'Dẹp' xe hợp đồng, lập hành lang chặn xe khách vào nội đô

Xe chạy khách có thể ngang nhiên xông vào khu vực trung tâm thành phố để đón trả khách liên tỉnh đi các tuyến cố định hằng ngày là do các quy định chế tài hiện nay còn hở khiến lực lượng CSGT và Thanh tra GTVT khó có thể xử phạt.

Đủ kiểu lách luật

Từ nhiều năm qua, trách nhiệm chính trong xử lý xe hợp đồng, xe trá hình chạy vào khu vực trung tâm đã được chính quyền TP Hồ Chí Minh giao cho Chủ tịch UBND các quận, huyện.

Gần đây nhất, trong thông báo ra ngày 25-1 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố tiếp tục giao trách nhiệm trực tiếp cho Chủ tịch các quận, huyện phối hợp với Sở GTVT, Công an thành phố và các ngành liên quan chỉ đạo lực lượng khẩn trương rà soát, kiểm tra, giải quyết dứt điểm không để tái diễn tình trạng xe “dù”, bến “cóc” trên địa bàn quản lý.

Kết quả thực hiện phải báo cáo cho UBND thành phố trước ngày 28-2, song đến nay việc chặn xe khách vào nội thành, ngăn xe hợp đồng đón trả khách ngay tại trụ sở ở khu vực trung tâm vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến.

Theo tìm hiểu của PV, sở dĩ xe hợp đồng, xe trá hình dưới dạng open tour, xe chạy sai hành trình vẫn có thể ngang nhiên xông vào khu vực trung tâm thành phố để đón trả khách liên tỉnh đi các tuyến cố định hằng ngày là do các quy định chế tài hiện nay còn hở khiến lực lượng CSGT và Thanh tra GTVT khó có thể xử phạt.

Cụ thể, Điều 8, Nghị định số 86/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô chỉ cho phép hợp đồng vận tải khách du lịch được ký giữa đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành, có nghĩa chỉ có pháp nhân được ký kết với pháp nhân do đây là ngành kinh doanh có điều kiện.

Trong khi đó, Điều 47 trong Thông tư số 63/2014 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô lại cho phép hợp đồng vận tải khách du lịch được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe.

Do đó, để lách luật và đối phó với lực lượng kiểm tra, xử phạt, chỉ cần DN vận tải, nhà xe thành lập thêm công ty con chuyên kinh doanh du lịch, lữ hành sau đó gom khách và ký hợp đồng với chính công ty mẹ để vận chuyển khách hoặc cho một cá nhân đứng ra ký hợp đồng là Thanh tra GTVT hay CSGT không thể xử phạt về mặt hợp đồng vận chuyển khách.

Mặt khác, Luật Giao thông đường bộ cho phép 5 loại hình kinh doanh vận tải khách, nên ngoài taxi và xe buýt, một DN kinh doanh vận tải khách đăng ký đến 2-3 loại hình hoạt động là vận tải khách cố định, vận tải khách hợp đồng và vận tải khách du lịch.

Sẵn có “bửu bối” trong tay, khi chạy vào bến, tài xế chỉ việc dựng phù hiệu “Xe chạy tuyến cố định”, còn khi muốn chạy vào trung tâm thành phố, tài xế chỉ cần trưng phù hiệu “Xe hợp đồng”, kèm theo hợp đồng vận chuyển khách đã thủ sẵn là có thể kiện ngược lại CSGT hay Thanh tra GTVT khi bị dừng xe để kiểm tra, xử phạt.

Lý do, DN vận tải có quyền đón, trả khách ở bất cứ địa điểm nào được ghi trên hợp đồng, miễn là địa điểm đó không có biển cấm dừng, cấm đậu đối với xe khách.

Các bến xe chính thống hiện đã khá văn minh, lịch sự, an toàn.

Cần có biện pháp ngăn ngừa vi phạm

Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiểm soát, xử phạt xe khách vi phạm, nhưng ông Lê Hồng Việt (Phó chánh Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) cũng phải thừa nhận, quy định hiện nay yêu cầu trước khi thực hiện hợp đồng, DN phải thông báo những thông tin cơ bản về hợp đồng vận chuyển khách với Sở GTVT - nơi cấp phù hiệu xe hợp đồng là quá dễ với DN vận tải, nhưng nhà xe có thực hiện hay không, Thanh tra GTVT thành phố cũng chỉ có thể kiểm tra với xe được cấp phù hiệu từ Sở GTVT thành phố; còn với xe từ các tỉnh, thành khác về thành phố, lực lượng Thanh tra GTVT hay CSGT của thành phố cũng chỉ còn cách bó tay do không thể xác minh trong chốc lát.

Ngay cả việc muốn kiểm tra dữ liệu trong hộp đen của xe khách để chứng minh việc tài xế chạy sai lộ trình tuyến, Thanh tra GTVT hay CSGT cũng khó có thể làm được do dữ liệu này chỉ được truyền về Tổng cục Đường bộ và Sở GTVT những tỉnh, thành đang quản lý, cấp phép, cấp phù hiệu cho nhà xe hoạt động.

Thậm chí khi phát hiện DN vận tải ngang nhiên cho xe chạy hẳn vào đậu trong trụ sở, văn phòng đại diện trong khu vực nội thành gây nguy cơ cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của hành khách và cư dân xung quanh… thì các tổ Thanh tra GTVT hay CSGT đang tuần tra, kiểm soát trên đường cũng khó có thể một mình tự ý vào trụ sở DN để kiểm tra, xử phạt.

Khẳng định có tình trạng xe khách tuyến cố định chạy vào nội đô lấy khách, sau đó chạy ra bến đăng tài để xuất bến nhằm tránh né bị xử phạt, đại điện một DN vận tải trong bến kiến nghị: Để ngăn chặn tình trạng trên, cơ quan thuế phải tăng cường kiểm tra, đối chiếu số lượng vé bán ra của DN vận tải với số khách thực tế xuất bến của bến xe sẽ lòi ra chuyện gian dối này.

Đại điện giới vận tải khách chính thống cũng nêu ý kiến, năm nay Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sẽ được đưa ra xem xét, sửa đổi, bổ sung. Do đó để gấp rút bịt kín những kẽ hở để xe hợp đồng có thể lợi dụng, cần sửa Luật GTĐB theo hướng bỏ loại hình vận tải hợp đồng do xe chạy tuyến cố định và xe vận chuyển khách du lịch, lữ hành đã có chức năng này.

Với tài xế điều khiển phương tiện cố tình chạy sai hành trình đã được Sở GTVT chấp thuận, cần bổ sung hình thức xử lý vi phạm đối với lái xe để tăng tính răn đe với người cố tình vi phạm.

Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông:

Để chặn xe khách vào nội thành, cần “dẹp” các tuyến xuất phát từ Bến xe Miền Tây đi các tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, Lâm Đồng, miền Bắc… điển hình như một số tuyến có bến cuối là các bến xe Nha Trang, Mũi Né, Phan Thiết, Đức Linh, Vũng Tàu... do các tuyến trên hiện đang khai thác không hiệu quả mà chủ yếu lợi dụng chấp thuận tuyến để xe được chạy vào các tụ điểm ở quận 1, quận 5, quận 10 để đón, trả khách gây hỗn loạn trật tự vận tải và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông.

PV

Bảo Sơn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/dep-xe-hop-dong-lap-hanh-lang-chan-xe-khach-vao-noi-do-432508/