Dệt lụa - nơi con thoi dệt nên văn hóa xứ Lào

(Seatimes) Nghề dệt lụa truyền thống và các sản phẩm tinh tế do bàn tay khéo léo của những người thợ dệt ở xứ Triệu Voi làm ra luôn có một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với ai từng ghé thăm cố đô Luang Prabang.

Tại Trung tâm nghề thủ công truyền thống Ock Pop Tok ở Saylom, Lào, một thợ dệt trẻ tuổi người dân tộc Katu đang khéo léo luồn một cuộn chỉ màu tím lên xuống từ chiếc khung cửi bằng gỗ rất lớn và ọp ẹp. Trong cái nóng oi bức của buổi trưa hè, thông dịch viên chia sẻ với chúng tôi rằng, những kỹ thuật dệt truyền thống của Lào đã được gia đình bạn trẻ này gìn giữ trong suốt nhiều thể kỷ.

Mặc dù kỹ thuật không mấy thay đổi nhưng khung cảnh dệt truyền thống được tìm thấy ở những ngôi làng ngay sát cố đô Luang Prabang 700 năm tuổi đang đổi thay từng ngày.

Do bị giới hạn bởi các quy đinh của chính quyền ở trung tâm thành phố nên các công ty khai thác khách sạn đã chuyển hướng đầu tư sang khu vực ngoại ô. Sự phát triển nhanh chóng của các khu nghỉ mát lớn đã đặt ra một thách thức thực sự cho cả thợ dệt và thành phố. Cố đô Luang Prabang nổi tiềng là trung tâm của nghề dệt truyền thống và là viên ngọc quý của ngành du lịch nước nhà. Nhưng trước làn sóng thương mại hóa du lịch, sức hấp dẫn đặc biệt của mảnh đất cô đô sẽ nhanh chóng phai nhạt.

Ngành du lịch phát triển

Kể từ khi mở cửa đón du khách quốc tế vào năm 1989, Lào nhanh chóng trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển vượt bậc. Theo thống kê của Bộ Du lịch Lào, năm 2012 chứng kiến sự đột phá trong ngành công nghiệp không khói của Lào, với khoảng 3,3 triệu lượt du khách quốc tế ghé thăm đất nước Triệu Voi, tăng 32% so với năm 2011, trong đó có 200.000 du khách Trung Quốc, tăng 22% so với năm 2011.

Trong tương lai không xa, khách du lịch nước ngoài đến với xứ Triệu Voi sẽ tăng vọt. Bởi lẽ, tuyến đường sắt Trung-Lào dài 21km, vượt qua 76 đường hầm và 152 cây cầu, nối thủ đô Vientiane với biên giới Trung Quốc, dự kiến sẽ khai trương vào năm 2015. Ngoài ra, sân bay ở Luang Prabang cũng đã được nâng cấp và tái mở cửa vào tháng 6/2013, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với mảnh đất cố đô.

Các giá trị truyền thống bị đe dọa

Tuy nhiên, khi ngành du lịch ngày càng phát triển, nó sẽ trở thành nhân tố ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng thợ thủ công nổi tiếng của Lào. Dưới thời nhà Đường, những thương nhân Trung Quốc tìm đến Lào để mua loại tơ lụa mềm mại do người dân xứ Triệu Voi làm ra. Nhận thức được giá trị của loại tơ lụa này, người Lào không viết sử. Thay vào đó, họ dệt sử bằng những sợi tơ rực rỡ và các họa tiết độc đáo lấy cảm hứng từ những truyền thuyết của người Lào.

Ngày nay, những mẫu dệt truyền thống của Lào – với các biến thể màu sắc và thiết kế sao cho phù hợp với xu hướng hiện đại - được bán tại khu chợ đêm chạy dọc theo Th Sisavangvong từ Bảo tàng cung điện hoàng gia đến Th Kitsarat. Khu chợ này là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách, bày bán các sản phẩm truyền thống như túi xách, đồ chơi, khăn và quần áo bằng lụa. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, hàng nhái giá rẻ đang tràn ngập thị trường.

Để đối phó với tình trạng này, một số công ty địa phương đã thành lập các hợp tác xã dệt, hy vọng bảo tồn được nghề truyền thống lâu đời bằng cách trưng bày và bán các sản phẩm chất lượng cao.

Sáng kiến Ock Pop Tok (trong tiếng Lào có nghĩa là “Đông Tây hội ngộ) đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm nghệ nhân làm nghề dệt lụa ở Luang Prabang và vùng lân cận. Những nghệ nhân lâu năm chỉ dạy và hỗ trợ lớp nghệ nhân trẻ, giúp họ nâng cao tay nghề và có cuộc sống ổn định nhờ vào nghề dệt lụa truyền thống. Ngoài ra, Luang Prabang còn sở hữu hệ thống các cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm dệt may thủ công như khăn quàng cổ ikat và vải in hoa của người Hmong. Các mặt hàng dệt may truyền thống của những nghệ nhân Lào và Thái Lan với đặc trưng là sọc ngang và hoa văn in hình voi, cũng được bày bán tại khu chợ.

Các sản phẩm dệt may truyền thống của xứ Triệu Voi quả thực có sức hấp dẫn lớn lao. Ba người bạn Heather Smith, Veomanee Douangdala và Joanna Smith đã thành lập nên Passa Paa, một liên doanh Anh-Lào chuyên thiết kế các sản phẩm dệt tay mang cảm hứng từ các dân tộc Lào. Một số sản phẩm nổi tiếng của bộ ba này như: khăn quàng cổ và túi xách, vừa mang nét truyền thống vừa pha chút phong vị hiện đại, được nhiều du khách phương Tây ưa thích.

Ông Smith chia sẻ: “Câu chuyện đằng sau những sản phẩm đóng vai trò quan trọng đối với thành công của công ty”. Điều quan trọng là “giúp khách hàng hiểu được tâm huyết của những người thợ dệt dồn vào mỗi sản phẩm và thực tế là những kỹ thuật được lưu truyền qua nhiều thế hệ”.

Những ai đam mê khám phá các nghề dệt tay truyền thống của xứ Triệu Voi có thể đến Luang Pragang và ghé thăm Fibre to Fabric Gallery nơi triểm lãm quy trình sản xuất các sản phẩm dệt may từ khắp nơi trên đất nước Lào.

Bài viết và góp ý xin gửi về asean@seatimes.com hoặc 0904 608 840 . Trân trọng!

Tag

Nguồn Seatimes: http://seatimes.com.vn/det-lua-noi-con-thoi-det-nen-van-hoa-xu-lao-0192119.html