Dệt may 'chật vật' về đích

Chưa khi nào DN dệt may lại khó khăn như thời điểm này, khi tăng trưởng chỉ đạt 6%. Đơn hàng ăn đong, tới quý IV vẫn đang đi tìm đơn hàng, giảm giá thành để cạnh tranh… Tình trạng này dự báo còn kéo dài sang năm 2017.

Đến thời điểm này, nhiều DN dệt may vẫn đang lo tìm đơn hàng. Ảnh: DANH LAM.

“Vật vã” tìm đơn hàng

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Kinh tế Á- Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 5-10 sẽ tạo đột phá cho DN XK. Các mặt hàng như áo sơ mi, quần áo trẻ em các DN Việt Nam đều đang XK sang Nga. Tuy nhiên, Nga là nước đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao không khác gì EU hay Mỹ, vấn đề thanh toán cũng là một khó khăn. Do vậy, muốn XK sang Nga DN phải hiểu thấu đáo nội dung hiệp định, đồng thời phải hiểu được nền văn hóa Nga từ cách ăn mặc, kiểu dáng, màu sắc…

Đã hết 9 tháng nhưng toàn ngành dệt may mới đạt 68% kế hoạch đề ra với kim ngạch đạt được 21,11 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2015. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tăng trưởng khó khăn khiến ngành dệt may đã phải hạ mục tiêu XK từ 31 tỷ USD xuống còn 29 tỷ USD.

Nguyên nhân của tình trạng này đã được nhắc đến khá nhiều và đang tiếp tục vấp phải. Theo đó, ngoài những nguyên nhân khách quan như: Nền kinh tế của một số nước NK dệt may của Việt Nam đang gặp khó khăn, sự kiện Brexit ở Anh… thì khó khăn của ngành dệt may bắt nguồn từ chính sách giữ tỷ giá của đồng Việt Nam ổn định hơn so với một số đồng ngoại tệ, khiến hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn và giảm sức cạnh tranh với các nước. Ngoài ra, lãi vay ngân hàng cũng ở mức rất cao 8-10%, gấp từ 2-4 lần so với nhiều nước.

Thông thường, tháng 9, tháng 10 là thời điểm DN đang “dồn sức” sản xuất để trả nợ đơn hàng nhưng năm nay lại “có biến”. Tình trạng ăn đong, thiếu đơn hàng là thực tế diễn ra ở nhiều DN trong ngành dệt may. Có những DN lớn, có tới 14.000 lao động như Tổng công ty May Hưng Yên nhưng lượng đơn hàng mới chỉ đủ đến tháng 9. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, đồng tiền Việt Nam trong những năm qua gần như không điều chỉnh hoặc điều chỉnh rất ít. Trong khi đó, tất cả các nước khác đều điều chỉnh hạ giá đồng tiền của họ xuống từ 18-20%, vì thế hàng hóa của họ rẻ hơn tới 20% so với hàng của Việt Nam. “Khách hàng họ yêu cầu, hàng Việt Nam nếu muốn có khách thì phải hạ giá tương đương với các nước khác, ít ra hạ giá từ 18-20%. Thậm chí nhiều đơn hàng chúng tôi phải hạ giá tới 30% nhưng khách hàng vẫn rút sang các thị trường khác”, ông Dương cho hay.

Bổ sung thêm thông tin, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra khá phổ biến, lượng đơn hàng của nhiều DN dệt may hiện mới chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều DN còn đang tìm kiếm đơn hàng cho tháng 11, tháng 12.

Trên thực tế, đơn hàng của Việt Nam đã “chạy” sang các nước như Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia… Các nước này đã “hớt mất” đơn hàng nhờ “tung chiêu” ưu đãi cho sản xuất trong nước. Ví dụ, Trung Quốc đã thực hiện các khoản trợ cấp thông qua hình thức tài trợ hoặc cung cấp dịch vụ miễn phí, giảm giá từ chính quyền Trung ương và địa phương... Ấn Độ giảm thuế NK một số loại xơ, sợi nguyên liệu, miễn thuế NK một số loại vải phục vụ hàng may mặc XK. Pakistan thậm chí còn áp dụng mức thuế 0% (không cần nộp thuế, hoàn thuế Tiêu thụ/GTGT) đối với nguyên phụ liệu dệt may trong 2 năm tới... Campuchia cũng được ưu đãi thuế NK hàng dệt may vào Mỹ 0%, trong khi Việt Nam phải chịu thuế khoảng 17-18%.

Khó khăn sẽ kéo dài

Để đạt mục tiêu 29 tỷ USD, các DN dệt may cũng còn phải “chạy mệt”. Tất nhiên, để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ quý II khi thấy tín hiệu ngành dệt may “đi xuống”, các DN trong nước đã chủ động tìm ra một số thị trường mới như: Trung Quốc (Việt Nam đang XK sợi, vải và quần áo sang thị trường này), Nga và Ấn Độ. “Bản thân DN phải tự tìm ra hướng đi riêng cho mình và tìm ra các thị trường mới, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghệ, đặc biệt với ngành may để tăng năng suất mới có thể đạt được con số trung bình 2,5 tỷ USD trong 3 tháng tới”, ông Giang nói.

Không chỉ vậy, hàng loạt các kiến nghị của DN dệt may về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho các DN dệt may trong bối cảnh hiện nay cũng đã được Bộ Công Thương “kêu” lên tới cấp Chính phủ. Nếu được giải quyết những vấn đề như quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt, quy định kiểm dịch động thực vật đối với lông vũ/gia cầm (đã qua xử lý) có đầy đủ kiểm dịch động vật và C/O từ phía khách hàng; quy định đóng 2% phí công đoàn… thì DN dệt may sẽ bớt khó khăn hơn.

Theo đánh giá của Vitas, khó khăn này vẫn tiếp tục kéo dài sang 3 quý đầu năm 2017, mục tiêu tăng trưởng của ngành cũng có thể giảm so với năm 2016. Bên cạnh đó, quyết định điều chỉnh lương tối thiểu vùng lên 7,3% vào năm 2017 sẽ tiếp tục là “gánh nặng” cho DN dệt may khi những khó khăn của ngành chưa được tháo gỡ. Điều này cũng sẽ khiến cho khả năng cạnh tranh của các DN giảm.

Trước những khó khăn trong thời gian tới, Vitas cũng khuyến cáo các DN phải chủ động có những giải pháp thích ứng với tình hình thị trường, thậm chí phải chấp nhận giảm giá sản phẩm, chấp nhận việc chuyển đổi đơn hàng để giảm thiệt hại cho DN.

Việt Nam có 5 mặt hàng XK dệt may chủ lực gồm quần áo, vải các loại, phụ liệu, sợi các loại và mặt hàng vải địa kỹ thuật, vải mành đều có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, mặt hàng sợi các loại đang XK rất tốt sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ thì bị nước này áp thuế chống bán phá giá và sắp tới là Ấn Độ cũng sẽ áp loại thuế này với mặt hàng sợi của Việt Nam. Việc này tác động rất nguy hiểm tới ngành dệt may.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/det-may-chat-vat-ve-dich.aspx