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, các đối thủ của Deutsche Bank như JPMorgan Chase, Goldman Sachs cùng hàng loạt ngân hàng lớn khác cũng phải đối mặt với nhiều rắc rối và không thể tận dụng được bất lợi của Deutsche Bank để bứt phá.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/deutsche-bank-va-nguy-co-sup-do-cua-ga-khong-lo-224066.html